Đẹp vàng son...

Chiều 20-6, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội) đã khai mạc trưng bày 'Nét vàng son - Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng'. Khách thăm Bảo tàng có thể chiêm ngưỡng những 'Nét vàng son' vang bóng một thời trong không gian đậm tính chuyên đề nhưng vẫn đủ đa dạng văn hóa.

Nghê thếp vàng

Những hiện vật được giới thiệu trong trưng bày khá phong phú và đa dạng về kiểu dáng, hoa văn trang trí với kỹ thuật chế tác riêng. Những hiện vật được lựa chọn từ bộ sưu tập đồ gỗ sơn thếp đã được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản trong nhiều năm qua.

65 hiện vật được lựa chọn giới thiệu thể hiện theo cách kết hợp trưng bày tổ hợp - nhóm và trưng bày theo loại hình, kiểu dáng, chức năng: tượng thờ (tượng Tam thế phật, tượng Phật A Di Đà, tượng Quán Âm, tượng Thích Ca sơ sinh, tượng tổ Bồ Đề Đạt Ma, tượng hậu), đồ thờ (hương án, khám thờ, ngai thờ, sập thờ, bài vị, hộp đựng sắc phong, bình, lọ hoa, lỗ bộ, hoành phi, câu đối v.v). Những hiện vật được giới thiệu có niên đại trong các thời Lê, Nguyễn (từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20), giai đoạn phát triển rực rỡ của nghề làm đồ gỗ sơn son thếp vàng. Trưng bày cũng giới thiệu một số hình ảnh về nghề cổ truyền này.

Kiệu bát cống được sơn son thếp vàng.

Nghề sơn son thếp vàng là một nghề lâu đời ở Việt Nam. Từ các ngôi mộ thời Đông Sơn cách nay đã trên hai nghìn năm, khai quật được ở Việt Khê, Châu Can, Đường Dù, Xuân La, Minh Đức, Châu Sơn... đã phát hiện dấu tích của nhiều đồ sơn.

Nghề sơn son thếp vàng gồm hai công đoạn sơn thếp. Sơn son là phủ một lớp sơn ta mầu đỏ hoặc mầu đen. Thếp vàng là dát những lá vàng (rất) mỏng lên bề mặt đồ vật. Nghề sơn son thếp vàng là khâu cuối cùng trong chuỗi liên kết của nhiều nghề: nghề mộc làm tượng, làm đồ thờ; nghề khai thác sơn, nghề làm vàng quỳ; cả nghề chế tác đá, kim loại, nghề kiến trúc, xây dựng. Không chỉ cần sự kiên trì, tỉ mỉ, nghề sơn son thếp vàng còn đòi hỏi cả năng khiếu bấm sinh khéo léo của người thợ. Các nghệ nhân dân gian bằng những tinh hoa tay nghề của mình đã tạo nên những sản phẩm mang nhiều giá trị, phục vụ nhu cầu khác nhau trong tôn giáo, tín ngưỡng và cả sinh hoạt hàng ngày.

Đồ gỗ sơn thếp chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán... Người ta thường thấy những đồ gỗ sơn son thếp vàng gắn với những nơi tôn nghiêm, trang trọng và là những vật quý giá, linh thiêng.

Nhưng không chỉ ở những nơi thờ tự, hay ở chốn cung đình của bậc vua, chúa, sơn son thếp vàng còn hiện diện rộng và sâu hơn trong đời sống xã hội. Trong những sự kiện quan trọng: khi nhậm chức, nhận sắc phong, tân gia..., các họ tộc lớn, các gia đình có địa vị cao thường kén thợ giỏi tới làm hoành phi, câu đối, cuốn thư, bình phong tại từ đường, tại tư gia.

Trong tâm thức dân gian, đối sánh với Ngon (phải) là Đẹp. Người xưa vẫn có câu Đẹp vàng son... Nét chạm khắc tinh xảo, sắc đỏ son ngả mầu trầm mặc (hoặc đen) của sơn, ánh kim lung linh của vàng quỳ cùng sinh động chuyển tải những đề tài trang trí mang ý nghĩa tốt lành, cao quý... tất cả thể hiện quan niệm nhân sinh, tư duy thẩm mỹ, bàn tay tài hoa của người xưa.

Tuy đã trải nhiều thăng trầm với lịch sử - văn hóa dân tộc, có lúc tưởng chừng như đã mai một, nhưng nghề sơn thếp đã được hồi phục và phát triển ở nhiều nơi (Hà Nội, Huế...). Nay chúng ta vẫn có thể găp những nét đẹp vàng son ở nhiều di tích, các đền, đình, chùa, miếu, các công trình kiến trúc cổ. Các sản phẩm chứa đựng trong mình nghệ thuật chạm khắc gỗ, nghệ thuật sơn thiếp Việt Nam và cả nghề này đều là tài sản văn hóa quý. Đây cũng là nguồn tài liệu phong phú để nghiên cứu lịch sử mỹ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc học, làng nghề thủ công truyền thống của cha ông...

Trưng bày kéo dài đến hết tháng 11-2017.

NGỮ THIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/33216502-dep-vang-son.html