Đẹp trước và sau sinh

Page Content

Đối với phụ nữ, sinh con là thiên chức thiêng liêng. Tuy nhiên, việc mang thai và sinh đẻ thường để lại những "dấu ấn" không mấy dễ chịu về thể chất lẫn ngoại hình của sản phụ. Nếu biết cách, bạn có thể khỏe đẹp suốt thai kỳ cũng như sau khi sinh.

Mang thai là quá trình cơ thể thay đổi về hormone, vì vậy làn da là nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên. Tất nhiên, có những sự thay đổi sẽ biến mất sau khi sinh con nhưng cũng có những vấn đề cần can thiệp sớm để tránh để lại dấu vết về sau. Sự thay đổi này ở các thai phụ thường không giống nhau, có người nặng người nhẹ, cũng có trường hợp hầu như không bị thay đổi gì.

Ảnh: shutterstock

Phổ biến nhất là nổi mụn, một số người thường nổi mụn sau khi mang thai. Thông thường mụn sẽ hết khi sinh con, nhưng cá biệt thì còn mãi mãi. Vì vậy, thai phụ nên thường xuyên làm sạch da bằng nước sạch và ấm, ngủ đủ, ăn nhiều chất xơ, trái cây, sữa chua giúp da dễ thở.

Ảnh hưởng của hóa chất làm tóc lên thai nhi

Các chuyên gia y tế Pháp khuyến cáo, trong thuốc nhuộm tóc có chất teratogen, là thủ phạm gây nguy cơ sẩy thai cho thai phụ hoặc thợ làm tóc đang mang thai. Duỗi hoặc ép tóc cũng có nguy cơ tương tự, thai phụ hoặc sản phụ sau sinh tóc rất yếu nếu thực hiện ép tóc sẽ khiến tóc càng yếu hơn và dễ rụng. Chưa kể, do da của thai phụ có độ mẫn cảm cao nên hóa chất ép tóc dễ dàng thâm nhập vào cơ thể gây tổn thương cho thai nhi.

Có người còn bị giãn tĩnh mạch hình mạng nhện. Đó là những mạch máu nhỏ li ti, tập trung lại một điểm rồi tỏa ra xung quanh như chân nhện, chúng xuất hiện trên mặt, ngực hoặc cánh tay. Hãy yên tâm, hiện tượng giãn tĩnh mạch sẽ biến mất sau khi sinh.

Nám vẫn là hiện tượng phổ biến nhất, theo bác sĩ Võ Thị Bạch Sương - phòng chăm sóc Da bệnh viện Đại học Y dược, khi thấy da bị nám thai phụ nên thực hiện các phương pháp bảo vệ da hiệu quả (như tránh ra nắng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, che mặt bằng khăn, mũ rộng vành hoặc bôi kem chống nắng). Thông thường, sau khi sinh vết nám sẽ nhạt dần đi. Để giới hạn phần nào độ đậm của vết nám, bạn có thể thoa vitamin C. Còn các thuốc trị nám khác thì nên để sau sinh, lúc cai sữa cho bé xong mới dùng.

Đặc biệt là hiện tượng rạn da do vòng bụng lớn dần, nếu không biết cách phòng ngừa sự rạn da sẽ kéo dài mãi mãi. Trên thị trường có bán nhiều loại kem chống rạn da an toàn cho thai phụ. Mỗi ngày bạn nên thoa 1 - 2 lần vào các khu vực có nguy cơ rạn da như ngực, bụng và mông. Phải thực hiện ngay từ những tháng đầu thai kỳ, nghĩa là các vùng này chưa biến dạng cho tới khi chúng thay đổi do bụng ngày càng lớn. Nên nhớ, phương pháp này không hiệu quả đối với những trường hợp rạn da đã hình thành. Theo bác sĩ Sương, nếu vết rạn đã hình thành thì dùng phương pháp gì cũng khó trả lại cấu trúc bình thường cho da. Các thiết bị như laser, RF... hỗ trợ tốt hơn cho việc thoa kem thông thường nhưng phải điều trị nhiều lần và đắt tiền.

Lúc này, biện pháp an toàn nhất là áp dụng các phương pháp luyện tập như bơi, yoga, tập aerobic, thể dục dụng cụ... nhưng cần tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa sản hoặc huấn luyện viên để biết thời gian, chế độ tập thích hợp, bởi cơ thể phụ nữ sau sinh khá nhạy cảm.

Nếu trước đây bạn là tín đồ của các salon tóc và không ngần ngại tạo kiểu như uốn, nhuộm, duỗi liên tục thì phải nói lời tạm biệt ít nhất là 3 tháng trước khi mang thai và 6 tháng sau khi sinh. Theo bác sĩ Sương, trong giai đoạn mang thai, thai phụ nên hạn chế đưa các hóa chất như thuốc, mỹ phẩm vào cơ thể trừ khi có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, sau khi cân nhắc về lợi ích mà chất đó đem lại. Do đó, thuốc nhuộm tóc, nước hoa và kem dưỡng da nên ngưng dùng. Giai đoạn này móng cũng trở nên giòn và dễ gãy, nên hạn chế sơn móng để bảo vệ móng tay khỏe.

Tóc nên cột tự nhiên hoặc cắt ngắn gọn gàng để tiện cho việc di chuyển, giúp dễ dàng tắm gội trong thời gian ở cữ.

Ngoài ra, một số thay đổi trên cơ thể cũng khiến bạn hoang mang như xuất hiện nhiều lông tơ trên cơ thể với những đám lông dày sậm màu ở vùng tiếp giáp giữa môi trên và mũi, da nhiều dầu hoặc phát ban, ngực căng hơn và bị thâm quầng… bạn nên uống nhiều nước, những dấu hiệu này sẽ từ từ biến mất sau khi sinh.

Lấy lại sự thon gọn

TS-BS Trần Thị Anh Tú (Thẩm mỹ viện Bác sĩ Tú) giới thiệu một số công nghệ làm đẹp cho phụ nữ sau sinh.

- Khắc phục cơ bụng bị nhão với công nghệ BEAM (điện sinh học), dùng thiết bị tạo ra các dòng điện sinh học, mô phỏng chính xác các tín hiệu của hệ thần kinh, kích thích liên tục vào các cơ bụng làm cho các thớ cơ này co giãn và cấu trúc lại. Khối cơ mới cấu trúc lại này sẽ được đẩy vào khoảng trống tự nhiên bên trong bụng, làm cho bụng thon gọn và săn chắc hơn.

- Khi da bụng bị chùng và sần, bác sĩ sẽ sử dụng công nghệ sóng RF (Thermage) với sóng tần số radio (RF) đơn cực, phát theo dạng xung, năng lượng tác động cao, có hệ thống bảo vệ an toàn nên hiệu quả có thể thấy ngay sau khi thực hiện với việc sử dụng loại đầu phát sóng công nghệ cao "ThermaTip". Phương pháp này sử dụng riêng cho từng người và chỉ sử dụng một lần, phù hợp cho những người quá bận rộn, không có thời gian đi lại nhiều lần.

- Đối với lượng mỡ dày ở vùng bụng, có thể sử dụng công nghệ sóng siêu âm hội tụ, với hệ thống thiết bị Ultrashape. Dùng sóng siêu âm hội tụ tập trung năng lượng cao, gây hiệu ứng cơ học "đập" vỡ màng tế bào, phân hủy mỡ.

- Để khắc phục sẹo mổ, bác sĩ có thể sử dụng laser "Xung nhuộm màu tia" (PDL). Khi chiếu vào sẹo, tia PDL sẽ gây tổn thương các vi mạch máu nuôi sẹo, gây thiếu máu cục bộ vùng sẹo, làm ngưng phát triển và giảm dần kích thước cũng như độ dày của sẹo. Lưu ý là điều trị sẹo bằng laser phải được thực hiện ngay khi vết thương vừa lành, mà không nên chờ đến khi ổn định hẳn như quan niệm trước đây (vì sẹo đã cứng, khó điều trị). Ngoài ra, để giúp quá trình làm lành sẹo được nhanh và đẹp hơn, nên kết hợp thêm với công nghệ tế bào gốc tự thân PRP…

- Trường hợp da mặt bị thâm, nám, khô sau khi sinh, cần có chế độ định kỳ dưỡng da bằng việc dùng công nghệ "Điện chuyển Ion" đưa vào da đồng thời vitamin C, vitamin E cùng placenta (tinh chất nhau thai) kết hợp chất gamma PGA để tăng ẩm và se khít lỗ chân lông, làm cho da mềm mại hơn.

Du Miên

Nguồn Thanh Niên: http://tuansan.thanhnien.com.vn/pages/20120219/dep-truoc-va-sau-sinh.aspx