Dẹp quy hoạch treo, thúc đầu tư phát triển

Các đại biểu cho rằng, Luật Quy hoạch cần bảo đảm nguyên tắc quy hoạch cấp trên phải có trước quy hoạch cấp dưới, đặc biệt các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch gốc phải được làm trước, có như vậy mới nâng cao trách nhiệm của Chính phủ với tư cách là cơ quan quản trị quốc gia đối với tương lai phát triển của đất nước.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, sáng 21/11, các đại biểu thảo luận về dự án Luật quy hoạch.

Thảo luận tại hội trường về Luật Quy hoạch - sáng 21/11 (nguồn: VTV)

Hầu hết các đại biểu khẳng định sự cần thiết ban hành Luật quy hoạch nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch thời gian qua, bảo đảm tính pháp lý cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bám sát nhu cầu phát triển, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của đất nước và là công cụ quan trọng trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Tại buổi thảo luận, một số ý kiến nhấn mạnh nguyên tắc xây dựng dự án Luật này cần đáp ứng yêu cầu: tạo sự thống nhất của hệ thống quy hoạch từ Trung ương đến địa phương, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động quy hoạch đang thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ các nguyên tắc để bảo đảm tính dự báo kịp thời, khách quan, ổn định, khả thi của hoạt động quy hoạch, tránh tình trạng quy hoạch thường xuyên thay đổi phá vỡ quy hoạch như thời gian qua.

Đồng thời, cần bổ sung nguyên tắc quy hoạch phải bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, phát huy lợi thế, tiềm năng của từng vùng, từng địa phương…

Theo ông Tuân, cần lập quy hoạch tổng thể quốc gia để bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, tránh tình trạng quản lý chia cắt cục bộ, thiếu liên kết vùng và liên kết các địa phương và sản phẩm ngành; tạo không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng, ngành và quy hoạch cấp tỉnh; bảo đảm tính dự báo kịp thời, khách quan, ổn định, tính khả thi và thực tế của hoạt động quy hoạch.

Cùng chung quan điểm trên, đại biểu Phạm Trọng Nhân tán thành với quan điểm, việc quy hoạch cần lập theo thứ bậc từ trên xuống dưới, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn trên cả nước; quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên.

Bởi một trong những nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia là xác định danh mục dự án quan trọng quốc gia, vì vậy, danh mục dự án quan trọng quốc gia quy định tại các quy hoạch ngành cũng phải được xác định phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia do Quốc hội quyết định.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM) cho rằng, có 2 vấn đề rất lớn trong Luật Quy hoạch mà ông quan tâm.

Đại biểu Trần Anh Tuấn trao đổi về Luật Quy hoạch (Ảnh: Hà Giang - Song Đào)

Đó là đối với tiến độ thực hiện dự án liên quan đến quy hoạch, ông cho rằng, thời gian qua khi lập quy hoạch đều có tính toán tới nguồn lực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thì chúng ta mắc phải việc bố trí nguồn lực không đầy đủ, không hợp lý. Do đó, đa số các nội dung quy hoạch, các dự án để triển khai quy hoạch đều chậm tiến độ, ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, đến đời sống của người dân.

“Khi chúng ta quy định và thực hiện quy hoạch thì phải xác định được nguồn lực hợp lý và đưa ra quy hoạch thì phải thực hiện ngay, không để quy hoạch kéo dài ảnh hưởng tới đời sống. Vì thế, kỳ này, luật hóa các quy định của Chính phủ thì phải kiên quyết quy định rõ ràng trong việc bố trí nguồn lực”, ông nói.

Đại biểu này cũng nhấn mạnh, thời gian qua, quy hoạch chồng chéo, mâu thuẫn nhau rất nhiều. Chẳng hạn như quy hoạch ở cấp địa phương thì quy hoạch ngành lại có trước và quy hoạch tổng thể có sau.

“Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội phải đi có trước, sau đó rồi mới đến quy hoạch ngành. Như vậy mới hợp lý và logic, không có sự xung đột về nội dung và ý tưởng trong thực hiện quy hoạch”, đại biểu Anh Tuấn nói.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này ở lần thảo luận trước đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cũng cho biết, đơn kiến nghị của cử tri nằm phần lớn ở chồng lấn quy hoạch, quy hoạch treo kéo dài gây bức xúc. Thời gian qua quá lạm dụng quy hoạch nên ở các địa phương số lượng tăng rất nhanh. Vì vậy, cần phải có tiếng nói để các địa phương xóa các quy hoạch treo, quy hoạch không phù hợp để tạo điều kiện cho dân đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển./.

Hà Giang – Song Đào

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/dep-quy-hoach-treo-thuc-dau-tu-phat-trien-219794.html