Dẹp nạn quà cáp, biếu xén quan chức dịp tết

Tại phiên họp thường kỳ tháng 11.2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: Trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, cả hệ thống hành chính không chúc tết lãnh đạo, không biếu xén, phong bao, phong bì… Chính phủ cần làm gương, từng thành viên Chính phủ phải thực hiện nghiêm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục TNTNNĐ của QH Phạm Tất Thắng: “Không được gắn việc thăm hỏi truyền thống với biếu xén, quà cáp, phong bao, phong bì...”

Từ chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ, Lao Động đã trao đổi với ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội và ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy TP.Hội An (Quảng Nam) xung quanh vấn đề đang được nhân dân cả nước quan tâm.

Nên có khung xử lý và thông báo công khai

hưa ông, cần thực hiện chỉ đạo này của Thủ tướng như thế nào để thực sự hiệu quả?

- Ông Phạm Tất Thắng: Thực tế để làm được việc này sẽ là khó khăn. Bởi vì đây không chỉ dừng lại ở việc làm mang tính hành động có nghĩa về mặt biếu xén mà còn là việc làm mang tính truyền thống, tức là người Việt Nam chúng ta thường có thói quen vào những ngày lễ, ngày tết thì có thăm hỏi, động viên nhau giữa mối quan hệ của những người thân quen, đấy là truyền thống. Để làm được việc này trước hết cùng với quyết tâm của Thủ tướng phải có giải pháp đồng bộ và phải biến quyết tâm đấy thành quyết tâm của các thành viên Chính phủ theo đúng như chỉ đạo của Thủ tướng và cả hệ thống hành chính của chúng ta.

Thứ nhất, cấp dưới từ các địa phương cũng phải nhận thức đúng và thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng và cũng nên thay đổi tư duy của chúng ta theo quyết tâm của Thủ tướng là không biếu xén quà cáp vào dịp Tết, cấp dưới không nên chúc cấp trên vào dịp tết. Còn chỉ dừng lại ở việc thăm hỏi theo đúng nghĩa thăm hỏi truyền thống, chứ không gắn với biếu xén, quà cáp phong bao, phong bì.

Thứ hai, tôi cho rằng bất cứ việc nào muốn có kết quả thì phải có chế tài, Chính phủ cũng nên có quy định cụ thể chế tài cho hợp lý. Ví dụ, như nên biếu xén nếu có hiện vật khi phát hiện ra thì sẽ có hình thức xử lý như thế nào. Tùy theo mức độ có hình thức xử lý khách nhau như: Từ phê bình đến khiển trách, cảnh cáo…hay công bố trên phương tiện thông tin đại chúng. Thứ ba, nên lập đường dây nóng để cán bộ, đảng viên và nhân dân theo dõi. Giám sát. Nếu đã có quyết tâm về mặt chính trị như Thủ tướng đã công bố và quyết tâm đấy phải được truyền tải đến toàn bộ hệ thống và có chế tài thông báo sớm, công khai và có sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

- Ông Nguyễn Sự: Chỉ đạo về việc cấm nhận quà cáp ở bất cứ thời điểm nào trong năm, đặc biệt dịp lễ tết đã nói từ lâu và đã thể hiện bằng văn bản chỉ đạo của không chỉ Chính phủ, Nhà nước mà còn trong nội bộ Đảng. Tuy nhiên, phát biểu trực tiếp trước hội nghị, trong một phiên họp Chính phủ như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là mới, thể hiện sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ. Nhưng cách tổ chức thực hiện như thế nào mới là quan trọng. Nếu không có cơ chế thực hiện và bộ máy giám sát thì chỉ đạo ấy sẽ bất khả thi, không hiệu quả. Thậm chí lại phản tác dụng, làm mất lòng tin trong nhân dân.

Nguyên Bí thư Thành ủy TP.Hội An (Quảng Nam) Nguyễn Sự:

“Chỉ đạo của Thủ tướng cần có cơ chế thực hiện và bộ máy giám sát, chế tài, xử lý rõ ràng”

Về giải pháp đã từng có năm chúng ta lập đường dây nóng để cán bộ, đảng viên và nhân dân theo dõi, giám sát việc tặng, nhận quà biếu không đúng quy định. Việc này năm qua Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện nhưng không phát hiện được trường hợp cá nhân, tổ chức nào vi phạm?

- Ông Phạm Tất Thắng: Tôi cho rằng giải pháp quan trọng nhất là đưa ra chế tài. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền một cách sâu rộng về quyết tâm của Thủ tướng cộng với chế tài xử lý nghiêm khắc ngay từ đầu rõ ràng và sớm sẽ có tác dụng tích cực hơn. Nếu chúng ta cứ nêu như một quyết tâm mà không có giải pháp thực hiện một cách cụ thể thì sẽ rất khó. Về việc xử lý theo tôi tùy theo mức độ vi phạm. Ví dụ như: Phát hiện ra việc biếu xén mà giá trị hiện vật tương ứng như thế nào đó. Ví dụ ở nước Mỹ người ta có quy định quà biếu trên 100USD thì phải khai báo. Nên mình có thể quy định là quà biếu có giá trị từ bao nhiêu tiền trở lên thì có hình thức xử lý. Tùy theo mức độ tăng lên mà có mức độ xử lý nặng hơn. Nên có khung xử lý và thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, đấy cũng là hình thức răn đe.

Cán bộ phải ý thức và tự giác

- Ông Nguyễn Sự: Thực tế đã minh chứng, mới đây, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết liệt chỉ đạo cán bộ công chức không được uống bia rượu trong buổi trưa. Nhưng sau ý kiến chỉ đạo đấy thì nhiều cán bộ vẫn uống bia như thường. Xe biển số xanh vẫn ngang nhiên đậu trước quán bia buổi trưa, thậm chí cán bộ nhậu luôn trong giờ hành chính nhưng có ai bị xử lý đâu. Người dân cũng chẳng quan tâm, chẳng tố giác. Vì nếu có, thì tố giác với ai? Ai xử lý? Không khéo họ lại đòi bằng chứng, bị gá cho tội vu khống, bôi nhọ cán bộ. Một chỉ đạo quan trọng như vậy, nhưng đến nay đã có tổng kết, đánh giá nào đâu. Vì vậy, câu chuyện cấm nhận quà cáp dịp tết, nếu không có cơ chế thực hiện thì cũng sẽ là “hô khẩu hiệu”. Quà biếu dịp lễ tết vốn là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, nhưng đã bị lợi dụng, biến thái thành hình thức đưa - nhận hối lộ. Mà muốn chống tham nhũng, hối lộ phải bằng cơ chế, ràng buộc bằng pháp luật và phải thực hiện đồng bộ bằng cả hệ thống chính trị. Một khi cơ chế chính sách chưa rõ ràng, chưa công khai minh bạch, chưa kiểm soát được quyền lực thì khó có hiệu quả chống tham nhũng. Theo tôi phải nhận diện rõ đối tượng tham nhũng là ai? Chỉ là những người có chức có quyền mới tham nhũng và được đưa hối lộ. Hầu hết đối tượng này không nghèo. Vì vậy, phải có cơ chế làm sao cho họ không dám nhận hối lộ, không có điều kiện để tham nhũng. Kẻ nhận hối lộ, tham nhũng không chỉ bị ngồi tù mà phải tịch thu tài sản, phải bị xử nghiêm thì mới mong chống được tham nhũng. Lúc đó mới nói chuyện không quà cáp biến thái dịp tết. Chống tham nhũng, tiêu cực, nhận hối lộ trá hình dưới hình thức quà cáp lễ tết không thể chỉ kêu gọi sự tự giác, sự ý thức đạo đức như tôn giáo, mà phải bằng cơ chế thực hiện, giám sát, chế tài xử lý rõ ràng.

Vậy, việc này phải thực hiện thường xuyên thưa ông?

- Ông Phạm Tất Thắng: Chúng ta phải làm cương quyết và thường xuyên. Nếu như năm nay ta đã làm tốt thì năm sau ta vẫn phải làm hiệu quả và cương quyết hơn và phải duy trì. Vì đây không phải là việc làm hình thức và phong trào mà rõ ràng đây là thay đổi một thói quen và thói quen ấy mang tính văn hóa tốt của chúng ta nhưng hiện nay đã bị biến tướng. Muốn thay đổi một thói quen và ngăn chặn hành vi làm dụng thói quen ấy ấy là việc làm không dễ. Chính vì thế mà phải có quyết tâm và biện pháp cụ thể được thực hiện thường xuyên, liên tục mới chấm dứt được tình trạng ấy.

- Ông Nguyễn Sự: Thực tế đã có nhiều cán bộ lãnh đạo thẳng thừng từ chối quà biếu có giá trị tiền tỉ. Nhưng không phải ai cũng công khai, và nhiều người không dám nói ra việc làm đúng đắn mà lẽ ra cần phải ủng hộ, tôn vinh. Dẫu vậy, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ hạn chế dược vấn nạn đưa - nhận hối lộ trá hình dưới hình thức quà cáp dịp cuối năm.

- Xin cảm ơn các ông!

Mời bạn đọc tham gia hiến kế

LTS: Cần phải làm gì để dẹp “tận gốc” nạn quà cáp, biếu xén quan chức dịp Tết? Báo Lao Động trân trọng mời bạn đọc tham gia diễn đàn, cùng hết kế, đóng góp về vấn đề này.

Ý kiến, bài vở xin gửi về toasoan@laodong.com.vn và bandoclaodong@gmail.com

Bài đăng sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

XUÂN HẢI - THANH HẢI (thực hiện)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/dep-nan-qua-cap-bieu-xen-quan-chuc-dip-tet-616204.bld