Đẹp lắm, Sài Gòn ơi...(!)

Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và luôn đột phá, đó là đặc điểm dễ nhận thấy của thành phố mang tên Bác. Bên cạnh mục tiêu tiếp tục xứng đáng là “đầu tàu” kinh tế toàn diện của cả nước, thực hiện sứ mệnh tiên phong trong cạnh tranh với các đô thị lớn trong khu vực Đông Nam Á, Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh còn đang dồn sức, quyết tâm xây dựng thành địa phương có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Từ chuyện… hôn trên vỉa hè

Sáng. Ngày cuối tháng Tư. Sài Gòn tươi xanh và rực rỡ trong nắng. Tại góc đường Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Huệ, trong lúc chờ tín hiệu đèn để bước qua phố đi bộ được lát toàn đá granite đẹp nhất Sài Gòn, đôi bạn trẻ người Hàn Quốc tranh thủ… hôn nhau.

Vừa từ bến Bạch Đằng qua con phố đi bộ, một đôi vợ chồng người Hà Lan nhờ tôi bấm giúp họ tấm ảnh lưu niệm, dưới chân tượng đài Bác Hồ trước trụ sở UBND thành phố. Nhận lại máy ảnh, người đàn ông hỏi tôi cái tên “Charner”. Nghe tôi gật đầu xác nhận: “Đúng, đó chính là tên ban đầu của đại lộ này từ 130 năm trước. Nhưng dân sở tại từng quen gọi là đường Kinh Lấp”, họ cảm ơn tôi bằng tiếng Việt lơ lớ rồi bước đi, tay trong tay, hôn nhau, tìm chỗ hóng nắng, đọc sách.

“Chiến dịch” lập lại trật tự vỉa hè là nội dung nhỏ, bề nổi nằm trong chương trình đột phá “chỉnh trang và phát triển đô thị” được TP Hồ Chí Minh đặt ra tới 2020. Năm 2016, thành phố thu ngân sách trên 300 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên do được giữ lại ít, trong khi phải ưu tiên cho rất nhiều việc khác nên riêng đối với nội dung đột phá này, thành phố phải cân nhắc chọn lĩnh vực then chốt nhất để thực hiện.

Theo một chuyên gia, xét theo tiêu chí ảnh hưởng trực tiếp, nhiều nhất đến người dân và văn minh đô thị thì lĩnh vực ưu tiên cần chỉnh trang cấp bách của thành phố hiện nay gồm: xây lại 474 chung cư có nguy cơ sụp đổ, xây lại hạ tầng kỹ thuật giao thông, hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý các loại rác thải; cạnh đó là chỉnh trang công viên, cây xanh, mỹ quan đô thị, chiếu sáng…

Lập lại trật tự vỉa hè có liên quan đến giao thông và mỹ quan đô thị. Điều khó nhất mà mục tiêu của “chiến dịch” này vấp phải là thói quen buôn bán trên vỉa hè đã hình thành từ hàng trăm năm nay và trở thành sắc thái văn hóa. Quan trọng hơn, phần lớn bám theo vỉa hè lại là dân nghèo. Không khéo, sau “chiến dịch”, đường thông, hè thoáng nhưng người nghèo, người thất nghiệp sẽ tăng, hàng loạt hệ lụy phát sinh sau.

Chưa hết, Sài Gòn có hơn 10 triệu dân nhưng có hơn 6 triệu xe máy, tỷ lệ người đi xe buýt thấp, người đi bộ lại càng thấp. Để “chữa cháy” cho nạn tắc đường, nhiều vỉa hè mặc nhiên thành đường của xe máy. Thành phố không còn đất để nới đường rộng thêm, đô thị hiện đại yêu cầu phải trên 20% đất dành cho giao thông, trong khi tỷ lệ đó hiện của Sài Gòn chưa tới 10% nên giờ chỉ còn cách xây thêm nhiều cầu vượt, cầu cạn, hầm chui, bãi đậu xe ngầm và cao tầng. Tăng diện tích dành cho giao thông xong, lại phải lo nâng cấp công nghệ điều phối, kiểm soát, tổ chức giao thông và phương tiện giao thông.

Đau đầu, xoắn não nhưng chính quyền thành phố vẫn rất quyết tâm sớm tìm lời giải cho bài toán khó này.

TP Hồ Chí Minh trên đà phát triển. Ảnh: CTV.

Quật khởi vì sứ mệnh mới

Để thực hiện sứ mệnh “liền chị, liền em” với các đô thị lớn trong khu vực Đông Nam Á, bên cạnh việc chỉnh trang và phát triển đô thị, chính quyền thành phố còn đang dồn sức thực hiện rất quyết liệt 6 chương trình đột phá khác, gồm: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế; cải cách hành chính; giảm ùn tắc - giảm TNGT; giảm ngập nước - ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và giảm ô nhiễm môi trường.

Chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch cho biết “sứ mệnh” cạnh tranh với Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta, Manila,… thực ra được Bộ Chính trị đặt lên vai TP Hồ Chí Minh từ cách nay 5 năm. Để mở không gian đô thị, “tiến” về phía Đông, thành phố đột phá bằng việc cho dời 3 cảng: Tân Cảng, Ba Son và Sài Gòn ra ngoài. Trung ương cũng tháo gỡ thể chế cho thành phố. Và mục tiêu là “trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ và thị trường tài chính của khu vực Đông Nam Á” đối với thành phố này đã được nhắc lại trong một nghị quyết khác cũng ra đời cùng 2012.

Để vươn lên tầm cao mới, hội nhập mạnh mẽ hơn và phát triển năng lực, tiềm năng của mình, các chuyên gia kinh tế cho rằng thành phố phải làm được 2 nhiệm vụ, đó là tập trung nâng chất lượng tăng trưởng kinh tế và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị. Thành phố đặt ra 4 nhóm ngành công nghiệp, 9 nhóm ngành dịch vụ, phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao và nông nghiệp sinh thái.

Thành phố cũng xác định công nghệ thông tin là ngành mũi nhọn; đã chủ động xác lập nhiều mô hình tốt (như Khu Công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung) với mong muốn tạo nên một sự chuyển động, lan tỏa. Theo các chuyên gia, để cán “đích”, rất cần sự quyết liệt, đặc biệt là sự nhất quán giữa chủ trương với thực hiện.

Sài Gòn đâu phải chỉ của Sài Gòn, mà đó là chuyện của quốc gia và rộng ra là cho khu vực - điều đó giống như chân lý. Có một “vỉa hẻ” khác mà thành phố cần lưu ý nhằm tiếp tục tạo sự thông thoáng, đó chính là môi trường kinh tế và đầu tư, tài chính. Chuyển biến mạnh mẽ hay không, hấp dẫn đối với nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài hay không chính là “vỉa hè” này. Sài Gòn “xinh” nhưng không thể “đứng chỗ nào cũng xinh”.

Du khách thật sự thích thú trước sự thông thoáng của vỉa hè trên các tuyến phố trung tâm TP Hồ Chí Minh.

Chỉ phát triển bền vững khi Sài Gòn gắn kết và thể hiện vai trò rường cột của mình trên quan hệ phát triển tất yếu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mà dễ nhìn thấy là trục TP Hồ Chí Minh - Long An - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu. Và một khi xem sự phát triển của cả trục kinh tế (cấp vùng) này như một tổng thể và để hiện thực hóa điều đó, rất cần một tầm nhìn mới mẽ, chiến lược, mạnh dạn loại bỏ tư duy, cách làm cũ tồn tại lâu nay: vướng đến đâu xin gỡ đến đó (!).

Thành phố mang tên Người luôn rạo rực phát triển, đổi thay từng ngày, từng giờ. Đi giữa đường phố yên bình rợp bóng cờ hoa giữa những ngày tháng Tư lịch sử, ai cũng kỳ vọng về một thành phố ngời sáng khi thấy sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và luôn đột phá ấy hôm nay như được tiếp thêm tinh thần quật khởi – di sản vô giá mà các thế hệ cha anh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử hơn 40 năm trước để lại…

Bình Thái

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/t29-dep-lam-sai-gon-oi-438443/