Đèo Nai - nơi in dấu chân Bác

Kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống công nhân Vùng mỏ-truyền thống ngành Than (12/11), mỏ than Đèo Nai vinh dự được đón Bằng chứng nhận Di tích cấp Quốc gia “Địa điểm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai”.

Quang cảnh khu Di tích lịch sử địa điểm Bác Hồ đến thăm mỏ Đèo Nai ngày 30/3/1959.

Mỏ than Đèo Nai là đơn vị duy nhất trong ngành Than vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, vào ngày 30/3/1959. Gần 60 năm qua, dấu chân Bác vẫn in đậm trên tầng than vùng Đông Bắc Quảng Ninh. Lời Bác dậy ấm mãi lòng tin lớp lớp thợ mỏ, về “kỷ luật, đồng tâm” - truyền thống quý báu riêng có của công nhân mỏ trong sản xuất và đời sống. Mỏ Đèo Nai luôn là điểm sáng “đưa ngành than trở thành ngành kinh tế gương mẫu”, xứng đáng vị thế nơi Bác đến.

Dấu ấn nơi Bác Hồ nói chuyện với thợ mỏ Đèo Nai.

Lời Bác trên tầng than Đèo Nai

Hôm về thăm ấy, nói chuyện với thợ mỏ, Bác khen công nhân mỏ đã cố gắng trong sản xuất, bảo vệ tốt máy móc. Nhưng Bác cũng thẳng thắn phê bình những khuyết điểm là: Chất lượng than còn kém, than cục chưa đảm bảo tỷ lệ quy định; bảo hộ lao động cũng kém; còn một số cán bộ quan liêu, mệnh lệnh.

Bác bảo: “Trước đây 4-5 năm, khu mỏ này của thực dân Pháp, công nhân còn là nô lệ, bị bóc lột và đàn áp khổ cực. Ngày nay, khu mỏ là của nhân dân nói chung và của công nhân nói riêng. Công nhân là giai cấp lãnh đạo, là chủ khu mỏ thì phải làm sao cho xứng đáng; để xe máy hỏng, lười biếng, lãng phí đều không xứng đáng vai trò làm chủ. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa”.

Chiều ngày 30/3/1959, Bác Hồ đã về thăm công trường khai thác than mỏ Đèo Nai. (Ảnh: TL)

Bác đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác thi đua: “Phải cố gắng thi đua, thi đua liên tục, mọi ngành, mọi người thi đua. Muốn thi đua tốt phải giúp đỡ nhau, người giỏi giúp người kém để cùng tiến bộ”.

Đối với cán bộ, Bác dạy phải bớt “cạo giấy” để có nửa ngày lao động trực tiếp cùng công nhân, để bớt quan liêu và giải quyết ngay được những vướng mắc trong sản xuất.

Sau khi đi thăm tầng than, Bác vào thẳng nhà ăn trên công trường. Bác hỏi chị em cấp dưỡng rằng, nhà bếp cho anh em công nhân, bữa ăn mấy món? Rồi Bác dặn: Anh em công nhân mỏ làm việc vất vả, các cô phải nấu cơm dẻo, canh ngọt cho mọi người.

Hình ảnh Bác đến thăm công trường than Đèo Nai hôm ấy, nay vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người thợ mỏ lâu năm ở vùng Than; và khắc sâu kỷ niệm trong lớp lớp thợ mỏ Đèo Nai.

Đèo Nai làm theo lời Bác

Vinh dự là mỏ than duy nhất được đón Bác Hồ về thăm, chặng đường hơn nửa thế kỷ qua, lớp lớp cán bộ công nhân mỏ than Đèo Nai luôn khắc sâu ghi nhớ và thực hiện tốt lời Bác dạy. Cán bộ và công nhân nơi đây luôn đẩy mạnh phong trào thi đua để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các kế hoạch sản xuất than, năng cao đời sống thợ mỏ.

Bức phù điêu “Bác Hồ về thăm mỏ than Đèo Nai” đặt tại khu Văn phòng Cty than Đèo Nai.

Trong những năm kháng chiến, với khẩu hiệu “thợ mỏ làm than, như quân đội đánh giặc”, mỏ Đèo Nai đã đạt nhiều thành tích, được Bác Hồ giao cho vinh dự giữ lá cờ thi đua luân lưu khá nhất của ngành Than. Thành tích kế tiếp thành tích, Đèo Nai còn 4 lần được nhận cờ thưởng của Bác Hồ về thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất. Ngày 24/5/1965, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi cán bộ, công nhân mỏ Đèo Nai. Nội dung thư Bác viết: “Bác vui lòng nhận được báo cáo của mỏ đã hoàn thành tốt kế hoạch quý I năm 1965. Bác mong các cô chú hoàn thành kế hoạch cao hơn nữa”.

Trong chặng đường phát triển mới, dưới ánh sáng đổi mới của Đảng, Đèo Nai đã đạt được nhiều kết quả xuất sắc. Năm 1998, Đèo Nai được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; Năm 2000 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ngày nay, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên của thợ mỏ Đèo Nai. Cán bộ và công nhân nơi đây đã xây dựng và thực hiện tốt chương trình đào tạo - đào tạo lại tay nghề để tinh thông công việc, quản lý vận hành tốt thiết bị máy mỏ; lao động sáng tạo, năng suất cao, thực hành tiết kiệm; tu dưỡng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nhân cách người thợ, văn hóa công xưởng…

Lòng mong Đèo Nai xuống sâu, vỉa than kheo sắc. (Ảnh: TL)

Trong giai đoạn khó khăn do suy thoái kinh tế hiện nay, thợ mỏ Đèo Nai tiếp tục thực hiện thật tốt những điều Bác dặn về tinh thần làm chủ, đoàn kết, thực hành tiết kiệm, thi đua, cải tiến quản lý, bảo hộ lao động, khắc phục bệnh quan liêu… để ổn định sản xuất và đời sống công nhân.

Kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống công nhân vùng mỏ-truyền thống ngành than (12/11/1936-12/11/2016), trên khắp các công trường, phân xưởng ở mỏ Đèo Nai đâu đâu cũng vui tươi, rộn ràng thi đua sản xuất, bảo vệ môi trường, an toàn lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần thợ mỏ; chung tay xây dựng khu lưu niệm địa điểm Bác Hồ về thăm, nói chuyện với thợ mỏ. Công Ty CP than Đèo Nai- Vinancomin đang tiếp tục ghi thêm những thành tích, góp phần xây dựng ngành than “trở thành một ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh giầu đẹp”.

Vũ Phong Cầm

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/deo-nai-noi-in-dau-chan-bac.html