Đến năm 2018, công nghệ số sẽ đóng góp 44% doanh thu của ngân hàng

Nhận định trên được đưa ra tại diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam 2016 do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG ASEAN) phối hợp tổ chức ngày 1-12 tại TP.HCM.

Giao dịch tại Ngân hàng Bắc Á. Ảnh: ST

Theo nhận định của các chuyên gia, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cùng với chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và tỷ lệ cao dân số trẻ đang mang đến tiềm năng rất lớn cho việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho biết, ứng dụng công nghệ số trong vận hành ngân hàng số đang là xu hướng mới, tạo ra kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ, môi trường cạnh tranh khác biệt so với hệ thống ngân hàng thương mại truyền thống. Khách hàng có thể sử dụng điện thoại để thực hiện một cách dễ dàng các giao dịch với thời gian tối ưu nhất.

Theo Tổ chức giám sát doanh nghiệp quốc tế BMI 2015, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng internet khá cao (9%/năm), xếp hạng 15 trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam có 52% dân số dùng internet, tỷ lệ khách hàng của các hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng số như mobile banking, internet banking chiếm khoảng 44%.

Dự kiến, đến năm 2018, kinh doanh dùng công nghệ số sẽ đóng góp 44% doanh thu của các ngân hàng và Dữ liệu lớn (Big data), phân tích kinh doanh (Business analytics) sẽ giúp tạo nên sự khác biệt, nâng cao hiệu quả.

Ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng VIB cũng chia sẻ: thách thức chủ yếu khi phát triển ngân hàng số là thay đổi văn hóa kinh doanh, kinh phí đầu tư và nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp và quốc gia.

Theo đó, các chuyên gia chỉ ra 3 yếu tố giúp chuyển đổi ngân hàng số thành công. Đó là tập trung vào khách hàng, đổi mới cởi mở và linh hoạt về tổ chức. Cụ thể, các ngân hàng Việt Nam cần thành lập tổ chức bộ máy và cách thức quản lý chiến lược ngân hàng số, từ đó phát triển nguồn nhân lực phù hợp (kỹ năng, nhận thức và văn hóa kinh doanh). Cùng với đó, cần quản lý truyền thông, thông tin trên mạng xã hội; nâng cấp nền tảng công nghệ thông tin, có kế hoạch quản lý rủi ro an ninh mạng, phân loại khách hàng để dễ quản lý.

Bên cạnh đó, các hệ thống ngân hàng nên xúc tiến hợp tác với các nhà bán lẻ để mở rộng năng lực phục vụ nhu cầu tìm kiếm và ứng dụng số hóa của khách hàng, đảm bảo chất lượng mạng lưới, tính tiện lợi và an toàn

Về phía Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, cần hoàn thành dứt điểm tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường. Đòng thơìđẩy mạnh thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng khuôn khổ pháp lý chấp nhận giao dịch số, điện tử, chữ ký xác nhận điện tử..v.v. phối hợp với ngân hàng quản lý các loại tài sản ảo, tiền ảo (bitcoin, one-coin..v.v). Đặc biệt, cần ban hành Thông tư quản lý rủi ro và có qui định riêng về quản lý rủi ro công nghệ.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/den-nam-2018-cong-nghe-so-se-dong-gop-44-doanh-thu-cua-ngan-hang.aspx