Đền Gắm ở Hải Phòng - Điểm du lịch tâm linh và sinh thái

Nằm ở vị trí đắc địa giữa không gian mênh mông của sông nước, trời mây: hướng mặt ra dòng sông Văn Úc, lưng tựa vào bờ đê, ruộng đồng, làng mạc thôn Cẩm Khê, Toàn Thắng, Tiên Lãng; đền Gắm được xây dựng từ thời vua Lý Cao Tông, nhằm tưởng nhớ công lao của vị danh tướng Ngô Lý Tín.

Nằm ở vị trí đắc địa giữa không gian mênh mông của sông nước, trời mây: hướng mặt ra dòng sông Văn Úc, lưng tựa vào bờ đê, ruộng đồng, làng mạc thôn Cẩm Khê, Toàn Thắng, Tiên Lãng; đền Gắm được xây dựng từ thời vua Lý Cao Tông, nhằm tưởng nhớ công lao của vị danh tướng Ngô Lý Tín.

Tháng 8/1992, đền Gắm được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Sau khi được trùng tu, tôn tạo, mấy năm gần đây đền Gắm đã trở thành điểm du lịch tâm linh và sinh thái của đông đảo người dân thành phố Cảng nói riêng và nhân dân các tỉnh lân cận nói chung.

Là một trong năm ngôi đình, đền thuộc “ngũ linh từ” của huyện Tiên Lãng, đền Gắm được xây dựng trên chính mảnh đất mà Tín Công đã cắm đất làm nhà, mở trường dạy học, dùi mài kinh sử, rèn luyện binh thư, võ nghệ và nổi danh khắp vùng. Tuy là nơi thờ vọng nhưng đền Gắm có phần mộ của Tín Công thuộc hậu cung của đền. Theo quan niệm của người dân địa phương, chính nét khu biệt này là cội nguồn của sự linh thiêng cho nên ngay từ xa xưa nhân dân nơi đây đã lưu truyền câu ca: “Thứ nhất đền Bì, thứ nhì đền Gắm”.

Trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là năm 1953, khi Pháp mở trận càn lớn đánh vào Tiên Lãng nhằm mở rộng và củng cố “vành đai an toàn” của khu cố thủ Hải Phòng, đền Gắm đã trở thành chiến lũy xung yếu của quân dân Tiên Lãng, góp phần làm thất bại âm mưu của địch, tạo đà cho chiến tranh du kích ở đồng bằng phát triển. Trong cuộc chiến đó, các hệ thống công trình kiến trúc của đền “bị san phẳng, riêng cung nhà Ngài còn nguyên, giặc đến không dám vào”…

Từ năm 1958, mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng lễ hội đền Gắm được nhân dân địa phương dần khôi phục, duy trì. Hơn chục năm trở lại đây, lễ hội đã được tổ chức thường xuyên hàng năm. Việc trùng tu các công trình kiến trúc đền từng bước được thực hiện. Năm 2010, đền được Nhà nước đầu tư hơn 20 tỉ đồng để trùng tu, tôn tạo lại. Đến nay 60% các hạng mục công trình kiến trúc đã hoàn thành và đi vào sử dụng, quy mô khu di tích được mở rộng gần 2 ha.

Tuy được xây dựng khang trang hơn trước nhưng đền Gắm vẫn giữ nguyên nét kiến trúc xưa với kết cấu gồm: hậu cung, hậu bái, tiền bái và 2 tòa nhà giải vũ. Sân đền được mở rộng gấp 4 lần, phía trước có hồ bán nguyệt với đôi rồng phun nước. Trong đền còn lưu giữ 4 viên gạch cổ thời Lý, lát trước cửa đền - tượng trưng cho vai trò to lớn của danh tướng Ngô Lý Tín đối với triều đình nhà Lý…

Lễ hội đền Gắm được tổ chức vào 3 ngày 18, 19, 20 tháng giêng hàng năm. Phần lễ bao giờ cũng trang nghiêm còn phần hội mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của vùng đồng bằng Bắc bộ với các trò chơi truyền thống: đấu vật, kéo co, chọi gà, đánh đu, tổ tôm điếm…, thu hút hàng trăm du khách ở mọi miền tổ quốc.

Với ý nghĩa tâm linh và vị trí đắc địa cùng cảnh sắc thiên nhiên mang đậm sắc thái của vùng quê đồng bằng Bắc bộ, đền Gắm cùng với chùa Thắng Phúc (một trong những nơi thờ tự lớn nhất của thành phố), kết hợp với 4 ngôi đình, đền thiêng của huyện Tiên Lãng đã trở thành tour du lịch tâm linh và sinh thái đồng quê độc đáo, đáp ứng nhu cầu trong hành trình lễ hội của đông đảo du khách gần xa./.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=2500&itemid=34646