Đèn đỏ rẽ phải bị phạt: Việt Nam lại ngược thế giới

Việc cho các phương tiện giao thông rẽ phải khi đèn đỏ giúp thời gian giải phóng nút nhanh hơn, giảm thời gian chu kỳ của đèn tín hiệu.

Việc nên hay không cho phép chạy xe rẽ phải khi gặp đèn đỏ đang trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi của người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, đèn đỏ được phép rẽ phải là giải pháp giảm ùn tắc giao thông tại những điểm có mật độ tham giao giao thông lớn.

Bên cạnh đó, một số ý kiến khác lại cho rằng luật giao thông đã ban hành thì phải tuân theo. Bởi lẽ việc rẽ phải khi đèn đỏ có thể gây nguy hiểm cho người đi bộ sang đường, gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông đang di chuyển theo hướng đi thẳng.

Quá lạc hậu

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, Ths Vũ Anh Tuấn (Chuyên gia giao thông, Giảng viên bộ môn Quy hoạch & Quản lý GTVT, trường Đại học GTVT) cho rằng, việc cho phép phương tiện rẽ phải khi đèn đỏ cần phải dựa trên cơ sở khoa học và tính toán phù hợp.

Mục đích của việc cho phép rẽ phải khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ là để tăng năng lực, công suất của nút giao thông đồng thời giải phóng bớt dòng xe chờ đợi tại và rút ngắn thời gian chờ đợi. Tuy nhiên mức độ an toàn trong điều khiển giao thông sẽ giảm đi.

Để báo hiệu dòng xe được rẽ phải khi đèn đỏ, người ta có thể bố trí biển báo mũi tên màu xanh, hoặc đèn tín hiệu, có thể kết hợp thêm ghi chú bằng chữ.

Các loại báo hiệu được rẽ phải

Các loại báo hiệu được rẽ phải

Trên thế giới việc quy định các trường hợp dòng xe được phép rẽ phải liên tục (cả khi đèn đỏ) căn cứ vào đặc điểm dòng giao thông tại nút và thiết kế hình học của nút. Ví dụ tại CHLB Đức và nhiều nước ở Châu Âu, Mỹ quy định nếu các nút giao (hoặc một nhánh bất kỳ vào nút) không nằm trong các trường hợp dưới đây thì được phép tổ chức giao thông rẽ phải liên tục:

Thứ nhất, dòng rẽ phải giao nhau với đường sắt hoặc phương tiện giao thông công cộng (GTCC) được cấp quyền sử dụng làn đường riêng ở biên, hoặc nhập vào phần đường sử dụng chung với phương tiện đường sắt, hoặc phương tiện GTCC có làn riêng.

Thứ hai, dòng rẽ phải giao nhau với dòng người đi bộ có lưu lượng lớn (>150 người/h) và/hoặc có làn xe đạp được bố trí ở lề bên phải khi đó rẽ phải liên tục của xe cơ giới sẽ gây xung đột nguy hiểm.

Thứ ba, khi đèn tín hiệu đặt tại vị trí trùng lối ra vào các công trình đặc biệt tập chung lượng người đi bộ lớn (trường học, bệnh viện, …)

Thứ tư, tại nhánh nào đó không thể bố trí làn đường riêng cho các xe rẽ phải (làn đường bắt buộc sử dụng chung cho cả rẽ trái và đi thẳng). Như vậy nhánh vào nút phải có tối thiểu 2 làn đường thì mới có thể xem xét tổ chức rẽ phải liên tục.

Thứ năm, tại nhánh nào đó mà các phương tiện rẽ phải không có đủ tầm nhìn quan sát an toàn người đi bộ qua đường, và/hoặc phương tiện hướng xung đột (đi thẳng, rẽ trái nhập làn)

Theo hướng dẫn kỹ thuật của các nước này, trong trường hợp có đủ không gian tại nút thì nên bố trí đảo tam giác phân chia làn xe rẽ phải, khi đó dòng xe rẽ phải liên tục cũng không ảnh hưởng nhiều đến an toàn giao thông.

Thiết kế đảo tam giác giúp xe rẽ phải liên tục an toàn (giảm 29% va chạm so với trường hợp không có đảo tam giác – theo nghiên cứu của John LaPlante, T.Y. Lin International, 2014 tại Mỹ)

Vị chuyên gia cho biết, ở Đức, Mỹ có tiêu chuẩn và hướng dẫn thiết kế rõ ràng về vấn đề này. Tuy nhiên ở Việt Nam chúng ta rất đáng tiếc là chưa có một bộ tiêu chuẩn hoàn chỉnh về đèn tín hiệu điều khiển giao thông. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã biên soạn bộ tiêu chuẩn ấy nhưng chưa được ban hành.

Thực tế hiện nay việc thiết kế chương trình điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu tại Việt Nam phần lớn được thực hiện chung với dự án xây dựng hoặc cải thiện cơ sở hạ tầng và do các các kỹ sư học về xây dựng công trình và các kỹ sư thông tin tín hiệu hoặc điện thực hiện. Chính vì thế đã thiếu đi những nghiên cứu tính toán về mặt kỹ thuật giao thông liên quan đến điều khiển dòng xe và các đối tượng tham gia giao thông do vậy chương trình đèn tín hiệu nhiều khi không phù hợp.

''Theo quan điểm của tôi thì cần tham khảo các tiêu chuẩn nước ngoài sau đó xem xét quy định các trường hợp được phép tổ chức giao thông rẽ phải liên tục, đồng thời cần kết hợp giữa tính toán chương trình đèn tín hiệu với việc thiết kế mới hoặc điều chỉnh hình học nút giao để đạt được phương án phù hợp nhất. Nếu làm được những điều nêu trên thì việc rẽ phải là tốt, không có vấn đề gì cả'', Ths Tuấn khẳng định.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/den-do-re-phai-bi-phat-viet-nam-lai-nguoc-the-gioi-3320367/