'Đêm núm sen', cuộc đi tìm tình yêu

Trưng bày bản thảo viết tay của tác giả Trần Dần và tranh minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long từ ngày 16- 23/5/2017 tại hiệu sách Nhã Nam ở phố Tô Hiệu, Hà Nội

Giữa tháng 5 này, tiểu thuyết Đêm núm sen của Trần Dần xuất bản, được dự đoán sẽ là một trong những bom tấn của văn học Việt Nam trong năm nay. Phán đoán có cơ sở bởi vì nó hội đủ các yếu tố : giá trị của cuốn sách, vị trí của tác giả trong văn chương, số phận long đong của tác phẩm- đã phải chờ gần nửa thế kỷ mới được ra mắt bạn đọc. Và còn bởi nó được xuất bản bởi Nhã Nam - một tên tuổi đã xác lập được thương hiệu trên thị trường sách cũng như vô cùng chuyên nghiệp trong các hoạt động truyền thông cho một ấn phẩm mới. Buổi lễ ra mắt sách vào thứ tư, 17/5/2017 có sự hiện diện của các diễn giả : Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, dịch giả Dương Tường, họa sĩ Tạ Huy Long, ông Trần Trọng Văn - Đại diện gia đình tác giả , BTV của cuốn sách Nguyễn Hoàng Diệu Thủy.

Bìa cuốn tiểu thuyết Đêm núm sen

Với Đêm núm sen, lần đầu tiên Trần Dần thử nghiệm thể loại tiểu thuyết, mở rộng biên độ của công việc "làm tiếng Việt" mà ông vẫn luôn tâm niệm. Tác phẩm cuốn người ta vào thế giới sống động của một loài kiến-người văn minh, trong đó chỉ gồm những kiến người trung thực, chăm chỉ lao động, yêu thương nhau và sống quần tụ trong một không gian làng và phố đẹp như cổ tích.

Đêm núm sen khiến người ta ngây ngất trước mối tình của anh kiến Gầy và cô Sứa, cô gái có nõn ngực búp sen. Đấy là một tình yêu ban đầu đơn sơ, trong vắt, phập phồng giữa một cuộc chiến tranh ác liệt. Những nỗi ngượng ngùng, nhớ nhung, đau khổ, niềm hạnh phúc, nỗi chếnh choáng ái ân, được cực tả bởi ngòi bút Trần Dần đầy rung động, gợi cảm và đẹp đến thắt lòng, nhắc nhở rằng hình như chúng ta đã quên mất yêu một cách giản dị và say đắm là như thế nào.

Tranh minh họa của Tạ Huy Long

« Đêm núm sen chính là tình yêu, là cuộc đi tìm tình yêu. Và bởi vì tình yêu mà lũ kiến có thể hóa thân thành người hoặc ngược lại con người sẵn sàng mang kiếp của kiến. Nhưng thực ra kiếp người hay kiếp côn trùng, đâu có khác gì nhau. Những loại chủng này bao giờ cũng lủng củng yêu thương, ngay cả khi chiến tranh ập đến, ngay cả khi chúng bị cuốn vào đau thương và mất mát. Cái còn lại chỉ là tình yêu. Và quan niệm về tình yêu thì chẳng làm sao thay được. Đấy là khi anh kiến Gầy thổ lộ lời yêu với nàng kiến: "Sứa có tin là tôi yêu Sứa thế này, tức là tôi chỉ yêu độc có mình tôi thôi không?"- trích lời tựa cuốn sách của họa sĩ Trần Trọng Vũ, con trai Trần Dần.

Đọc Đêm núm sen cũng chính là thưởng thức ngôn từ của Trần Dần, một thứ tiếng Việt đẹp/ độc đáo/ mênh mang cảm xúc/mạnh mẽ cuốn hút. Và thực sự rất hiện đại. Đó không chỉ câu chuyện tình yêu mà là cả những âm vang của thời cuộc và đối thoại của Trần Dần với thời cuộc về lý tưởng xã hội, về chiến tranh, về con người. Ông viết xong tác phẩm năm 1961, nằm trong ngăn kéo suốt gần 50 năm, và mãi đến mùa hè năm nay, tròn 20 năm ngày ông qua đời, mới được xuất bản. Nhưng bất chấp thời gian, bất chấp những biến động xã hội, giá trị của cuốn tiểu thuyết mang lại vẫn rất to lớn, xứng đáng là một cột mốc trong đời văn của Trần Dần nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.

Mời bạn đọc một số đoạn trích dẫn từ tác phẩm :

“Ban tối, Cổng Bắc càng đẹp. Hàng ngàn hạt đèn tím lắc rắc trong lòng phố dài những tia nhỏ như mứt tím non, tím đặc, tím than, tím hoa cà… Cả một sự man mác thần tiên của tím đậm nhạt, màu chồng màu. Chúng tôi tìm tới nhà cụ kiến Mây. Chúng tôi nghe chuyện cổ tích. Gió lá lào xào ngoài phố, với các tia sao.”

“Trăng sáng một nghìn bạch lạp: hai cái bóng của chúng tôi ngả dài mặt đường… Tôi đi thoai thoải. Tôi xích cái bóng của tôi lại. Cô ta nhìn thấy. Cô né ra… Chúng tôi ngồi ở một ghế đá, dưới cây xà cừ. Vầng trăng bị mắc trong vòm lá đen. Cả một vầng trăng, nõn như thịt sò. Quanh tôi là mông-mênh-quảng-trường. Một thứ mông mênh bù dục. Chúng tôi thành một bộ phận của im lặng đêm trăng.”

“Ba giờ đêm, dưới phố, lại lào xào một cuộc hành binh dài dặc, về làng… Tôi tỉnh giấc. Sứa nằm thiêm thiếp bên vai tôi. Tôi nghe tiếng Sứa thở. Tôi vuốt nhẹ, dọc cái lưng trần. Vuốt nhẹ. Tôi nhớ cặp đùi. Khi nãy, nó giãy. Nó giãy cuống quýt. Tôi đưa tay vuốt. Sứa vẫn thiêm thiếp. Tôi vuốt. Căn buồng đỏ mênh mông. Tôi vuốt sự ngây thơ rơm rớm. Con nai nằm nghiêng đùi hơi co. Tôi vuốt… Dưới phố, những ki lô mét hành quân… Tôi vuốt. Sứa tỉnh dậy. Sứa thẹn. Sứa co người lại. Tôi vuốt. Con nai ngây thơ của tôi ơi! Tôi vuốt con nai bị thương của tôi. Rơm rớm… Rơm rớm…”

Trần Dần sinh ngày 23 tháng 8 năm1926 trong một gia đình khá giả tại phố Năng Tĩnh, thành phố Nam Định. Ông học trung học tại Hà Nội, đậu tú tài Pháp và bắt đầu làm thơ. Năm 1946, Trần Dần lập nhóm thi sĩ tượng trưng cùng Trần Mai Châu, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch, Vũ Hoàng Chương… Cũng trong năm này, tạp chí Dạ đài ra số 1, đăng bản tuyên ngôn của phái Tượng trưng do Trần Dần chấp bút. Năm 1954, Trần Dần viết Người người lớp lớp, cuốn tiểu thuyết duy nhất của văn học Việt Nam thời kỳ đó về Điện Biên Phủ. Sau đó Trần Dần viết Nhất định thắng (thơ, 1955); Đi! Đây Việt Bắc (trường ca, 1957); Cổng tỉnh (thơ, 1960); Đêm núm sen (tiểu thuyết, 1961); Jờ Joạcx (thơ, 1963); Mùa sạch (thơ, 1964); Những ngã tư và những cột đèn (tiểu thuyết, 1964)… Năm 1976, Trần Dần và Dương Tường thử nghiệm Thơ thị giác. Năm 1980, Trần Dần viết bộ tam 36 thở dài - Tư Mã dâng sao, năm 1987 viết Thơ mini…

Trần Dần mất ngày 17 tháng 1 năm 1997 tại Hà Nội. Năm 2007, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Võ Hồng Thu

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/dem-num-sen-cuoc-di-tim-tinh-yeu-n131612.html