Đêm nhạc jazz đáng giá ở thánh đường nghệ thuật Hà Nội

Sau 90 phút biểu diễn của tam tấu Tsuyoshi Yamamoto, nhiều audiophile Việt nửa đùa nửa thật với nhau rằng họ sẽ về nhà vứt hết những hệ thống âm thanh đắt tiền đi.

Tên tuổi của Tsuyoshi Yamamoto gắn bó với hai "thương hiệu" đặc trưng của jazz Nhật Bản, đó là câu lạc bộ Misty ở Tokyo và hãng đĩa Three Blind Mice huyền thoại.

Câu lạc bộ Misty có thể chưa được biết đến rộng rãi nhưng với một số audiophile (người chơi thiết bị âm thanh) ở Việt Nam, những đĩa nhạc (định dạng đĩa nhựa hoặc CD) của hãng "chuột mù" là phải có trong bộ sưu tập.

Nói vậy để thấy Tsuyoshi Yamamoto chắc chắn là cái tên xa lạ với khán giả đại chúng nhưng ông có một lượng fan đặc biệt, những người thực sự coi việc được nghe ông chơi nhạc trong khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội là một niềm mơ ước.

Trong một cuộc phỏng vấn cách đây 10 năm, Tsuyoshi Yamamoto chia sẻ rằng mình đã cộng tác với nhiều nghệ sĩ nhưng tất cả chỉ là những phép thử ngẫu hứng.

Ông chỉ thực sự sáng tạo và chơi thứ nhạc của chính mình với nhóm trio mà thôi. Và quả thực xem bộ ba nghệ sĩ biểu diễn, người ta hiểu tại sao lại như vậy.

Nhóm tam tấu Tsuyoshi Yamamoto trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội.

Nhóm tam tấu Tsuyoshi Yamamoto trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội.

Năm 1974, lần đầu tiên giới mộ điệu jazz ở Nhật Bản biết đến tiếng đàn piano của Tsuyoshi Yamamoto với album để đời Midnight sugar. Cũng từ đó, nhóm trio của ông với 2 thành viên còn lại là nghệ sĩ contrabass Hiroshi Kagawa và nghệ sĩ trống Toshio Osumi đã cùng chơi nhạc với nhau cho tới tận bây giờ.

Chỉ một điều đơn giản nhưng cũng đủ nói lên đẳng cấp của bộ ba nghệ sĩ: họ chơi nhạc theo cách... nhìn nhau. Không bản nhạc, không cả nhạc mục, chỉ cần Yamamoto dạo 3 nốt trên cây piano là hai "cộng sự" của ông biết sẽ chơi gì và chơi như thế nào.

Nhà báo người Mỹ William Minor từng viết trong cuốn Jazz journeys to Japan như sau: "Các nghệ sĩ Nhật Bản chịu ảnh hưởng rõ nét của jazz Mỹ với lối chơi phóng khoáng, sáng tạo. Nhưng nền tảng văn hóa độc đáo của đất nước này đã giúp các nghệ sĩ bản địa dần định hình được tinh thần âm nhạc riêng, thổi những nét Á đông ý nhị và sâu sắc vào jazz."

Ở tuổi ngoài 70, sĩ piano Tsuyoshi Yamamoto vẫn thể hiện một lối chơi cực kỳ sống động.

Vẫn là Misty, là The way we were hay Caravan nhưng lối chơi của nhóm trio Nhật Bản rất khác biệt. Từng nốt nhạc được thể hiện vô cùng đĩnh đạc, họ không dụng công quá nhiều về kỹ thuật mà chiếm lĩnh hoàn toàn tâm trí, khơi gợi sự thăng hoa ở người thưởng thức bằng lối triển khai tác phẩm đầy sinh động.

Dù là những người đã thuộc nằm lòng các đĩa nhạc của Yamamoto cũng không khỏi reo lên tán thưởng và bất ngờ khi nhận ra các nghệ sĩ đang chơi bản nhạc nào trên sân khấu.

Nếu Yamamoto là người dẫn dắt cuộc chơi thì tay trống Toshio Osumi tạo nên sự sinh động và lôi cuốn cho mỗi tiết mục biểu diễn. Để ý sẽ thấy với một tiết tấu trên bộ trống nhưng ông có thể liên tục thay đổi sắc thái thể hiện.

Nghệ sĩ contrabass Hiroshi Kagawa lại giống chiếc cột chống vững chắc của nhóm trio. Trên sân khấu, ông đứng ở vị trí chính giữa và thực sự khi nhắm mắt thưởng thức sẽ thấy tiếng bass của ông giống như cầu nối giữa cây piano của Yamamoto và bộ trống của Osumi.

Người đàn ông với vẻ ngoài như một vị giáo sư này lại là một nghệ sĩ trống vô cùng biến hóa.

Khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội tối 10/12 đã không chật kín. Nhưng những tràng pháo tay đã vang lên không ngớt và các nghệ sĩ cũng như chính người thưởng thức đều thỏa mãn.

Người yêu jazz thủ đô đã được thỏa một mơ ước tưởng chừng không tưởng. Không thể tìm ra bất cứ một hạt sạn nào với đêm nhạc tuyệt vời này. Còn với những người nghệ sĩ đã ở độ tuổi U70 đó, có lẽ họ cũng không màng tới số lượng mà sự đón nhận chân thành của những người sẵn sàng bỏ khoản tiền không hề nhỏ đến nghe họ chơi nhạc trong 90 phút là quá đủ.

Có lẽ đã lâu lắm mới lại có một đêm jazz đáng giá tại thánh đường âm nhạc của thủ đô. Với riêng người viết, cái mốc gần nhất của đêm nhạc đáng giá là màn trình diễn của nhóm trio Niels Lan Dorky trong đêm nhạc Vọng nguyệt năm 2011.

Sau 90 phút biểu diễn của tam tấu Tsuyoshi Yamamoto, nhiều audiophile Việt nửa đùa nửa thật với nhau rằng họ sẽ về nhà vứt hết những hệ thống âm thanh đắt tiền đi.

Với đêm nhạc của trio Tsuyoshi Yamamoto, dù là những "tín đồ" của âm thanh cũng phải thừa nhận rằng âm nhạc thực sự chính là được nghe những người nghệ sĩ đang trực tiếp biểu diễn trên sân khấu.

Hiếu Vân

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dem-nhac-jazz-dang-gia-o-thanh-duong-nghe-thuat-ha-noi-post704818.html