Đêm Maya ở Yucatan

Nhớ một lần về thăm Uxmal - thành phố cổ xưa thuộc nền văn hóa Maya.

Tháng Tư năm 1999, Đại sứ quán nước ta tại Mexico nhận được điện từ Văn phòng Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn ký, chỉ thị xin giống dứa sợi của Mexico để phát triển vùng nguyên liệu giấy và phủ các vùng đồi trọc chống lũ xói mòn ở nước ta.

Từ một nhiệm vụ kinh tế…

Bán đảo Yuctan đối diện với biển Caribe cùng đới khí hậu với nước ta, là nơi phát xuất các giống dứa sợi cao sản.

Hàng trăm năm trước, những người thực dân Anh, Pháp đã đưa tàu đến Yucatan lấy giống dứa sợi về trồng quanh vùng Hồ Victoria ở châu Phi, tạo nên quê hương lớn thứ hai của cây dứa sợi. Người Brazil từ Nam Mỹ hay các hàng xóm Cuba trên biển Caribe hoặc Trung Mỹ đều đến Yucatan lấy giống dứa sợi quý này. Sợi của chúng dùng sản xuất các loại giấy tuyệt mỏng dùng cuốn thuốc lá và in Kinh Thánh.

Kim tự tháp tiêu biểu cho kiến trúc Maya

Nước ta từng được bạn Cuba chuyển giao giống dứa sợi này. Nhưng dứa sợi Cuba hay vùng Hồ Victoria chỉ là F2. Dứa sợi Yucatan mới là F1. Hiểu được ý nghĩa của nhiệm vụ xin giống dứa sợi Yucatan, tôi lúc đó là Đại sứ Việt Nam tại Mexico đã xuất hành về Yucatan. Cùng đi, có anh Hồ Quang Minh, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán, và trợ lý của Thượng Nghị sĩ Anaya, Tổng bí thư Đảng Lao động Mexico. Một tháng sau, anh Hồ Quang Minh áp tải 2 tạ giống dứa sợi với 1.200 cây giống 4-5 tháng tuổi và 200 gốc dứa đủ tháng tuổi để các nhà nông học nước ta nhân giống theo quy trình công nghệ sinh học. Các cây giống dứa sợi F1 được chở thẳng từ sân bay Mexico City tới sân bay Paris, và Việt Nam Airline nhận trực tiếp từ máy bay nước bạn, không qua hệ thống soi rọi của sân bay.

… về với hồn xưa Maya

Điều tôi muốn kể liên quan dịp may hiếm có mà tôi được chạm vào di tích của một nền văn hóa cổ xưa vĩ đại của nhân loại - đền đài Maya.

Yucatan nổi tiếng bởi các di tích đền đài thuộc nền văn hóa Maya. “Lâu đài thủ lĩnh” và Kim tự tháp “Phù Thủy” tại khu di tích Uxmal được xem là tiêu biểu cho kiến trúc Maya.

Tại Uxmal, “Đêm Maya” được trình diễn trong hệ thống đèn chiếu và âm nhạc cổ xưa. Chúng tôi đến thì Đêm đã tàn. Ban quản lý khi được biết có khách từ Việt Nam ghé thăm đã vui lòng đưa chúng tôi thăm khu Kim tự tháp, đền đài và di tích của thành phố cổ dưới sao mờ. Chỉ có rừng cây trong gió biển là còn lên tiếng, thì thầm kể lại một thời hoàng kim của Uxmal, nơi con người sáng tạo và giao hòa với Thượng đế, Vũ trụ và thiên nhiên bất diệt.

Sau 11 thế kỷ bị lãng quên giữa núi rừng, Uxmal cũng như nền văn hóa Maya đã khôi phục lại phần nào diện mạo.

Khôi phục các di tích văn hóa Maya - hồn của du lịch hiện đại

Từ Yucatan, nền văn hóa Maya trải dài xuống phía nam qua một số nước Trung Mỹ, với các kim tự tháp nằm rải rác ẩn hiện giữa non xanh núi biếc, như những hạt kim cương mà Thượng đế vô tình để rơi vãi và lãng quên. Một lần, khi thăm một trung tâm thực nghiệm công nghệ sinh học nông nghiệp, ô tô trèo đèo lội suối đưa chúng tôi về một thăm khu kim tự tháp Maya khác tại bang Chiapas, cực nam Mexico, giáp Guatemala. Ở bên kia biên giới, giữa những rừng rậm, nhiều hạt kim cương Maya đang được phát hiện.

Xa hơn nữa về phía nam, phía bên kia Panama, là các di tích của Inca, vùng Andino - nền văn minh lớn thứ hai của châu Mỹ. Peru - nơi tôi trở thành Đại sứ đầu tiên của Việt Nam trình Quốc thư - là chiếc nôi của văn hóa Inca, cùng với các nền văn hóa Olmec, Maya, Monte Alban, Theotihuacan, tạo thành các nền văn minh vĩ đại, sánh ngang với các nền văn minh cổ Ai Cập, Lưỡng Hà, Trung Quốc…

Khác với các trung tâm văn minh phương Đông phần lớn hình thành bên các lưu vực của những con sông lớn, các nền văn hóa cổ của Mexico và Trung Mỹ nằm trên cao nguyên. Mexico có rất ít sông ngòi, ao hồ. Khi thăm các khu di tích, tôi thường tìm hiểu người cổ xưa lấy nước ở đâu để canh tác và cung cấp nước sinh hoạt cho một thành phố lớn như Thiotihuacan 20 vạn dân trên cao nguyên Mexico, tương đương với Trường An thời Nhà Đường hoặc Athen Hilạp. Thì ra, tại mỗi trung tâm đô thị có các hầm chứa nước lớn cho sinh hoạt được hình thành từ các thung lũng. Thời vụ trồng ngô, đậu diễn ra theo mùa mưa.

Các nhà nghiên cứu không ngừng lý giải nguyên nhân dẫn tới quá trình suy tàn của các trung tâm văn hóa đô thị Maya. Là người sinh ra trên sông nước ruộng đồng của văn hóa lúa nước, tôi nghĩ rằng “Nước” - chính là tác nhân chủ yếu. Có lẽ các đột biến khí hậu, hạn hán kéo dài do các hiện tượng “el nina” (Cô bé), “el nino” (Cậu bé), đã làm khô cạn các con sông và các hầm chứa nước, buộc các cư dân phải rời bỏ các đô thị lớn. Mưa trên các cao nguyên trôi tuột ra biển. Nền văn minh trồng ngô không có khái niệm “thủy lợi” như ở các vùng trồng lúa nước của phương Đông.

Các du khách hiện đại đến từ bốn biển năm châu không quá bận tâm lý giải về những sự hưng phế phiền muộn của quá khứ. Vì họ đang ngẩn ngơ chiêm ngưỡng các kim tự tháp, các lâu đài mà người xưa lưu lại. Di tích lịch sử và văn hóa chính là hồn của du lịch hiện đại./.

Nguyễn Ngọc Trường

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/19/kham-pha/142952/dem-maya-o-yucatan.aspx