Đề xuất tội xâm phạm vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam là tội hình sự

Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất Ban soạn thảo bổ sung thêm một số tội danh mới và hình sự hóa một số hành vi vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Theo đó, Bộ Quốc phòng đề nghị bổ sung 3 tội:

1. Tội cập mạn mua bán, trao đổi, sang mạn trái phép hàng hóa trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam giữa người, phương tiện Việt Nam và người, phương tiện nước ngoài;

2. Đề nghị bổ sung các tình tiết định khung đối với hành vi vi phạm của người nước ngoài về bảo vệ môi trường trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đối với các tội quy định tại Điều 235 Tội gây ô nhiễm môi trường, Điều 237 Tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sực cố môi trường, Điều 239 Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam.

Cảnh sát biển 4 kiểm tra tàu TAKUZAN 111 có hành vi buôn lậu dầu trên biển (ảnh: VOV)

3. Bổ sung tội xâm phạm vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam để khai thác, mua bán thủy sản.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị bổ sung 5 tội về tham nhũng gồm: Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn đưa hối lộ hoặc làm môi giới hối lộ; Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước; Tội nhũng nhiễu; Tội không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi và Tội bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật.

Bộ Y tế đề nghị bổ sung thêm "Tội môi giới mua bán bộ phận cơ thể người".

Về các đề xuất này, Bộ Tư pháp cho rằng, đây là các đề xuất mới nên cần có thêm thời gian nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài…nên trước mắt chưa đưa vào Dự thảo Luật lần này.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị hình sự hóa một số hành vi có liên quan đến Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân (Việt Nam gia nhập năm 2012) như: Chiếm giữ, sử dụng, chuyển giao bất hợp pháp hoặc làm phát tán vật liệu hạt nhân và gây ra hoặc có thể gây ra tử vong hay thương tích nghiêm trọng cho con người, phá hoại tài sản hay môi trường; Lấy cắp hoặc cướp đoạt vật liệu hạt nhân; Lừa đảo để chiếm được vật liệu hạt nhân…

Hành vi có tiên quan đến Công ước quốc tế về ngăn chặn hành động khủng bố hạt nhân (hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang làm tiến hành các thủ tục để đề xuất tham gia) như: Sở hữu vật liệu phóng xạ hoặc tạo ra hoặc sở hữu một thiết bị với mục đích gây tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng đến cơ thể; hoặc với mục đích gây thiệt hại đáng kể đến tài sản hoặc môi trường; Sử dụng vật liệu phóng xạ hoặc một thiết bị, hoặc sử dụng, gây thiệt hại một cơ sở hạt nhân theo bất kỳ cách nào để làm thoát hoặc tạo nguy cơ làm thoát chất phóng xạ với mục đích gây tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng đến cơ thể hoặc với mục đích gây thiệt hại đáng kể đến tài sản hoặc môi trường; với mục đích buộc một cá nhân hoặc một pháp nhân, một tổ chức quốc tế hoặc một quốc gia làm hoặc không làm một việc.

Bộ Tư pháp nhận thấy, đây là các đề xuất mới, nên cần có thêm thời gian để nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thực tiễn, nên đề nghị chưa tiếp thu trong lần sửa đổi, bổ sung này.

Hữu Tuấn

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/de-xuat-toi-xam-pham-vung-bien-dao-va-them-luc-dia-cua-viet-nam-la-toi-hinh-su-d53604.html