Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Cần quan tâm đến lao động trực tiếp

Bộ luật Lao động đang được các cơ quan quản lý nghiên cứu, sửa đổi, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào năm 2017. Trong đó, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đang được dư luận hết sức quan tâm, nhất là làm thế nào để phù hợp với điều kiện sức khỏe của công nhân, lao động (CNLĐ) trực tiếp.

Ảnh minh họa

Theo nghiên cứu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), quá trình già hóa dân số của Việt Nam đang diễn ra với tốc độ nhanh nên việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết để bảo đảm ổn định Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Trên bình diện chung, ở các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, tuổi nghỉ hưu đã được điều chỉnh tăng lên 65-67 tuổi, không còn nhiều nước áp dụng tuổi nghỉ hưu là 55 đối với nữ và 60 đối với nam. Vì vậy, ở lần thứ hai đề xuất tăng tuổi hưu (trong vòng 5 năm trở lại đây), có hai phương án được đưa ra: Nâng tuổi hưu cho nam - nữ bằng nhau ở tuổi 60 và tăng dần tuổi nghỉ hưu, đối với nam là 62, nữ là 60 tuổi.

Tuy nhiên, trước đề xuất này, CNLĐ trực tiếp ở những ngành nghề đặc thù lại băn khoăn, lo ngại. Chị Lê Thị Liên, 32 tuổi, ở quận Hoàng Mai cho biết, đầu năm 2016, chị vừa chấm dứt hợp đồng lao động tại Công ty TNHH Canon Việt Nam (KCN Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh). Theo chị, sau hơn 10 năm làm việc liên tục tại doanh nghiệp, những công nhân như chị đã chân chậm, tay run, khó có thể tăng ca liên tục như những lao động mới vào nghề. Vì vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến CNLĐ trực tiếp khó đáp ứng yêu cầu công việc. Anh Hồ Công Thiên, 24 tuổi, công nhân Công ty TNHH Doojung Việt Nam (KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) cũng băn khoăn khi có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Qua hai năm làm việc tại công ty, anh Thiên nhận thấy, lương của công nhân có thâm niên nhiều năm không nhiều hơn so với công nhân mới vào nghề, vì cùng làm việc như nhau trong cùng dây chuyền sản xuất. Không những thế, công nhân trẻ nhận tăng ca nhiều hơn, lương cao hơn. Để bảo đảm cuộc sống, công nhân làm việc 12-14 giờ/ngày, sức khỏe giảm sút rất nhanh. Nhiều người phải bỏ việc khi mới ngoài 30 tuổi. Chưa kể, có công ty thực hiện chính sách “vắt chanh bỏ vỏ”, chỉ ký hợp đồng với công nhân trẻ hoặc ép định mức cao để những công nhân không đủ sức khỏe đáp ứng công việc sẽ phải tự bỏ việc. Vì vậy, tăng tuổi nghỉ hưu, công nhân sẽ chịu thiệt thòi, khó có thể làm việc cho đến khi đủ tuổi để hưởng chế độ nghỉ hưu.

Dệt may, da giày, chế biến thủy sản là những ngành sử dụng nhiều lao động nữ. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, do đặc thù công việc, điều kiện môi trường làm việc và đặc thù giới, nữ công nhân trong các ngành này không đủ sức làm việc đến tuổi 55, rất nhiều người nghỉ hưu sớm. Nếu nâng tuổi nghỉ hưu cho nữ CNLĐ ở những ngành này, họ sẽ thiệt đơn, thiệt kép. Bên cạnh đó, nhóm ngành công nghiệp điện tử hiện tăng trưởng nhanh, sử dụng nhiều lao động làm việc lắp ráp giản đơn, điều kiện làm việc căng thẳng nên thời gian làm việc của người lao động chỉ kéo dài trong vòng 10-20 năm. Vì vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu với nhóm lao động trực tiếp này sẽ khó nhận được sự đồng thuận.

Trong điều kiện tốc độ già hóa dân số đang ở mức nhanh nhất thế giới, việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, nhưng làm thế nào để bảo đảm các yếu tố sức khỏe, thể chất, điều kiện môi trường làm việc của người lao động, nhất là lao động nữ là vấn đề rất quan trọng. Vì vậy, khi tăng tuổi nghỉ hưu rất cần nghiên cứu kỹ, quan tâm nhiều tới những lao động trực tiếp.

Linh Chi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/851061/de-xuat-tang-tuoi-nghi-huu-can-quan-tam-den-lao-dong-truc-tiep