Đề xuất phạt nếu không tự đi kiểm tra khí thải xe máy: Bất hợp lý và không khả thi

Trong đề án kiểm soát khí thải xe máy chuẩn bị trình Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất phạt hành chính người sử dụng xe không kiểm tra khí thải và hằng năm chủ xe phải tự mang xe tới các trạm đăng kiểm để kiểm tra khí thải với mức phí dự kiến 60.000 đồng/năm. Đề xuất này ngay lập tức tạo sóng trên dư luận và không ít chuyên gia cho rằng đề án trên bất hợp lý và không khả thi.

Kiểm tra khí thải xe máy triển khai thế nào, để làm gì?

Trong tờ trình dài 20 trang đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan trước khi trình Chính phủ, Bộ GTVT đã nêu ra hàng loạt vấn đề từ sự cần thiết phải triển khai tới nguyên nhân thất bại của đề án tương tự từng được trình năm 2010. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất từ ngày 1.7.2018 sẽ kiểm tra khí thải với môtô có dung tích xilanh từ 175 cm3 trở lên tham gia giao thông tại 5 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng) với số lượng khoảng 20.000 xe. Từ năm 2020, việc kiểm tra có thể sẽ áp dụng với môtô có dung tích nhỏ hơn 175 cm 3 và xe gắn máy tham gia giao thông sau khi có đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Việc lựa chọn xe dung tích 175cm 3 trở lên để thí điểm trước do số lượng xe loại này ít và có thể thực hiện ngay tại các trung tâm đăng kiểm ôtô đang lưu hành và không áp dụng với xe lưu thông trong 5 năm đầu sử dụng, không áp dụng với xe công an, quân đội, xe phục vụ người khuyết tật và thời hạn kiểm định khí thải là 1 năm/lần cùng mức phí dự kiến 60.000 đồng/xe/năm.

Xe sau khi được kiểm tra đạt chuẩn sẽ được cấp giấy chứng nhận và dán tem xác nhận, xe có kết quả kiểm tra không đạt chuẩn phải được bảo dưỡng, sửa chữa hoặc nâng cấp. Các xe không có giấy chứng nhận, tem kiểm tra khí thải còn thời hạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Dù đưa ra nhiều nội dung, đề án lại không đề cập tới vấn đề các xe kiểm tra khí thải không đạt chuẩn sẽ xử lý ra sao, có được phép lưu hành nữa hay không. Đề án cũng không đưa vấn đề sẽ sử dụng nguồn phí kiểm tra khí thải này ra sao mà chỉ đưa ra dự toán mức giá kiểm tra khí thải xe môtô. Trong khi đó, nếu áp dụng kiểm tra khí thải với hơn 40 triệu xe máy trên toàn quốc sau năm 2020, số tiền thu được lên tới hàng nghìn tỉ đồng và việc kiểm tra khí thải này chưa rõ sẽ mang lại lợi ích gì cho môi trường. Bộ GTVT chỉ đề cập tới việc phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh thành phố mà không nhắc tới Bộ TNMT dù đây là vấn đề được cho là liên quan trực tiếp tới môi trường.

“Nói dân tự đi kiểm tra khí thải là không khả thi”

Trao đổi với báo Lao Động, chuyên gia giao thông TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng chủ trương kiểm tra khí thải độ ô nhiễm của xe là bình thường nhưng với VN cần xem xét phương thức thực hiện thế nào cho khả thi cho hiệu quả. Theo chuyên gia này, lượng xe máy tại Việt Nam hết sức lớn và thành phần sử dụng phức tạp nên việc tổ chức kiểm tra khí thải sẽ rất khó khăn, khó đạt được mục tiêu.

Ông Thủy đặt câu hỏi tại sao không kiểm tra ôtô mà lại kiểm tra xe máy trong khi ôtô mới là phương tiện gây ô nhiễm chính.

Bình luận về phương thức kiểm tra là yêu cầu người dân tự đi kiểm tra nếu không sẽ bị phạt hành chính, chuyên gia này nhận định “kiểm tra như vậy là không thể thực hiện được vì người dân nào lại tự giác mang đến. Có nhiều lý do để không đến, tôi đến nhưng xếp hàng mãi không được tôi bận thế này thế kia, chuyện 40 triệu xe mà bảo người ta tự mang đến kiểm tra là điều không hợp lý và không khả thi”. Chuyên gia này cho rằng đề án còn nhiều điểm bất hợp lý và thiếu thực tiễn.

Tương tự, nhiều người dân khi được hỏi cũng cho rằng đề xuất này “trên trời” và thắc mắc về việc kiểm tra khí thải để làm gì, không đạt chuẩn sẽ thế nào và phí kiểm tra dùng để làm gì.

Còn chia sẻ với báo Lao Động, một quan chức giấu tên của Cục Đăng kiểm cho rằng đề án này mới chỉ mang tính khởi động vì tới năm 2018 mới áp dụng cho các xe trên 175cc với số lượng chỉ 20.000 xe. Còn việc tiến hành đại trà còn phải xem xét.

Trước đó, Bộ GTVT từng trình dự thảo tương tự nhưng không được triển khai do kiểm tra khí thải môtô, xe gắn máy là vấn đề xã hội lớn, phức tạp vì liên quan đến đa số người dân ở các thành phố lớn và có nhận thức rất khác nhau về vấn đề kiểm soát khí thải và cơ quan chức năng cũng còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận với chủ trương thu giá kiểm tra khí thải trực tiếp từ người sử dụng môtô, xe gắn máy. Đề án trước đây cũng được đánh giá là có phạm vi thực hiện của đề án quá rộng, bao gồm 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM; 17 thành phố loại 1; 24 thành phố loại 2 thuộc 20 tỉnh và lộ trình thời gian chưa hợp lý.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/de-xuat-phat-neu-khong-tu-di-kiem-tra-khi-thai-xe-may-bat-hop-ly-va-khong-kha-thi-591137.bld