Đề xuất nâng thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm

(BVPL) - Cụ thể, tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ LĐTB&XH đề xuất quy định: Bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc tiêu chuẩn của người lao động không quá 12 giờ trong 1 ngày và tổng số giờ làm thêm của người lao động trong 1 năm không vượt quá 400 giờ.

Đề xuất trên được đưa ra sau khi tiếp nhận ý kiến góp ý lần 1. Nhằm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người lao động và tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến góp ý lần thứ 2, thay vì 2 phương án, Bộ LĐTB&XH đã đề xuất một phương án mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm của người lao động và người sử dụng lao động theo hướng tăng số giờ làm thêm tối đa của người lao động trong 1 năm lên mức 400 giờ, đồng thời bỏ quy định giới hạn làm thêm giờ theo tháng và khống chế số giờ làm thêm theo ngày.

Có không ít người lao động mong muốn làm thêm giờ để nâng cao thu nhập.

Bộ LĐTB&XH cho biết, Bộ luật Lao động hiện hành quy định việc làm thêm giờ do các bên thỏa thuận nhưng số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 30 giờ/tháng và không quá 200 giờ trong 1 năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ.

Thực hiện quy định này kể từ năm 1995 đến nay, đã có rất nhiều ý kiến của doanh nghiệp đề nghị cần tăng thời giờ làm thêm tối đa. Hàng năm tại các diễn đàn doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp đều đề xuất tăng thời giờ làm thêm tối đa của người lao động lên 500 giờ/năm để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người lao động và tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.

Qua theo dõi, khảo sát ở các địa phương thì một bộ phận không nhỏ người lao động cũng mong muốn được nới rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ để tạo điều kiện cho họ làm thêm để nâng cao thu nhập. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đề xuất bỏ giới hạn làm thêm giờ theo tháng (hiện hành là không quá 30 giờ/tháng) vì việc quy định làm thêm giờ theo tháng sẽ cứng nhắc, không linh hoạt, chưa phù hợp với thực tế chu kỳ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp phụ thuộc vào đơn hàng xuất khẩu, phụ thuộc vào mùa vụ kinh doanh như: gia công hàng hóa xuất khẩu, chế biến thủy hải sản xuất khẩu).

Đồng thời, sau khi nghiên cứu, so sánh với các quốc gia khu vực thì số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp (Trung Quốc: 36 giờ/tháng, Indonesia: 56 giờ/tháng, Singapore: 72 giờ/tháng; Thái Lan: 36 giờ/tuần; Malaysia: 104 giờ/tháng; Lào: 45 giờ/tháng; Campuchia và Philippines: Không khống chế)…Các con số trên chứng tỏ số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp (không quá 200 giờ /năm).

Tại Điều 148 dự thảo lần 2 Bộ luật Lao động (sửa đổi) về quy định tuổi nghỉ hưu Bộ LĐTB&XH vẫn đưa ra 2 phương án, trong đó phương án 1 tiếp tục giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện hành (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi)

Tuy nhiên, khác với dự thảo lần 1, trong dự thảo lần 2 này Bộ LĐ-TBXH đề xuất chỉ áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu từ ngày 1-1-2021 và theo lộ trình. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Thời gian tăng tuổi hưu cũng nhanh hơn. Cụ thể, từ 1/1/2021, cứ mỗi năm tăng tuổi nghỉ hưu thêm 6 tháng (thay vì mỗi năm tăng 3 tháng như dự thảo lần 1), cho tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc, nghề nghiệp đặc thù có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi trên.

Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định trên (nam có thể làm việc tới 67 tuổi, nữ tới 65 tuổi mới nghỉ hưu).

Mai Hòa

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/kiem-sat/chinh-sach-moi/201705/de-xuat-nang-thoi-gian-lam-them-len-400-gionam-2554749/