Đề xuất hình thành 2 tập đoàn xây dựng ngành giao thông

(baodautu.vn) Việc tổ chức lại 6 tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco) thành 2 tập đoàn xây lắp liệu có tạo được sự chuyển biến về chất trong năng lực thi công các dự án hạ tầng lớn?

Hiếm có ý tưởng nào trong Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) lại được cụ thể hóa, triển khai nhanh và quyết liệt như việc hình thành 2 tập đoàn xây dựng công trình giao thông trên cơ sở tổ chức lại các tổng công ty xây lắp.

Chỉ đúng một ngày sau khi tập thể Ban cán sự Bộ GTVT chính thức ra nghị quyết, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký Văn bản số 6454/BGTVT-TTCB đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Đề án hình thành 2 tập đoàn Cienco trên cơ sở tổ chức lại các tổng công ty thuộc khối xây lắp.

Theo đó, Bộ sẽ xây dựng 1 tập đoàn hoạt động chủ yếu tại khu vực phía Bắc với nòng cốt là Cienco 1, Cienco 8 và Tổng công ty Xây dựng Thăng Long; 1 tập đoàn hoạt động chủ yếu tại khu vực phía Nam, nòng cốt gồm: Cienco 5 (trụ sở hiện tại ở Đà Nẵng), Cienco 4 (trụ sở hiện tại ở Nghệ An), Cienco 6 (trụ sở hiện tại ở TP.HCM).

Cần phải nói thêm rằng, đây là các doanh nghiệp được Chính phủ giao thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu.

“Các tập đoàn sẽ đảm nhận các dự án đầu tư phát triển hạ tầng quy mô lớn, nhiệm vụ công ích ở các vùng có điều kiện khó khăn; tích tụ, tập trung vốn để nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh”, Bộ trưởng Đinh La Thăng lý giải cho việc hình thành pháp nhân mới trong văn bản gửi Thủ tướng.

Bên cạnh đó, áp lực phải tái cơ cấu các Cienco đang là vấn đề cấp thiết với lãnh đạo Bộ GTVT. Thực tế, hầu hết các dự án giao thông cho thấy, các Cienco với năng lực tài chính yếu, tổ chức thi công kém đang là gánh nặng đối với các chủ đầu tư.

Tuy nhiên, do mới dừng ở việc xin xây dựng Đề án, nên hiện chưa rõ Bộ GTVT sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho cơ chế đặc thù như thế nào để có thể “vực” các Cienco đang ốm yếu thành những tập đoàn xây dựng mạnh.

Không chỉ yếu về năng lực tài chính, hầu hết các tổng công ty đang phải gánh những khoản thua lỗ lớn. Ngoại trừ Cienco 4, Cienco 5 công bố lãi, 5 tổng công ty xây lắp còn lại đang phải gánh khoản lỗ lũy kế lớn, trong đó “đội sổ” là Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco), với số lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2010 lên tới 857 tỷ đồng, gấp 7 lần vốn điều lệ. Do vậy, nếu không có biện pháp xử lý tài chính, thì việc sáp nhập các Cienco rất có thể sẽ cho ra những tập đoàn nợ, lỗ.

Bên cạnh đó, sau nhiều năm phát triển thiếu định hướng, các Cienco hầu hết dẫm chân nhau về ngành nghề hoạt động, gần không có sự khác biệt về công nghệ, năng lực tổ chức thi công. Chính vậy, rất khó chọn được một doanh nghiệp vượt trội có đủ khả năng bao bọc được các đơn vị thành viên trong vai trò là công ty mẹ tập đoàn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, dù rất đồng thuận với chủ trương trên, nhưng khi được hỏi làm thế nào để xây dựng được các tập đoàn mạnh, lãnh đạo các Cienco đều từ chối với lý do rằng, chủ trương mới quá, nên cần suy nghĩ thêm!

Thực tế, việc sáp nhập các Cienco thành một pháp nhân có năng lực lớn hơn không phải là điều mới trong ngành GTVT. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Cienco 1 và Cienco 8 đã được Bộ GTVT cho phép hợp lực để thành lập Tổng công ty Xây dựng 18 (Cei18), với mong muốn sẽ là kết quả của một phép cộng có đủ năng lực tài chính, thi công tham gia đấu thầu quốc tế các dự án hạ tầng quy mô lớn tại Lào và Việt Nam.

Tuy nhiên, ngoài Dự án Đường vành đai 3 Hà Nội đoạn Mai Dịch – Linh Đàm giai đoạn I (theo hình thức BT) nổi tiếng về chậm tiến độ, hiệu quả thấp, Cei18 không có thêm bất cứ dấu ấn nào tại thị trường trong nước.

Chính vì vậy, nếu không có giải pháp mới và lộ trình cụ thể, hai tập đoàn Cienco sẽ khó tránh được “lối mòn” của Cei18.

Theo ông Nguyễn Ngọc Long, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản lý Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT, Phó chủ tịch Hội Khoa học – kỹ thuật cầu đường, tập đoàn kinh tế hình thành, phát triển, cạnh tranh, thành công, mở rộng, giải thể... đều tuân theo quy luật của nền kinh tế thị trường. Các yếu tố chủ quan duy ý chí, các phương pháp tạo bước nhảy bằng phép cộng, tạo sức cạnh tranh bằng cơ chế ưu đãi giúp các tập đoàn phát triển nhanh chóng, nhưng cũng tạo ra các rủi ro, nguy cơ dẫn đến tan rã.

Được biết, liên quan đề xuất thành lập các tập đoàn xây dựng của Bộ GTVT, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh ghi nhận quyết tâm đổi mới doanh nghiệp nhà nước của lãnh đạo Bộ GTVT, nhưng có cho phép thành lập hay không còn phụ thuộc vào việc đánh giá lại mô hình tập đoàn nhà nước dự kiến diễn ra vào quý IV/2011

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietdoanhnghiep/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/doanhnghiep/moitruongkinhdoanh/624ae45e7f00000101238d3b638ed2e6