Đề xuất đánh giá niềm tin kinh doanh, tiêu dùng tại TPHCM

Nếu được chấp thuận theo đề xuất mới đây của một đơn vị tư vấn, TPHCM sẽ có hai bộ chỉ số "Niềm tin kinh doanh" (Business Confidence Index - BCI) và "Niềm tin tiêu dùng" (Consumer Confidence Index - CCI) để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham khảo.

TPHCM sẽ có bộ chỉ số đánh giá niềm tin người tiêu dùng - Ảnh: Văn Nam

Hai bộ chỉ số này được các chuyên gia kinh tế thuộc Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) đề xuất với chính quyền TPHCM cuối tuần qua liên quan đến đề án xây dựng Trung tâm điều hành thành phố thông minh cho thành phố.

Hai bộ chỉ số này được dùng để làm cơ sở cho các nhà đầu tư nhận định về triển vọng nền kinh tế TPHCM cũng như khả năng chi tiêu, mức độ lạc quan hay bi quan của người tiêu dùng để họ có thể đưa ra những quyết định về mở rộng kinh doanh hay thu hẹp sản xuất, có nên quyết định đầu tư vào thành phố hay không...

Các chuyên gia của AIC cho rằng BCI là một trong những chỉ số dự báo quan trọng, được tính toán dựa trên cuộc điều tra hàng tháng và hàng quí về điều kiện kinh doanh cũng như kỳ vọng kinh doanh của các doanh nghiệp. Dựa vào những dự báo này, doanh nghiệp nhận diện rõ hơn điều kiện kinh doanh cũng như xác định nhu cầu và đưa ra những quyết định kinh doanh riêng cho họ.

Chỉ số này còn giúp doanh nghiệp và cơ quan quản lý phân tích và xây dựng chính sách kinh tế vi mô và vĩ mô, đánh giá sức khỏe của nền kinh tế và mối quan hệ giữa môi trường kinh doanh.

Trong khi đó, CCI là bộ chỉ số kinh tế - xã hội được xây dựng trên cơ sở xử lý kết quả thông tin từ cuộc khảo sát chọn mẫu để đo lường mức độ lạc quan hay bi quan của người tiêu dùng tại thời điểm hiện tại và tương lai của nền kinh tế, phản ánh mức độ hài lòng hay lo âu về việc làm, thu nhập hiện tại và tương lai của người lao động.

Các chuyên gia từ Công ty AIC đề xuất cần triển khai khảo sát thông tin về hai bộ chỉ số nói trên theo quí và làm ngay trong năm 2017 theo các phương thức khảo sát trực tiếp, qua Chi cục Thống kê, bình luận của chuyên gia.

Trung tâm Điều hành thành phố thông minh là một trong bốn trung tâm trụ cột thuộc đề án thành phố thông minh mà TPHCM đang xây dựng, dự kiến sẽ được UBND thành phố phê duyệt và công bố trong tháng 10 tới, theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND thành phố.

Bốn trung tâm quan trọng thuộc đề án thành phố thông minh gồm: trung tâm dữ liệu dùng chung, trung tâm an toàn thông tin, trung tâm dự báo chiến lược mô phỏng, trung tâm điều hành thành phố thông minh.

Trước các đề xuất của Công ty AIC, ông Tuyến yêu cầu các sở, ngành liên quan của thành phố phối hợp với các chuyên gia của đơn vị tư vấn này để sớm hoàn chỉnh đề án thành lập các trung tâm nói trên trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin hiện đại, giúp thành phố dự báo được bức tranh chung về dân số, kinh tế, phát triển đô thị vốn tạo ra bức tranh chung cho thành phố ít nhất là trong 10 năm tới.

Cần nhắc lại, vài năm gần đây đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng chính quyền TPHCM cần ban hành các biện pháp chế tài mạnh mẽ chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, hối lộ, nhận phí bôi trơn, tuyển dụng công chức phải công khai, minh bạch tránh gian lận trong tuyển dụng.

Và trước tiên, TPHCM cần nâng cao Chỉ số quản trị hành chính công (PAPI) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bởi một số chỉ số thành phần TPHCM bị đánh giá là tụt hạng trong năm 2015 như Chỉ số tiếp cận đất đai, Chỉ số về chi phí thời gian, Chỉ số thiết chế pháp lý của thành phố có tăng nhưng không đáng kể.

Chỉ số cạnh tranh bình đẳng và Chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp giữ nguyên. Riêng Chỉ số gia nhập thị trường từ 61 tụt còn 62, Chỉ số minh bạch từ hạng 4 tụt xuống 17, Chỉ số chi phí không chính thức từ 42 rơi xuống 54, Chỉ số năng động từ 50 tụt xuống còn 51, Chỉ số đào tạo lao động từ 5 tụt xuống 6, Chỉ số về tính minh bạch của thành phố từ hạng 4 rơi xuống hạng 17 và Chỉ số chi phí không chính thức từ 42 xuống 54 là hai chỉ số tụt hạng mà theo ông Phong là rất đáng suy ngẫm. Chưa kể, trong chỉ số PAPI, TPHCM xếp hạng 47 trong 63 tỉnh thành với 5/6 chỉ số thành phần bị tụt giảm.

Hồi giữa năm 2016, một lãnh đạo TPHCM khi nhận định về môi trường kinh doanh tại thành phố đã nhận xét, chỉ số PAPI của thành phố bị sụt giảm, trách nhiệm giải trình với người dân, sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt dưới điểm trung bình cho thấy chất lượng phục vụ của các cấp chính quyền thành phố cần được cải thiện. Đây là một thách thức rất lớn đối với mục tiêu xây dựng thành phố thành một nơi đáng sống.

Xem thêm:

Văn Nam

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/164072/de-xuat-danh-gia-niem-tin-kinh-doanh-tieu-dung-tai-tphcm.html