Đề xuất chính sách ưu đãi cho Thừa phát lại

Cho rằng, Thừa phát lại (TPL) là chế định mới, hoạt động – nhất là thời gian đầu còn hết sức khó khăn nên nhiều ý kiến đề nghị cần có chính sách ưu đãi nhằm chia sẻ và tạo thuận lợi cho TPL hoạt động ổn định và phát triển.

Thu không đủ chi

Bộ Tư pháp cho biết, từ đầu năm đến 30/9/2016, các Văn phòng TPL đã tống đạt được gần 270.000 văn bản của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, lập gần 26.000 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 36 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 82 vụ việc, đạt tổng doanh thu gần 49 tỷ đồng.

Tư vấn lập vi bằng tại Văn phòng Thừa phát lại Hoàn Kiếm. Ảnh: Tuấn Phong

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, kết quả hoạt động của các văn phòng nhìn chung chưa cao, chưa đồng đều ở các địa phương và ở các mảng công việc (các văn phòng ở Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Bình Định có kết quả rất thấp); Việc chuyển giao văn bản cho Văn phòng Thừa phát lại tống đạt không đều, còn bị gián đoạn (nhất là từ cuối năm 2015, đầu năm 2016); Kết quả hoạt động xác minh và tổ chức thi hành án còn hạn chế, nhiều Văn phòng chưa thực hiện được vụ việc nào như: Các văn phòng ở tỉnh Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Bình Định, Bình Dương.

Trên thực tế, để đầu tư cho hoạt động TPL, nhiều văn phòng ở một số tỉnh, TP như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương được đầu tư với nguồn vốn tương đối lớn, có cơ sở vật chất, phương tiện làm việc tốt, thể hiện tính chuyên nghiệp, bài bản. Điều đó thể hiện mong muốn, quyết tâm, tích cực ủng hộ của người dân, xã hội và những người làm nghề TPL đối với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về chế định này. Tuy nhiên, do là chế định mới nên hoạt động của các văn phòng TPL còn nhiều khó khăn. Đó không chỉ là việc người dân còn chưa biết, chưa quen sử dụng dịch vụ của TPL; địa vị của TPL còn chưa rõ ràng, thiếu hành lang pháp lý; một số cơ quan liên quan còn chưa phối hợp... mà bản thân quy định về phí tống đạt hiện nay cũng rất thấp, nhất là đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn. Chính khó khăn đó khiến nhiều văn phòng thừa nhận giai đoạn đầu họ “thu không đủ chi”.

Hỗ trợ qua các chính sách

Từ thực tế đó, mong muốn của các văn phòng là có sự hỗ trợ ban đầu từ Nhà nước. Trưởng Văn phòng TPL Hà Đông Bùi Trọng Hào, Trưởng Văn phòng TPL Nguyễn Văn Lạng (Ba Đình) đều mong muốn “Nhà nước hỗ trợ tài chính cho hoạt động TPL thông qua chính sách miễn, giảm thuế trong một vài năm, hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc in ấn tài liệu tuyên truyền”.

Theo đại diện một số Văn phòng TPL, cần có chính sách tạo điều kiện cho các văn phòng phát triển. Chẳng hạn trước đây có chính sách miễn thuế DN, nay cần tiếp tục được duy trì. Bởi nếu chỉ ưu đãi, miễn thuế cho các văn phòng trong danh mục ở địa bàn đặc biệt khó khăn thì sẽ rất khó xác định về tiêu chí. Đại diện cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương cũng cho rằng nên có chính sách hỗ trợ ban đầu cho các Văn phòng TPL "có thể trong 3 năm đầu” - bà Xuân Hương gợi ý.

Trước đây, để tạo điều kiện cho các văn phòng TPL, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013), trong đó quy định các văn phòng TPL được miễn thuế thu nhập DN trong thời gian thực hiện thí điểm. Nay, cùng với việc cho phép thực hiện chế định TPL trên phạm vi cả nước, để khuyến khích các cá nhân có đủ tiêu chuẩn tham gia hành nghề TPL, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các văn phòng TPL trong việc tự trang trải chi phí hoạt động, khắc phục những khó khăn ban đầu, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, thì đề nghị của các TPL cũng nên được xem xét.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/de-xuat-chinh-sach-uu-dai-cho-thua-phat-lai-273649.html