Đề xuất 7 chính sách hỗ trợ ngành bán lẻ

Tại buổi hội thảo “Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa” diễn ra sáng nay 7-10 tại TPHCM, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, đã đưa ra 7 đề xuất cho ngành bán lẻ mong được Nhà nước hỗ trợ.

Hội thảo đã đề cập đến trường hợp trực tiếp của 2 ngành chế biến xuất khẩu gỗ và bán lẻ. Trước hết về ngành gỗ, theo số liệu được bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc trung tâm WTO và hội nhập, công bố đây là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh mẽ.

Theo quy hoạch, đến năm 2020 ngành chế biến và xuất khẩu gỗ sẽ đạt kim ngạch 7 tỉ USD, nhưng đến cuối năm 2015 con số đã xấp xỉ kế hoạch. Ngành gỗ cũng là ngành có quy mô tương đối lớn với 3.900 DN, 340 làng nghề và khoảng 300.000 lao động.

Tuy nhiên trong tương lai sự phát triển của ngành gỗ đang đứng trước những thách thức. Cụ thể, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia nghiên cứu, đã chỉ ra 4 rủi ro ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, đó là: tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu; thiếu kiểm soát chuỗi cung ứng hiệu quả; sử dụng lao động; thiếu hiểu biết về quy định thị trường.

Cũng tương tự ngành gỗ, bán lẻ Việt Nam những năm qua luôn là thị trường hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Khoảng 50% DN Việt Nam có hoạt động bán lẻ, ngoài ra còn có khoảng 1.750 dự án FDI, 2 triệu cơ sở kinh doanh cá thể. Tuy nhiên ngành bán lẻ nội địa trước bối cảnh hội nhập lại gặp khá nhiều khó khăn như mặt bằng kinh doanh, vốn, thiếu lao động có năng lực… Sự có mặt của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới cũng khiến cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt hơn.

Để hỗ trợ các DN bán lẻ trong nước, bà Đinh Thị Mỹ Loan đã đề xuất 7 điểm, trong đó có ưu đãi đầu tư đối với ngành bán lẻ, khuyến khích cho vay tín dụng với các nhà bán lẻ nhỏ và vừa, các chính sách khuyến khích đào tạo lao động trong ngành bán lẻ…

Về câu chuyện DN bán lẻ ngoại sẽ ít bán hàng hóa sản xuất trong nước, bà Loan cho biết Hiệp hội Bán lẻ đã tích cực làm việc với các siêu thị như Big C và Metro và thời gian qua Big C đã ký cam kết với Bộ Công Thương vẫn duy trì chính sách như trước khi chuyển đổi chủ đầu tư, tức là vẫn bán 90% hàng Việt trong hệ thống và hàng nhập khẩu là 10%.

Trước câu hỏi các cam kết quốc tế của Việt Nam khi tham gia như WTO, FTAs, TPP, EVFTA… có còn nhiều không gian chính sách để hỗ trợ DN hay không, bà Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ “Qua việc Việt Nam ký các cam kết thương mại quốc tế, không gian này bị hạn chế đi rất nhiều, vì thế những biện pháp còn lại có thể sử dụng để hỗ trợ cho các DN trong nước không còn nhiều. Tuy nhiên, nếu chúng ta sử dụng một cách linh hoạt và hợp lý khéo léo vẫn tận dụng được những lợi thế của mình”.

Thanh Dung

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161007/de-xuat-7-chinh-sach-ho-tro-nganh-ban-le.aspx