Để vừa lòng Trump, Nga có thể sẽ mang Syria ra mặc cả?

4 năm nhiệm kỳ có thể là quá ngắn để Trump thiết lập các mô hình phù hợp trong quan hệ với Moscow, nhưng nó lại đủ dài để nhấn chìm xuống mọi thứ.

Trong cuộc điện đàm đầu tiên hôm 14/11, Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống đắc cử Donald Trump nhất trí cho rằng, tình trạng quan hệ Mỹ-Nga hiện nay là "không phù hợp và hai bên cần phải làm việc với nhau để tiến hành bình thường hóa quan hệ cũng như hợp tác mang tính xây dựng về một loạt các vấn đề. Đáp ứng lợi ích của hai quốc gia cũng như sự ổn định và bảo đảm an ninh trên thế giới".

Donald Trump đã mang lại một làn gió mới cho quan hệ giữa Moscow và Washington

Đối với một số người, thông điệp này đã mang lại một làn gió đổi mới cho quan hệ giữa Moscow và Washington; nhưng với một số phe nhóm lợi ích khác của nước Mỹ, nó là hiện thân cho một viễn cảnh tồi tệ nhất.

Cho đến nay, hầu hết các đánh giá đều nói Trump chỉ là một chính khách nghiệp dư trên sân khấu chính trị quốc tế. Từ đó không ít quan điểm lo ngại rằng Trump sẽ không tránh khỏi việc bị "lợi dụng" bởi một nhà lãnh đạo khôn ngoan như ông Putin.

Sự suy đoán này bắt nguồn từ việc nhà tỷ phú này đã luôn chỉ trích chính sách và sự yếu kém của chính quyền Obama, trong khi lại dành lời khen ngợi cho nhà lãnh đạo nước Nga.

Tuy nhiên chuyên gia Maxim A. Suchkov từ Hội đồng quan hệ quốc tế Nga cho rằng việc Trump sẽ "nghe lời" ông Putin là một điều sai lầm. Thay vào đó, những biểu hiện tôn trọng đối với Putin của Trump không thể giấu được sự thật rằng, cũng giống như Tổng thống Nga - nhà tỷ phú này là một nhà lãnh đạo quyết đoán và cứng rắn.

Trên thực tế, Moscow hề không mong đợi rằng các thảo luận với Mỹ về vấn đề Syria hay ở bất cứ khu vực nào khác sẽ thuận lợi như những gì truyền thông miêu tả.

Nhà phân tích chính sách đối ngoại hàng đầu của Nga, Fyodor Lukyanov chỉ ra hai điều cần phải lưu ý trong quan hệ quốc tế.

Thứ nhất, trong tổng quan chính trị, có rất nhiều thứ có thể thương lượng - nhưng không phải tất cả mọi thứ đều có thể thương lượng.

Thứ hai, trong khi các doanh nhân có thể lựa chọn hoặc thay đổi đối tác nếu họ không muốn làm ăn với người đó, nhưng chính trị gia thì không thể. Bởi họ có quá ít hoặc gần như là không có sự lựa chọn.

"Ngay cả khi cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Putin và Trump đã mang lại hy vọng cho một sự thay đổi tích cực, sẽ có rất nhiều thứ khi hiện hữu trong thực tế sau này bị phụ thuộc vào cách Trump "hiểu và làm" như thế nào theo hai lưu ý nói trên", Lukyanov nêu quan điểm.

Trên mặt trận chính sách đối ngoại cụ thể, cuộc xung đột Syria rõ ràng là vấn đề khó khăn nhất đối với hai quốc gia trong thời điểm này, khi cả Moscow và Washington vẫn tiếp tục hỗ trợ các bên tham chiến của mình một cách kiên quyết.

Nga vẫn chưa hoàn toàn yên tâm với Trump?

Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến việc khôi phục Syria sau chiến tranh - trong đó có việc xây dựng bản hiến pháp mới, sự hình thành của một chính phủ chuyển tiếp và xây dựng, kiến thiết đất nước - lại là điều mang lại tiềm năng to lớn cho sự hợp tác Nga-Mỹ.

Hai nước đều tin rằng việc chuyển hướng từ đối đầu quân sự sang đàm phán ngoại giao là điều cần phải làm, nhưng họ lại không có một con đường nào dẫn tới điều đó.

Thế nhưng khi Putin và Trump cùng thống nhất trong việc "đoàn kết nỗ lực trong cuộc chiến chống lại kẻ thù số một, đó là chủ nghĩa khủng bố quốc tế và chủ nghĩa cực đoan" và thảo luận về "giải quyết vấn đề Syria dựa trên khuôn khổ này" - dường như cả hai đã nhìn thấy một con đường dần mở rộng.

Nếu Trump thực sự nghiêm túc với quyết định tập trung vào cuộc chiến chống IS và chủ nghĩa cực đoan nói chung, nó sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự hợp tác với Moscow.

Tuy nhiên, có thể chính sách thực tế của tổng thống tân cử sẽ biến đổi theo nhiều cách khác nhau, bởi tại thời điểm này một kế hoạch vẫn còn chưa được xây dựng cụ thể, đặc biệt hơn nữa đây còn là thỏa thuận hợp tác trực tiếp với Lầu Năm Góc - cơ quan chưa bao giờ tỏ ra hào hứng làm việc với Nga.

Ở một khía cạnh khác, bản thân sự ngược dòng của Trump vốn đã luôn là một thách thức khó khăn. Moscow luôn phân vân rằng: Liệu Trump có từ bỏ lập trường thân thiện Nga khi phải chịu sức ép quá lớn từ "phe truyền thống" hay không? Hay ông sẽ bất chấp tất cả, hàn gắn lại mối quan hệ với Kremlin - điều thực tế nhất để bảo vệ lợi ích quốc gia Mỹ trong lúc này?

Do đó, Moscow sẽ phải luôn nhìn nhận triển vọng từ Trump theo cách thận trọng nhất.

Trước đó một tháng, Moscow đã từng nghĩ đến kịch bản tồi tệ đó là Hillary Clinton lên làm tổng thống. Cựu Ngoại trưởng Mỹ là người khẳng định sẽ tiếp tục mạnh tay ở Syria với việc thiết lập "vùng cấm bay", gia tăng hỗ trợ về quân sự và tài chính cho phe đối lập.

Đến lúc này, khi mọi thứ có một chút sáng sủa hơn với chiến thắng của Trump, Nga có thể chọn cách làm giảm đi sự cứng rắn của mình như một con bài mặc cả hoặc thậm chí trở thành một công cụ chuyển đổi lợi ích.

Thông điệp tích cực mà điện Kremlin muốn gửi Tổng thống Mỹ mới đắc cử đó là, Moscow sẽ giảm thiểu đáng kể hoạt động quân sự của mình ở Syria cũng như trên một só khu vực khác và không phản ứng lại trước hành động đưa quân khiêu khích của NATO gần đây.

Mỹ có thể "đoạt lại" Trung Đông từ tay Nga?

Thực tế những lời chỉ trích của Nga hiện nay vốn chỉ nhắm vào mục tiêu là giới tinh hoa Mỹ - chứ không phải nước Mỹ và càng chưa bao giờ là nhắm vào Trump.

Sự gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông cũng là một khía cạnh Moscow cần quan tâm. Nếu triển vọng hợp tác về Syria là một cái nhìn đầy hứa hẹn thì với Iran có thể là một kịch bản khác.

Liên minh tương đối giữa Nga với Tehran trong vấn đề Syria đã giúp cho Moscow đạt được ưu thế lớn ở khu vực. Tuy nhiên Trump có thể sẽ khôi phục lại mối quan hệ sứt mẻ với quốc gia vùng Vịnh này.

Vai trò của những đối tác lớn trong khu vực là điều rất quan trọng trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng của các cường quốc. Nga đã tương đối thành công trong việc tạo dựng mối quan hệ tốt với Ai Cập, Iran, Israel và mối quan hệ khó đoán với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, giờ đây Moscow nên sẵn sàng đón nhận một thực tế khác: Trump sẽ rất sát sao trong việc mở ra một khởi đầu mới trong mối quan hệ giữa Mỹ và các nước Trung Đông.

Trước đó Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi là một trong những nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên đến chúc mừng chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử Mỹ.

Do đó nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ có thể tận dụng cơ hội này để khôi phục lại mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh thân thiết nơi đây. Về phía ngược lại Moscow có thể sẽ bị ra rìa trong quan hệ với các quốc gia nói trên.

Trên một quy mô lớn hơn, Moscow đang dò xét xem liệu Trump sẽ thúc đẩy một tầm nhìn chiến lược đối với Trung Đông giống như thời Tổng thống George W. Bush hay không.

Bởi nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ sẽ phải đối mặt với một sự lựa chọn mà chính Clinton cũng sẽ phải làm nếu nếu được bầu - đó là Washington chọn cho mình một sự hiện diện chính trị lớn hơn ở Trung Đông hay hạn chế tối đa sự tham gia của mình ở khu vực này nhằm bù đắp cho chiến lược xoay trục châu Á-Thái Bình Dương và để tập trung vào các vấn đề trong nước?

Tùy thuộc vào cách mà câu hỏi này được giải quyết, Nga và Mỹ, hoặc có thể chuyển sang một quan hệ hợp tác hòa hảo hoặc tiếp tục quay trở lại thế đối địch vốn có.

Và vấn đề cuối cùng ảnh hưởng đến điều này là thời gian. Chuyên gia Suchkov cho rằng 4 năm nhiệm kỳ có thể là quá ngắn để Trump thiết lập các mô hình phù hợp trong quan hệ với Moscow, nhưng nó lại đủ dài để nhấn chìm xuống mọi thứ.

Do đó, có hai mục tiêu quan trọng đối với Washington và Moscow. Đầu tiên, các nhà lãnh đạo hai bên cần phải xác định một cách rõ ràng - tầm nhìn về những gì họ muốn đạt được trong vòng hai năm.

Thứ hai, họ phải giữ gìn một quyết tâm duy nhất và xuyên suốt trong hợp tác để làm giảm đi bất kỳ khe hở nào dẫn đến xung đột có thể xuất hiện, giống như những điều đang gây nên sự bất đồng của hai nước trong hiện tại.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/de-vua-long-trump-nga-co-the-se-mang-syria-ra-mac-ca-a306687.html