“Đề thi văn tốt nghiệp THPT mang tính thời sự”

Trao đổi về đề thi môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Phạm Mạnh Hà, Giảng viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng đề thi năm nay là một đề thi hay và mang tính thời sự.

Trao đổi về đề thi môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Phạm Mạnh Hà, Giảng viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng đề thi năm nay là một đề thi hay và mang tính thời sự.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã kết thúc cách đây mấy ngày, nhưng những thông tin, vấn đề liên quan kỳ thi vẫn tiếp tục sôi nổi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là dư âm từ đề thi Văn, môn thi đầu tiên của kỳ thi năm nay.

Câu 2 của phần thi chung môn Văn năm nay yêu cầu thí sinh viết 1 đoạn văn ngắn khoảng 400 từ, bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam, học sinh trường THPT Đô Lương 1, Nghệ An.

Ngay sau khi môn thi này kết thúc, có rất nhiều ý kiến tranh luận về đề thi môn Văn được đăng tải trên các báo, trên các trang mạng xã hội. Nhiều người khen đề thi năm nay hay, cũng có người lo ngại về cách chấm môn thi làm thế nào để đánh giá chính xác thí sinh. Bên cạnh việc ca ngợi hành động dũng cảm cứu người của em Nam, cũng có những học sinh suy nghĩ liệu có cần lượng sức mình để vừa cứu được người, vừa đảm bảo tính mạng của bản thân…

Để cùng bàn luận về đề thi môn Văn năm nay dưới góc độ tâm lý, xã hội, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Mạnh Hà, Giảng viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Ông Phạm Mạnh Hà tại trường quay của Đài THVN (Ảnh: VTV News)

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết quan điểm của cá nhân ông về đề thi môn Văn năm nay như thế nào?

Ông Phạm Mạnh Hà: Sau khi đọc đề văn năm nay tôi có cảm nhận đầu tiên đó là đề Văn năm nay rất mang tính thời sự. Ở trong bối cảnh xã hội chúng ta đang có rất nhiều người sống ích kỉ, sống cá nhân thì tấm gương em Nguyễn Văn Nam đã trở thành một điểm sáng để không chỉ các em học sinh, mà còn để người lớn chúng ta sống đẹp và sống có ý nghĩa hơn. Vì vậy, tôi nghĩ đề Văn năm nay là một đề thi hay.

PV: Mấy ngày nay chúng tôi có đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng dư luận về đề thi này, đặc biệt là các trang mạng xã hội. Có người nhận định đây không phải là đề thi mở, mà là đề thi đóng hoàn toàn, vì các em chỉ có thể trình bày theo một chiều là ca ngợi tấm gương em Nguyễn Văn Nam. Bên cạnh đó, cũng không ít em bày tỏ quan điểm có màu sắc phản biện, đó là liệu có cần có cần lượng sức mình để vừa cứu được người, vừa đảm bảo tính mạng của bản thân. Các em cũng lo ngại nếu viết như vậy sẽ không được tính điểm. Ông nghĩ như thế nào, một đề Văn nghị luận xã hội như vậy, liệu có nên chấp nhận cả những ý kiến phản biện trong đó?

Ông Phạm Mạnh Hà: Ngay trong đề thi văn năm nay đã viết rất rõ rằng “gương cứu người dũng cảm của em Nam”, có nghĩa là những người ra đề thi muốn hướng học sinh đến việc phân tích hành động dũng cảm cứu người của em Nam. Còn tất cả các em thí sinh phân tích theo một góc độ khác, theo tôi khả năng không có điểm sẽ là có.

PV: Những năm gần đây, xu hướng ra đề thi mở rất được quan tâm. Vậy theo ông trong cách dạy và học hiện nay làm thế nào để khuyến khích học sinh biết cách thảo luận, trình bày quan điểm cá nhân, phản biện trước các vấn đề xã hội?

Ông Phạm Mạnh Hà: Theo tôi hiện nay quỹ học tập của học sinh rất ít, các em đang phải triền miên học tập trên lớp mà ít có thời gian để trao đổi, bày tỏ quan điểm của mình.

Trong chương trình giáo dục của nhà trường, tôi nghĩ việc cần làm đầu tiên là nên tạo cho các em học sinh những cơ hội, những môi trường cũng như các chủ đề để các em bày tỏ ý kiến của bản thân. Và dần dần thông qua các năm học, điều này sẽ trở thành một thói quen giúp các em học sinh có tư duy độc lập, có khả năng phản biện cũng như đưa ra quan điểm cá nhân của mình.

Cảm ơn ông đã nhận lời mời tham gia phỏng vấn.

Mời quí vị cùng theo dõi VIDEO nội dung chi tiết cuộc trao đổi giữa phóng viên VTV với ông Phạm Mạnh Hà dưới đây.

VTV News

Nguồn VTV: http://vtv.vn/thoi-su-trong-nuoc/de-thi-van-tot-nghiep-thpt-mang-tinh-thoi-su/71089.vtv