Đề thi Ngữ văn năm nay có sự phân hóa học sinh rõ nét

Ngay sau buổi thi môn Ngữ văn của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 kết thúc, theo nhận xét của nhiều thí sinh và các nhà giáo thì đề thi năm nay vừa sức, bám sát chương trình và có sự phân hóa học sinh rõ nét. Phóng viên Báo QĐND đã thực hiện cuộc trao đổi ngắn với Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Tuân, Giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường Hữu nghị T78.

PV: Thầy có đánh giá thế nào về đề thi năm nay?

Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Tuân: Nhận định ban đầu của tôi thì đề thi Ngữ văn năm nay là một đề thi hay. Thứ nhất, đề thi có cơ cấu khá hợp lý về nội dung kiến thức và phân bố điểm hai phần đọc hiểu và làm văn. Phần đọc hiểu, kiến thức nhẹ nhàng hơn và thí sinh chỉ được 3 điểm khi hoàn thành các câu hỏi ở phần này. Phần làm văn có mức độ kiến thức sâu hơn nên sự phân bổ điểm phần này 7 điểm là rất phù hợp. Thứ hai là đề thi sát với đề minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, cho nên hầu hết thí sinh đều không bị bỡ ngỡ bởi dạng thức đề. Ba là tính phân hóa của đề thi khá rõ nét.

Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Tuân.

PV: Sự cơ bản của đề thi được thể hiện ở những điểm nào thưa thầy?

Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Tuân: Thứ nhất là phần đọc hiểu của văn bản không quá khó, vừa sức với năng lực của học sinh. Trong câu 1, phần 2 (làm văn nghị luận xã hội) cũng không quá khó để học sinh thực hiện tốt bài thi. Đồng thời vấn đề nghị luận “Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm” khá sát với thực tế xã hội hiện nay. Nó cũng là quan điểm giáo dục ý thức của các bạn trẻ trong việc đồng cảm, sẻ chia ngay từ những điều nhỏ bé của cuộc sống với mọi người xung quanh.

Thí sinh sau khi thi môn Ngữ văn.

PV: Thầy có thể chỉ rõ tính phân hóa của đề thi năm nay?

Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Tuân: Tôi phải khẳng định lại rằng, đề thi có sự phân hóa đối tượng sâu sắc. Nó nằm ở chính nội dung yêu cầu bình luận về quan niệm đất nước của Nguyễn Khoa Điềm qua đoạn trích “Đất nước” trong “Trường ca mặt đường khát vọng" của Nguyễn Khoa Điềm. Đối với phần này, học sinh không chỉ cần nắm chắc kiến thức về văn bản tác phẩm, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm mà còn phải nắm cả tư tưởng nghệ thuật của tác giả. Từ những kiến thức đã có học sinh phải luận bàn và nêu lên quan điểm của mình về quan niệm đất nước của tác giả Nguyễn Khoa Điềm. Và dĩ nhiên, nếu học sinh học tốt môn Ngữ văn sẽ thể hiện được những quan điểm riêng, những bình luận sắc sảo trong phần này. Đây được coi là “đất” để các học sinh khá, giỏi có nơi để “thể hiện”. Do đó, ở đề thi Ngữ văn năm nay, để đạt điểm 8 trở lên sẽ chỉ có những em học sinh có học lực khá, giỏi.

PV: Trân trọng cảm ơn thạc sĩ!

Thí sinh xem hướng dẫn giải Đề thi môn Ngữ văn tại đây:

fullhc - huong dan giai de thi thpt qg mon ngu van nam 2017.pdf

BĂNG CHÂU - MINH ANH (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/de-thi-ngu-van-nam-nay-co-su-phan-hoa-hoc-sinh-ro-net-510564