Đề thi môn Văn sẽ có hai phần: Đọc hiểu và làm văn

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD- ĐT vừa cho biết, cấu trúc đề thi sẽ có một số điều chỉnh theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học đã được ban hành.

Việc đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT 2014, đề môn Ngữ văn sẽ có hai phần đọc hiểu và làm văn.

Phần đọc hiểu sẽ kiểm tra kiến thức về tiếng Việt: phát hiện những sai sót về chính tả, ngữ pháp, chấm câu, dùng từ, logic... cho một đoạn văn có nhiều sai sót và yêu cầu học sinh phát hiện những lỗi đó (2 điểm);

Yêu cầu tóm tắt ý chính của một đoạn văn bản cho trước, có thể là Văn học, Sử, Địa, Khoa học tự nhiên... (2 điểm); Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của biện pháp đó trong một đoạn thơ/văn cho sẵn (2 điểm).

Vì vậy, thay vì kiểm tra việc học thuộc lòng và nhớ các kiến thức lý thuyết như: Tu từ là gì? Thế nào là câu đúng? Thế nào là tóm tắt văn bản?... đề thi sẽ tập trung vào năng lực đọc hiểu của học sinh thông qua việc vận dụng những hiểu biết về tiếng Việt để giải quyết câu hỏi. Cách kiểm tra này sẽ đánh giá khách quan và chính xác hơn năng lực đọc hiểu của học sinh, tránh được hiện tượng học tủ, học vẹt.

"Về lâu dài có thể tăng số lượng điểm về đọc hiểu và kiểm tra bằng dạng trắc nghiệm như PISA hoặc Kỳ thi tốt nghiệp THPT ở bang California (Mỹ). Nội dung đề thi sẽ kế thừa ưu điểm của hình thức hỏi theo dạng đánh giá PISA (đánh giá năng lực người học), qua thực tiễn cho thấy học sinh khá thích ứng nhanh với dạng câu hỏi này. Trong những năm gần đây dạng câu hỏi mở môn Ngữ văn đã được ra trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, được học sinh đánh giá cao bởi tính thực tế" - Ông Mai Văn Trinh khẳng định.

Việc chia môn Ngữ văn có hai phần đọc hiểu và viết sẽ đánh giá khách quan và chính xác hơn năng lực đọc hiểu của học sinh

Phần kiểm tra năng lực viếtbao gồm: Viết nghị luận xã hội (7/20 điểm), yêu cầu vận dụng tổng hợp các kiến thức về Văn học, Lịch sử, Địa lý, Đạo đức… Cách viết cũng vận dụng tổng hợp giữa kể, tả, biểu cảm, thuyết minh và nghị luận.

Viết Nghị luận văn học (7/20 điểm), yêu cầu phân hóa cao hướng tới tuyển sinh đại học. Đề yêu cầu vận dụng sáng tạo những hiểu biết về kiến thức và kĩ năng văn học để thực hành, phân tích, đánh giá, bình luận một vấn đề văn học, một văn bản, trích đoạn chưa được học trong sách giáo khoa.

Với đề thi như trên, điểm xét tốt nghiệp sẽ được tính cho những học sinh đạt từ 10/20 trở lên. Các trường đại học, nhất là các trường theo hướng xã hội, nhân văn căn cứ vào tổng điểm 3 câu và điểm của câu 3 để xét tuyển sinh.

Năm 2014 đề thi mới vẫn coi trọng kỹ năng này. Hơn nữa, đề thi mới sẽ đưa vào những câu hỏi theo hướng mở và tích hợp kiến thức liên môn chứ không đưa ra những câu hỏi đóng, yêu cầu HS ghi nhớ kiến thức và làm bài theo những tư duy mở, học sinh chủ động vận dụng kiến thức, đưa ra những quan điểm cá nhân.

Định hướng ra đề thi trong những năm nay và cả những năm tới đối với môn Ngữ văn sẽ vẫn tiếp tục ra theo hướng mở, đòi hỏi HS có tính sáng tạo từ bản thân, biết vận dụng những kiến thức thực tế để giải quyết vấn đề cụ thể.

Xung quanh đề thi ngoại ngữ, ông Trinh cho biết, Bộ GD-ĐT đang xem xét và đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các giáo viên ngoại ngữ về thời gian làm bài và mức điểm giữa phần trắc nghiệm và viết luận. Tuy nhiên, chắc chắn phần trắc nghiệm vẫn chiếm tỷ lệ lớn hơn trong đề thi. “Quyết định sẽ được đưa ra trước khi ban đề thi làm việc”, ông Trinh cho hay.

Minh Đông

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/giao-duc/de-thi-mon-van-se-co-hai-phan-doc-hieu-va-lam-van-60393.html