Đề thi minh họa Ngữ văn 2017 ngắn nhưng khó!

Tư duy viết văn lan man, vòng vèo cần phải thay đổi bằng cách đi đúng trọng tâm, đảm bảo học sinh tốt nghiệp 12 có khả năng diễn đạt hiệu quả suy nghĩ cảm xúc.

LTS: Mới đây, Bộ Giáo dục đã công bố bộ 14 môn đề thi minh họa Quốc gia 2017, theo đó môn Ngữ văn vẫn thi theo hình thức tự luận, thầy giáo Nguyễn Văn Lự (một giáo viên dạy Ngữ văn ở Vĩnh Phúc) đánh giá đề minh họa và “ngắn nhưng khó”, và đòi hỏi cả học sinh và giáo viên phải sớm có điều chỉnh trong cách dạy và học.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Đề thi minh họa 2017 đã "khai tử" lối học và viết văn lê thê, càng dài càng nhiều điểm. Với quan điểm kiểm tra đánh giá năng lực học sinh là chính, đề thi sẽ làm thay đổi cách dạy và học Ngữ văn.

Thời gian 120 phút, dung lượng câu hỏi và kiến thức giảm nhưng rất khó với học sinh ý thức học và viết văn chưa nghiêm túc.

Đề minh họa Ngữ văn Quốc gia 2017 ngắn nhưng khó

Với sự đổi mới cách ra đề thi, giáo viên và nhà trường buộc thay đổi tư duy giảng dạy, ôn tập; học sinh cũng cần thay đổi ngay phương pháp học và viết văn.

Điểm mới nhất ngoài thời gian và dung lượng câu hỏi, là sự tích hợp kiến thức đọc hiểu - tiếng Việt - viết văn. Đề thi không nên tách câu nghị luận xã hội (2 điểm) viết đoạn khoảng 200 chữ mà ghép vào phần 1 thành câu 5 thì hay hơn.

Không nhiều thay đổi cấu trúc so với 2016, đề Ngữ văn 2017 được đánh giá phù hợp với học sinh 12 hiện nay.

Muốn bài thi đạt kết quả trung bình, thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức tiếng Việt, trình bày những nội dung đọc hiểu cơ bản, rõ ràng và đúng nhất.

Bài thi điểm khá và giỏi cần năng lực tư duy, vốn hiểu biết văn chương và tiếng Việt để viết đủ và thành công, sâu sắc những yêu cầu của đề.

Phần đọc hiểu (4 câu hỏi, 3 điểm) không yêu cầu viết bao nhiêu dòng, nên học sinh khó kìm bút viết dạng câu hỏi mở.

Nếu cứ giảng giải “vì, do, thì” trong 20 phút, sẽ không thể nào làm xong phần 1. Cái khó đầu tiên chính là thí sinh nếu lỡ dài dòng cho 4 câu này thì về sau sẽ vội vàng, cuống quýt, lúng túng quên hết cả khôn.

Phần nghị luận xã hội, 2 điểm là thách thức lớn nhất cho học sinh với khoảng 200 chữ, đoạn văn bàn luận về một vấn đề nhỏ của đời sống.

Nhiều người không chú ý đến số chữ của câu hỏi này nên vẫn gợi ý và dạy học trò theo cách viết bài nghị luận xã hội đủ 3 phần.

Với khoảng 200 chữ, thời gian khoảng 30 phút, đề thi 2017 chắc chắn muốn thí sinh viết đoạn văn khoảng 20 dòng nêu hiểu biết và quan điểm, cảm xúc về một ý, nội dung hay khía cạnh nhỏ đề đặt ra.

Tức là trình bày theo đoạn chứ không phải bài văn hoàn chỉnh.

Khó nhất là thầy và trò không hiểu sự khác biệt giữa đoạn văn và bài văn nên nhiều thí sinh lo không làm xong bài thi vì thời gian chỉ có chừng ấy, viết cho ra hồn ra miếng thì hết giờ.

Đề thi minh họa của Bộ Giáo dục Đào tạo 2017 (Ảnh: vtc.vn).

Đề thi minh họa của Bộ Giáo dục Đào tạo 2017 (Ảnh: vtc.vn).

Phần nghị luận văn học, 5 điểm như bài viết trên lớp, 2 tiết học sinh đã từng làm nhiều.

Các tác phẩm lớp 12, không khó nhưng làm bài nghị luận văn học đòi hỏi nhiều kỹ năng và hiểu biết.

Bộ Giáo dục giải đáp những băn khoăn về phương án thi quốc gia 2017

Cách dạy và học hiện nay đáp ứng được nhưng đề thi Ngữ văn 2017, không như trong văn mẫu, đề mẫu thầy trò đã biết. Đề thi yêu cầu học sinh hiểu vấn đề, giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm và từ đó bày tỏ, lí giải, bàn luận theo chủ quan cá nhân.

Từ năm 2015, đề Ngữ văn đã loại dần văn mẫu, văn thuộc lòng, loại bỏ phao thi và đó là điều tuyệt nhất, theo tôi nghĩ.

Thí sinh sẽ trình bày hiểu biết và lập luận thuyết phục những kiến giải của mình khi đọc hiểu tác phẩm văn học.

Tùy theo khả năng hiểu biết, năng lực ngôn ngữ, người làm bài có thể viết đủ hay không đủ các nội dung, nghệ thuật. Đề mở, đáp án chấm mở, giám khảo đủ năng lực chấm sao cho nhẹ nhàng, giảm áp lực học văn cho học sinh là điều hạnh phúc của sự nghiệp giáo dục con người.

Giáo viên cần thay đổi tư duy trước!

Đứng trước những thay đổi đề thi này, các giáo viên cần thay đổi nhận thức, qua đó bổ sung, điều chỉnh kế hoạch dạy và ôn tập Ngữ văn.

Bài thi Ngữ văn buộc thầy trò đầu tư nhiều cho việc kết hợp trang bị, củng cố hiểu biết toàn diện về xã hội, về văn chương và ngôn ngữ mẹ đẻ tiếng Việt.

Tư duy học văn, viết văn lan man, vòng vèo cần phải thay đổi và đi đúng trọng tâm, yêu cầu câu hỏi để đảm bảo học sinh tốt nghiệp 12 đọc thông, viết thạo, diễn đạt hiệu quả suy nghĩ cảm xúc.

Giáo viên Ngữ văn nên dạy và rèn học sinh cách viết ngắn gọn, đủ ý và chuẩn xác.

Mỗi giáo viên cần nghiêm túc và làm gương cho học sinh về dùng từ, viết câu, diễn đạt ý hàm súc và chính xác.

Trên báo mạng mấy ngày qua, nhiều bài giải đề Văn minh họa 2017, dài lê thê mà không giáo viên nào đọc đúng chữ “viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ)”, việc làm đó, như thầy giáo Nam Cao, là sự bất lương!

Thầy thay đổi trò sẽ thay đổi, viết ngắn, viết chắc chắn và chuẩn về nội dung hiểu biết, ngôn ngữ là điều rất khó, rất ngại của phần đông giáo viên và học sinh hiện nay.

Cách kiểm tra đánh giá của thi 2017, có thể không chấp nhận lối mòn cũ của cách dạy và học văn thuộc nhiều, nhớ nhiều hiện nay.

Các nhà làm sách, xây dựng chương trình cần giảm bỏ các tác phẩm “làng nhàng”, minh họa cho lịch sử văn học để đưa cho trò những giá trị tinh hoa, bàn luận về các giá trị văn chương và nhân văn.

Thay đổi phương pháp học theo nhóm, theo VNEN hay lấy học sinh làm trung tâm, theo tôi, cũng chỉ tốn giấy mực, thời gian và tiêu cho hết tiền Dự án.

Học sinh phải vận dụng nhiều kỹ năng để giải đề trắc nghiệm môn Địa lý

Chúng ta hãy để học sinh tiếp cận vấn đề, đọc tác phẩm và nói lên hiểu biết, quan điểm của mình về những điều tác phẩm đề cập.

Không giáo viên nào có thể hiểu và nói đủ, đúng các nội dung đề thi nêu; cũng không có người ra đề thi nào viết đủ hết các ý trong đáp án chấm, diễn đạt, trình bày chuẩn xác.

Thế mà, chúng ta muốn học trò nêu được đúng và đủ, chính xác như đáp án?

Học văn là để hiểu cuộc sống và viết văn là bày tỏ nhận thức về cuộc sống, với thí sinh 12, các em hiểu và diễn đạt được sự hiểu đó là đạt yêu cầu, em nào có năng lực ngôn ngữ sẽ đạt khá giỏi.

Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2017 sẽ kéo theo nhiều thay đổi về cách dạy và học.

Sự đổi mới toàn diện giáo dục bắt đầu từng bước từ khâu kiểm tra, đánh giá sẽ góp phần làm chuyển biến tư duy dạy, học từ bị động sang chủ động tiếp nhận tri thức nhân loại.

Nguyễn Văn Lự

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/de-thi-minh-hoa-ngu-van-2017-ngan-nhung-kho-post171430.gd