Đề thi HSG Văn tỉnh Bắc Giang: Sáng tạo hay hại não?

Đề thi học sinh giỏi (HSG) Ngữ văn ở Bắc Giang mới đây khiến nhiều người bất ngờ và gây tranh cãi. Không ít giáo viên, học sinh tỏ ra căng thẳng vì đề quá hại não và không phù hợp với kỳ thi chọn HSG môn Văn.

Đề thi chọn học sinh giỏi văn ở Bắc Giang gây tranh cãi

Mới đây, đề thi chọn đội tuyển thi HSG Quốc gia 2018 của Sở GS&ĐT tỉnh Bắc Giang được lan truyền trên mạng xã hội, trong đó gây chú ý nhất là câu hỏi nghị luận xã hội.

Cụ thể, đề bài chọn một hình vẽ là một con thuyền nằm trên một chiếc bóng đèn, yêu cầu thí sinh: "Hãy viết bài văn nghị luận trình bày quan điểm của anh/chị về vấn đề được gợi ý từ bức ảnh trên?".

Một cuộc tranh cãi nổ ra ngay sau khi đề được chia sẻ trên mạng xã hội. Điều đáng nói là không ít người lắc đầu bó tay khi nhìn mãi vẫn không thể hiểu được thông điệp câu hỏi là gì. Số khác khá hoang mang khi cho rằng đề này là đề thi Vật lý hoặc đề thi môn… vẽ kiến trúc hơn là một đề thi Ngữ văn để chọn HS giỏi.

Thầy Tạ Quang Quyết- giáo viên Ngữ văn luyện thi ĐH tại Hà Nội - cho biết, câu hỏi này không chỉ đòi hỏi học sinh tư duy, mà còn kiểm tra được kỹ năng viết, sự sáng tạo của học trò. Bóng đèn có thể hiểu là một số phận và biển cả mênh mông là cuộc đời. Thuyền có thể tượng trưng cho phần xác (cái thể hiện bề ngoài). Bóng đèn tượng trưng cho cái bên trong là tâm hồn, trí tuệ, sự bản lĩnh, lòng kiên trung, ý chí và nghị lực.

Trong khi đó, một số GV khác tỏ ra… bối rối khi không cho rằng, đề văn quá trừu tượng, mơ hồ dẫn đến khó hiểu. Cô Huệ Dương- GV dạy văn THPT ở TP.Huế - chia sẻ: “Hình ảnh khó gợi ra những giá trị liên tưởng mang ý nghĩa văn chương mềm mại, đánh đố học sinh nhiều hơn là tạo trí tưởng tượng. Bản thân tôi không ủng hộ cách ra đề theo kiểu quá đánh đố và mơ hồ như thế này. Tôi rất tò mò muốn biết đáp án của đề này”.

Đánh đố người làm bài, thầy cô giáo, dĩ nhiên đề cũng gây ra một cuộc… tiên đoán của cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến khác nhau về đề thi này và không ý kiến nào trùng với ý kiến nào, đủ để hiểu độ hại não của đề thi này.

Bình luận của một bạn có nickname Long To Hieu: “Một con thuyền giấy, tới một lúc nào đó nó sẽ bị nước nhấn chìm. Nếu không có sự trợ giúp từ chiếc bóng đèn kia nó đã bị chìm sâu dưới lòng biển. Bóng đèn phát sáng giữa khoảng không đầy u tối đã thể hiện sự khát khao tồn tại, nó phải bừng tỉnh trong suy nghĩ để đạt tới những giá trị sáng tạo có thể giúp nó sinh tồn.

Cuộc sống nếu không cho ta được tỏa sáng, thì chúng ta tự mình vươn lên tỏa sáng theo cách của chính ta, dù cho có khó khăn chông gai, nhưng những sự sáng tạo của ta sẽ có giá trị và tồn tại mãi theo thời gian. Vì vậy hãy sống theo cách mà chúng ta cống hiến hết mình bằng những sáng tạo của riêng ta”.

Trong khi đó, một ý kiến khác phản đối lập luận trên và cho rằng: “Không có bóng đèn nào trợ giúp con thuyền nổi lên trên mặt nước đâu, không kéo chìm thì thôi chứ? Hình ảnh này mang tính trừu tượng, con thuyền giấy mỏng manh, ẩn phía trong là nghị lực, thông minh (bóng đèn phát sáng)”.

Độc giả khác nhìn nhận ở góc độ vật lý: “Hình ảnh chỉ là chiếc thuyền chứ không khẳng định đây là "thuyền giấy". Nếu giờ tôi bảo con thuyền đó bằng nhôm hoặc nhựa tạo hình thì sao? Hoặc trường hợp thuyền làm bằng kim loại/hợp kim đặt trong môi trường chất lỏng có nồng độ muối cao vẫn nổi như thường.

Bóng đèn là loại đèn dây tóc. Bóng đèn không gắn vào nguồn điện, chỉ thấy trắng lốm đốm phần đầu, và mọi người bảo là “đèn sáng”. Thế nếu trường hợp không phải do ánh sáng của dây tóc bóng đèn nóng sáng mà do ánh sáng từ nguồn sáng khác phản chiếu thì sao?

Xét trên góc độ vật lý, chuôi đèn thực tế luôn nặng hơn phần bóng đèn. Vậy thuyền nằm thăng bằng trên đèn, nổi trên nước là vô lý. Nếu là thuyền giấy, nó sẽ nhanh chóng bị chúc đầu và rã ra. Từ những phân tích trên, cho thấy, học sinh có thể phát triển vấn đề theo cả hướng tích cực và tiêu cực".

Theo độc giả này, câu hỏi đặt ra là bức ảnh gợi ý điều gì? Tiêu chí chấm là gì? Xem xét yếu tố độc đáo, khác biệt trong suy nghĩ? Hướng gợi mở sẽ nghiêng về mặt tích cực hay tiêu cực?...

Xem ra, câu trả lời sát nhất như thế nào, chỉ có thể chờ đáp án từ… chính các thầy cô giáo ra đề!

* Đề thi chọn HSG Quốc gia Ngữ văn của tỉnh Bắc Giang do Trường THPT Chuyên Bắc Giang ra đề. Kỳ thi này có 25 em tham gia và sẽ chọn ra 10 em vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn năm nay của tỉnh.

* Cô giáo Phạm Thị Thanh Bình- Tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường THPT chuyên Bắc Giang (thành viên trong ban ra đề): Mục đích của đề thi dạng mở này là giúp người làm phát huy khả năng quan sát, phân tích, kết nối các chi tiết để thể hiện những suy nghĩ, tìm ra những vấn đề có giá trị gắn liền với đời sống.

Đề mở nên dù cách chấm biết trước sẽ gặp khó khăn, chúng tôi vẫn quyết định ra đề này và khuyến khích học sinh bày tỏ suy nghĩ. Về việc chấm thi, chúng tôi xác định nếu đã là đề mở thì đáp án cũng phải mở. Nếu học sinh có ý tưởng hoàn toàn mới, không hề trùng khớp với đáp án nhưng lập luận logic chặt chẽ, có dẫn chứng thỏa đáng thì vẫn chấp nhận câu trả lời.

Dương Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/camera-phu-huynh/de-thi-hsg-van-tinh-bac-giang-sang-tao-hay-hai-nao-post32941.html