Đề tham khảo môn Lịch sử không có cơ may cho học trò học tủ

Nội dung của đề thi đều nằm trong chương trình Lịch sử lớp 12, không có câu nào nằm trong phần giảm tải. Các câu của đề thi đều bao quát chương trình.

Có thể nói kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 sẽ đánh dấu một năm đáng nhớ với môn Lịch sử, từ môn học “trắng thí sinh” dự thi những năm trước, năm nay, Lịch sử trở thành một trong những môn được đông thí sinh lựa chọn nhất.

Cũng vì lẽ đó, đề thi tham khảo môn Lịch sử nhận được rất nhiều sự quan tâm từ giáo viên và học sinh.

Phân tích đề tham khảo môn Lịch sử mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo, cô Hoàng Thị Lan Hương, Tổ trưởng Lịch sử Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội cho biết, cấu trúc đề được chia thành 2 phần rõ rệt.

Phần thứ nhất gồm 24 câu đầu, nhằm kiểm tra kiến thức cơ bản ở mức “nhận biết” và “thông hiểu” chiếm khoảng 60% tổng số câu trong đề thi.

Đề tham khảo môn Lịch sử nằm trọn trong kiến thức chương trình Lịch sử lớp 12. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)

Ở phần này học sinh có học lực trung bình và trung bình khá đều có thể dễ dàng hoàn thành và đạt điểm tối đa là 6/10, phù hợp với yêu cầu xét tốt nghiệp trung học phổ thông.

Với những thí sinh khá, giỏi có thể hoàn thành phần này trong thời gian không quá 20 phút.

Phần thứ hai gồm 16 câu còn lại là những câu hỏi có tính phân loại, đòi hỏi khả năng “vận dụng” và “vận dụng cao” phục vụ cho việc xét tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng.

Những câu vận dụng cao chỉ chiếm tỷ trọng 10% (4 câu), tương đương 1/10 điểm. Như vậy, một học sinh khá có thể đạt được điểm tối đa là 9/10. Một điểm còn lại sẽ dành cho học sinh giỏi.

Đánh giá sâu hơn về nội dung và hình thức đề, cô Hoàng Thị Lan Hương cho rằng, nội dung của đề thi đều nằm trong chương trình Lịch sử lớp 12, không có câu nào nằm trong phần giảm tải.

Các câu của đề thi bao quát chương trình, nằm trong tất cả các chương.

Đây là điều đối lập hoàn toàn với hình thức tự luận. Hình thức thi trắc nghiệm năm nay của Bộ tránh cho người học tâm lý phải lo học tủ, học lệch, đảm bảo đánh giá khách quan, công bằng, đánh giá đúng năng lực, phân loại được trình độ của thí sinh” - cô Hương cho hay.

Về mặt nội dung, theo cô Nguyễn Kim Tường Vy, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hiền, Thành phố Hồ Chí Minh, đề tham khảo môn Lịch sử kì thi trung học phổ thông quốc gia được xây dựng theo ma trận đề hợp lí, bám sát chương trình học.

Nội dung cơ bản được trải đều trong các chủ đề lịch sử, xoáy vào những vấn đề trọng tâm nhất.

Các câu hỏi trong đề thi đã kiểm tra khá toàn diện các vấn đề về kinh tế, chính trị, quân sự của Đảng và Nhà nước ta qua các thời kì lịch sử.

Dạng đề tham khảo lần này, lịch sử thế giới chiếm 30%; lịch sử Việt Nam chiếm 70% là hợp lí.

Phần Lịch sử Việt Nam, nội dung tập trung vào các giai đoạn lớn của lịch sử dân tộc từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến năm 2000. Trong đó, phần lớn câu hỏi thuộc vào thời kì 1930 - 1975.

Các câu hỏi ở phần Lịch sử Việt Nam dàn đều các cấp độ và gần như bao phủ các câu hỏi ở cấp độ khó, độ phức tạp và khả năng gây nhiễu cao, điều này đòi hỏi học sinh không chỉ có kiến thức đơn thuần về một sự kiện mà phải hiểu sự kiện, có khả năng tổng hợp, phân tích, so sánh để giải quyết vấn đề mà đề bài đưa ra.

Trong số 40 câu hỏi của đề thi tham khảo không có câu hỏi nào sử dụng tư liệu lịch sử.

Tất cả dữ liệu đưa ra đều là các “kiến thức lịch sử” được trình bày trong sách giáo khoa dưới dạng giản lược.

Các câu hỏi vì thế chủ yếu kiểm tra khả năng ghi nhớ của học sinh đối với không gian, thời gian, nội dung sự kiện.

Tỉ lệ câu hỏi về “cái gì”, “nào”, “nhằm” chiếm một tỉ lệ rất lớn (33/40) đã phản ánh khách quan điều đó” - cô Tường Vy cho hay.

Nhìn chung, Đề thi tham khảo lần thứ ba là một đề hay, khoa học, bao quát, bám sát chương trình, có đầy đủ các mức độ nhận thức nhằm phân loại chất lượng học sinh, đáp ứng yêu cầu phân hóa cho hai mục tiêu thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học…

Nếu không có sự ôn luyện kĩ càng thì khó có thể đạt được điểm khá. Vì thế, các em phải cố gắng hơn nữa để nắm kiến thức một cách toàn diện và thấu hiểu được bản chất của vấn đề mới có khả năng đạt điểm cao.

Để chất lượng đề được tốt hơn nữa, cô Nguyễn Kim Tường Vy nêu ý kiến, Bộ nên công khai việc sử dụng kiến thức theo sách giáo khoa cơ bản và các phần giảm tải theo như cách thi tự luận cũ.

Ngoài ra, bổ sung thêm một số câu hỏi mang tính “vận dụng” dạng lựa chọn - nhận định.

Hồng Ngọc

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/de-tham-khao-mon-lich-su-khong-co-co-may-cho-hoc-tro-hoc-tu-post176683.gd