Để tái cơ cấu nền kinh tế thực chất, hiệu quả

Bình luận về các giải pháp phát triển KT-XH nêu tại Báo cáo của Chính phủ trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm. *Video Clip cuộc phỏng vấn

Thưa ông, để tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất hiệu quả, trong báo cáo kinh tế-xã hội trước Quốc hội ngày 20/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Ông đánh giá thế nào về những giải pháp này?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Báo cáo của Thủ tướng lần này chỉ khá rõ và toàn diện cơ cấu lại nền kinh tế đất nước, đặc biệt là nêu những giải pháp có tính định hướng rõ ràng, tạo nên điều kiện cũng như động lực để chúng ta có thể thực hiện chủ trương này tốt hơn và có kết quả cao hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, 3 trọng tâm tái cơ cấu thời gian qua chưa đạt được mục tiêu đặt ra, đó là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu tài chính ngân hàng. Theo ông, cốt lõi thời gian tới chúng ta cần làm gì?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Tái cơ cấu thời gian vừa qua đã có những chuyển biến và kết quả bước đầu. Một cách khái quát, trong 3 lĩnh vực đó thì lĩnh vực tái cơ cấu tài chính ngân hàng có kết quả rõ nét hơn, nhất là chúng ta tránh được sự đổ vỡ.

Việc thực hiện chưa tạo được bước đột phá, chưa có những kết quả rõ nét trên cả 3 lĩnh vực có 3 nguyên nhân. Một là hệ thống chính sách cơ chế và luật lệ của chúng ta chưa có đủ điều kiện, và chưa đủ sức để giải quyết vấn đề một cách đồng bộ, triệt để hơn. Thứ hai là cách điều hành từ Trung ương đến các bộ, ngành, địa phương chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, có nhiều vấn đề chúng ta phải giải quyết đồng thời. Nhưng trọng tâm nhất là thái độ kiểm tra, ý thức kiểm tra và sự đồng đều trong tổ chức thực hiện.

Vừa rồi Chính phủ, nhất là Thủ tướng đã rất quyết liệt thông qua tư tưởng chỉ đạo cũng như ban hành các giải pháp có tính chất định hướng cũng như cụ thể đã góp phần tạo nên nhận thức mới, động lực mới và khả năng thực hiện mới. Biến nhận thức của Thủ tướng thành giải pháp chính sách cụ thể không phải của Chính phủ nói chung mà của các bộ, ngành, địa phương. Thêm nữa, phải có kỷ cương thực hiện rất nghiêm để giúp cho việc cơ cấu của chúng ta đi đúng hướng.

Đầu tư công cũng là 1 trong 3 trọng tâm. Vậy làm sao để cân đối đầu tư công và vấn đề nợ công, thưa ông?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Thực ra nợ công đang chạm sàn, nó có thể vượt sàn. Hơn thế nữa, chúng ta đang bội chi ngân sách. Chúng ta đang mở ra các công trình lớn, những công trình ngốn rất nhiều vốn để xây dựng hạ tầng, để hội nhập. Muốn vẫn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và bảo đảm được nợ công trong tầm kiểm soát của chúng ta thì có 3 việc làm rất quan trọng. Một là chúng ta phải xử lý tốt hoặc xử lý có phương pháp các tồn tại hiện nay trong chi tiêu công. Hai là phải có cơ chế, chính sách trong việc chi tiêu ngân sách, chi tiêu công, trong việc xây dựng các công trình dự án lớn, vừa bảo đảm khả năng thực hiện của chúng ta nhưng vẫn nằm trong khả năng ngân sách, kết hợp giữa ngân sách nhà nước với tín dụng cũng như huy động toàn xã hội. Vấn đề thứ ba, chúng ta phải làm liên tục, đồng thời trong các thời kỳ, nhất là thời kỳ này là tạo được sự công bằng, công khai, dân chủ, minh bạch, kỷ cương để chúng ta động viên một cách tích cực các nhân tố có thể đóng góp tích cực.

Một trong các nhóm giải pháp là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, nợ xấu và các hoạt động yếu kém của một số tổ chức tín dụng được cho là chưa giải quyết triệt để. Vậy đâu là nguyên nhân và làm sao để tháo gỡ nút thắt này thưa ông?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Quan trọng nhất hiện nay đối với lĩnh vực này là chất lượng. Vừa qua chúng ta giải quyết cơ cấu lại hệ thống tổ chức tài chính mới làm ở bước chặn những cái có thể gây ra đổ vỡ của nền kinh tế, hay là trong lĩnh vực ngân hàng mới đang chặn rất tốt những ngân hàng yếu kém. Nhưng chất lượng toàn bộ hệ thống ngân hàng, sự cạnh tranh của hệ thống ngân hàng, vị thế của chúng ta trong khu vực và thế giới còn khoảng cách xa. Bây giờ, vấn đề đối với hệ thống tài chính trong đó có ngân hàng, trước hết là ngân hàng thương mại, là phải nâng được chất lượng, nâng được tính hiệu quả. Nó sẽ giải quyết nợ xấu, làm nợ xấu không phát sinh nữa, nợ xấu đã có sẽ giảm xuống. Đây chính là nút rất quan trọng, làm giảm nhu cầu tăng trưởng và làm nền kinh tế của chúng ta khó khăn.

Chúng ta đang ngày càng tham gia mạnh mẽ hơn nữa quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Vậy làm sao để tái cơ cấu kinh tế gắn kết hơn nữa với hội nhập kinh tế quốc tế?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Trước hết chúng ta phải nhìn rõ khuyết điểm, ưu điểm, thế mạnh, thế yếu của chúng ta, nhất là chúng ta từ một nền nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ đi lên, những yếu thế của chúng ta trong cạnh tranh với kinh tế khu vực và thế giới. Thứ hai là chúng ta phải tiếp cận nhanh với luật lệ, cơ chế, với trình độ khoa học kỹ thuật, năng suất, với chất lượng nguồn lực của thế giới, nó có tiêu chí, tiêu chuẩn rất khắt khe. Chúng ta phải tìm cách khắc phục những tồn tại nhưng phải nâng tầm chúng ta lên ngang tầm khu vực và thế giới.

Như ông vừa trao đổi, hạn chế của chúng ta là xuất phát điểm từ nền nông nghiệp lạc hậu và sản xuất nhỏ lẻ. Chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp đã được đưa ra từ rất lâu rồi nhưng việc thực hiện chưa được hiệu quả như mong muốn. Vậy theo ông tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cần được tăng cường triển khai ra sao?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Tái cơ cấu nông nghiệp đã được chủ trương rất sớm, là nền tảng của nền kinh tế đất nước. Nhưng tái cơ cấu nông nghiệp yếu cả về vốn cũng như yếu về khoa học kỹ thuật, yếu cả về chất lượng nguồn lực và cách điều hành quản lý. Hiện nay, vấn đề này đã bắt đầu được khắc phục và chững lại được nhưng chưa phải là bền vững. Muốn đi lên bền vững thì chúng ta cần thực hiện những chiến lược đột phá của nghị quyết đại hội XI, XII, phải đi vào thể chế, hạ tầng, chất lượng. Chúng ta phải chú ý, rất coi trọng điều hành ngành nông nghiệp vì nông nghiệp liên quan đến rất nhiều lĩnh vực và là khâu khó khăn nhất vì nó phụ thuộc hoàn toàn vào thiên tai, dịch bệnh và rất dễ rủi ro. Chúng ta phải rất chú ý đến việc tạo ra cơ sở để phát triển lâu dài, có tính chất bền vững thì mới có thể cạnh tranh được và mới có thể bảo đảm tái cơ cấu nông nghiệp theo đúng hướng và phát huy được kết quả của nó.

Xin cảm ơn ông./.

Ngọc Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/de-tai-co-cau-nen-kinh-te-thuc-chat-hieu-qua/289610.vgp