Để quê Bác sớm trở thành trung tâm du lịch của cả nước

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp tháng 5 hằng năm, tấp nập những đoàn du khách trong và ngoài nước lại náo nức hành hương về Làng Sen, huyện Nam Đàn (Nghệ An) với tâm nguyện thành kính, nhớ Bác khôn nguôi. Kim Liên - Nam Đàn đang nỗ lực phấn đấu sớm trở thành trung tâm du lịch của cả nước để đón du khách về với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn khách Bộ Quốc phòng nghe thuyết minh tại Khu di tích Kim Liên.

Đoàn khách Bộ Quốc phòng nghe thuyết minh tại Khu di tích Kim Liên.

Tháng 5 trên quê Bác

Tháng 5, trời trong xanh vời vợi, nắng như rực rỡ hơn với đủ sắc mầu cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu được giăng khắp các nẻo đường trên địa bàn huyện Nam Đàn. Người dân quê Bác đang nỗ lực thi đua, hoàn thành các tiêu chí cuối cùng để sớm trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Nghệ An về đích nông thôn mới. Cổng làng Kim Liên mở rộng chào đón du khách. Trong mắt du khách, quê Bác như một bức tranh căng đầy sức sống với những khu vườn xanh kiểu mẫu nằm cạnh ngôi nhà mái đỏ cùng nhiều công trình được chỉnh trang, làm mới. Những chiếc máy liên hợp đỏ chót đang lướt trên những cánh đồng vàng... Làng Hoàng Trù, làng Sen ngào ngạt hương sắc sen hồng hòa quyện với hương lúa ngày mùa.

Trong dòng người hành hương về thăm quê Bác, có đoàn cựu chiến binh với những bộ quân phục lấp lánh huân huy chương trên ngực áo. Ông Trần Dân Tôn, 74 tuổi, ở xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng (Thái Bình) xúc động: “Gần 10 lần được về thăm quê Bác, nhưng lần nào tôi cũng trong tâm trạng háo hức. Trở về, chúng tôi lại tiếp tục động viên con cháu học tập, làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh để góp phần bảo vệ, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp như mong muốn của Bác trước lúc đi xa”. Nhiều đoàn học sinh tung tăng bên ao sen, ngắm nhìn những mái nhà tranh đơn sơ cùng các kỷ vật lạ lẫm với ánh mắt trong veo, xúc động. Trường tiểu học Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) còn có sáng kiến kết hợp việc thăm quê Bác với kết nạp Đội cho các học sinh xuất sắc ngay tại khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cháu Hà Linh lớp 3A, thay mặt cho hơn 30 đội viên được kết nạp nêu quyết tâm thư: “Được kết nạp Đội là một vinh dự, nhưng được kết nạp ở ngay trên quê Bác càng vinh dự, tự hào hơn. Lại được thăm quê Bác, nghe kể về thân thế, sự nghiệp, nhất là thời thơ ấu của Người. Đây chính là nguồn động viên để chúng cháu cố gắng học tập, xứng đáng là người đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ”.

Đoàn sĩ quan, tướng lĩnh Bộ Quốc phòng dâng hoa tại Khu di tích Kim Liên.

Mắt rưng rưng, chị Lâm Thị Hà, 32 tuổi, cùng các bạn đoàn viên thanh niên quận 4, TP Hồ Chí Minh đều không khỏi bồi hồi: "Được tận mắt thấy những mái nhà tranh in dấu ấn thời gian, đơn sơ, mộc mạc; lại được nghe thuyết minh về thời niên thiếu đầy gian khổ của Bác, là một trải nghiệm đầy thú vị. Đây là dịp để chúng tôi học tập thực tế về tư tưởng, đạo đức của Người; hiểu thêm những giá trị văn hóa truyền thống của quê Bác góp phần tạo nên cốt cách Hồ Chí Minh”.

Quê Bác là khu di tích quốc gia đặc biệt lưu giữ những hiện vật gắn với cuộc sống, sinh hoạt bình dị của Người thời niên thiếu và gia đình. Những ngôi nhà tranh đơn sơ, ao sen ngát hương và vườn cây thơm mùi hoa lá đã tái hiện một phần khung cảnh làng quê Việt thanh bình cuối thế kỷ 19, như níu chân du khách trong và ngoài nước với cảm giác gần gũi, thân thương. M. Chin-đa, sinh viên năm cuối Khoa tiếng Việt và hơn 200 sinh viên nước bạn Lào đang học tập tại Trường đại học Hà Tĩnh lần đầu được đến đây, chia sẻ: “Được về thăm quê hương Bác Hồ, chúng em được hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về đất nước Việt Nam; về quê hương, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về nước, chúng em sẽ tiếp tục giới thiệu cho nhiều bạn bè, người thân sang thăm Việt Nam, thăm quê hương Bác Hồ”.

Các điển hình tiên tiến toàn quân báo công với Bác tại Khu di tích Kim Liên.

Giám đốc Khu di tích Kim Liên Nguyễn Bảo Tuấn cho biết, thời gian qua, Khu di tích được đầu tư bổ sung nhiều hạng mục để khôi phục lại không gian văn hóa Làng Sen và Hoàng Trù của thế kỷ 19 gắn với thời niên thiếu của Bác Hồ. Cảnh quan môi trường luôn bảo đảm xanh, sạch, đẹp. Đội ngũ cán bộ thường xuyên trau dồi nghiệp vụ, đổi mới thái độ phục vụ với phong cách chuyên nghiệp. Vinh dự và tự hào là thuyết minh viên ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, nhiều lần chứng kiến các du khách cảm động, rơi nước mắt khi nghe kể chuyện về Bác Hồ, chị Phan Thị Thủy chia sẻ: “Trước những tình cảm của người dân đối với vị cha già kính yêu của dân tộc, là người trẻ tuổi, tôi lại càng phải tự trau dồi kỹ năng, kiến thức, tìm tòi các tư liệu quý và cố gắng truyền tải một cách sinh động, phong phú nhất để du khách hiểu về Bác và quê hương của người sâu sắc, lắng đọng hơn”.

Xây dựng, phát triển thành trung tâm du lịch

Du khách về thăm quê Bác.

Trong tâm thức của mỗi người dân, Nam Đàn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, cái nôi của phong trào yêu nước, có bề dày lịch sử lâu đời. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều bậc danh nhân, hào kiệt như: Mai Thúc Loan, Phan Bội Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh… Nam Đàn hiện có 24 di tích cấp quốc gia, trong đó hai di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích Kim Liên và Khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu; cùng những giá trị văn hóa phi vật thể phong phú và hấp dẫn như Lễ hội Đền Vua Mai, Lễ hội Làng Sen, các làn điệu Dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh. Đặc biệt, năm 2013, Khu di tích Kim Liên được quy hoạch trở thành khu du lịch quốc gia, hằng năm đón và phục vụ hàng triệu lượt du khách đến tham quan, dâng hương. Nơi đây trở thành một trong những điểm giáo dục truyền thống và tư tưởng, đạo đức cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, là điểm đến đặc thù mang thương hiệu của du lịch Nghệ An.

Du khách về dự lễ hội Làng Sen.

Khu di tích Kim Liên nói riêng và Nam Đàn nói chung nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành. Mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn tỉnh Nghệ An xây dựng Đề án quy hoạch Khu du lịch quốc gia Nam Đàn nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch; đầu tư nâng cấp Khu di tích đặc biệt quốc gia Kim Liên hướng đến kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5- 2020). Ngày 8-5-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản về việc ủy quyền cho UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lập Dự án quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Kim Liên...

Thời gian qua, du lịch Nam Đàn nói chung, Khu di tích Kim Liên nói riêng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có; mới chỉ khai thác được thế mạnh về du lịch tham quan văn hóa, lịch sử. Lượng khách tuy đông nhưng thời gian lưu lại ngắn; hoạt động du lịch mang tính thời vụ. Hệ thống dịch vụ nhỏ lẻ, chất lượng thấp, chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư. Nhận thức và kỹ năng làm dịch vụ du lịch của cán bộ và người dân còn hạn chế. Các sản phẩm du lịch đơn điệu; khai thác thế mạnh tài nguyên, sản vật địa phương, kỹ năng phục vụ và văn hóa giao tiếp ứng xử còn yếu...

Đoàn đại biểu quân đội nghe thuyết minh tại Khu di tích Kim Liên.

Để quê Bác trở thành Khu du lịch quốc gia, điểm nhấn là Khu di tích Kim Liên, thời gian tới tỉnh Nghệ An cần tập trung một số nhiệm vụ gắn với thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; triển khai các nhiệm vụ do Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo. Bên cạnh việc tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để triển khai các dự án hạ tầng du lịch, Nghệ An cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc biệt để đẩy mạnh xã hội hóa trong tôn tạo các di tích lịch sử và đầu tư các dự án khác, không thụ động trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đa dạng hóa các dịch vụ, trong đó tập trung chấn chỉnh và hoàn thiện công tác phục vụ khách tại Khu di tích Kim Liên và các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn; kết nối với các điểm du lịch lân cận để mở rộng không gian du lịch; chú trọng phát triển các loại hình du lịch tham quan, trải nghiệm cảnh quan làng quê, mô hình sản xuất nông nghiệp, làng nghề truyền thống, du lịch trên sông Lam, trình diễn Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương; xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm... Đồng thời, tăng cường quảng bá, hợp tác liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh để kết nối Nam Đàn nói riêng và Nghệ An nói chung với các tuyến du lịch xuyên Việt, quốc tế; chăm lo công tác đào tạo bồi dưỡng kỹ năng làm du lịch cho cán bộ, công chức và người dân Nam Đàn đáp ứng vị thế và nhiệm vụ phát triển du lịch của địa phương trong xu thế hội nhập quốc tế.

Dịp kỷ niệm 127 năm Ngày sinh nhật Bác, lượng du khách đến Khu Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Kim Liên tăng vọt. Bình quân mỗi ngày có hàng trăm đoàn đến tham quan với khoảng từ 3.000 đến 5.000 lượt du khách trong nước và quốc tế về thăm quê Bác.

THÀNH CHÂU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/du_lich/item/32914702-de-que-bac-som-tro-thanh-trung-tam-du-lich-cua-ca-nuoc.html