Để nông sản và trái cây Việt có chỗ đứng ngay trong lòng người Việt

Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi nên 4 mùa đều có đủ các loại trái cây khác nhau. Ở phía Nam có các loại trái cây vùng nhiệt đới, ở phía Bắc có các loại trái cây vùng ôn đới.

Nông dân canh tác cây ăn trái có nhiều kinh nghiệm và trong thực tế đã cho ra nhiều loại trái cây có chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường. Chính vì lẽ này, mà trong các năm vừa qua, dù chỉ mới ở mức độ khiêm tốn, nhưng sản lượng xuất khẩu của trái cây ngày càng tăng và được người tiêu dùng các nước đón nhận một cách tích cực.

Doanh nhân Lê Quốc Phong, Tổng GĐ Công ty CP Phân bón Bình Điền.

Để thực hiện các hiệp định thương mại được ký kết, sắp tới các loại nông sản, trái cây của các nước Asean và Trung Quốc qua lại với nhau thuế suất bằng 0%. Điều này mở ra cơ hội xuất khẩu cho nông sản và trái cây Việt Nam, nhưng cũng là thách thức khi thị trường trong nước bị cạnh tranh bởi nông sản và trái cây của nước khác.

Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích cây ăn trái rất lớn, chiếm gần 40% diện tích của cả nước. Tuy nhiên, đa số các loại cây ăn trái đều cho năng suất không cao, chất lượng chưa tốt, chưa có mùi vị đặc trưng, kích cỡ trái không đều, không đẹp mắt... do canh tác manh mún, chi phí đầu vào thiếu kiểm soát dẫn đến giá thành cao, khả năng cạnh tranh thấp, xây dựng thương hiệu kém nên chưa tạo ra chỗ đứng vững chắc ngay trong thị trường nội địa. Điều này rất dễ tổn thương khi nông sản và trái cây của các nước trong khối xâm nhập vào Việt Nam.

Để hóa giải vấn đề này, trước hết bà con nông dân phải xóa bỏ tập quán canh tác nhỏ lẻ, trồng vườn tạp, hưởng ứng chủ trương quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái tập trung an toàn theo hướng GAP của chính quyền để từ đây có điều kiện ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiểm soát các chi phí đầu vào để giảm giá thành sản xuất cũng như dễ dàng cho việc thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng. Sản xuất tập trung còn thuận lợi cho việc xây dựng chiến lược phát triển thị trường và thương hiệu ở trong nước, từ đó làm cơ sở cho việc xuất khẩu.

Sự thành công của một số trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian vừa qua đều xuất phát từ những mô hình liên kết sản xuất, các hợp tác xã kiểu mới, các trang trại tư nhân... Do đó, để đủ sức cạnh tranh trong một thị trường mở, để nông sản và trái cây Việt được sự ưu ái của người Việt ngay trên thị trường Việt và từ đó tạo chỗ đứng trong thị trường thế giới và để bà con chúng ta có thu nhập ổn định thì không còn cách nào khác là cùng liên kết, cùng tham gia sản xuất tập trung để có điều kiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác cũng như sau thu hoạch, giảm chi phí sản xuất nâng cao chất lượng nông sản và trái cây. Đây chính là một trong những hướng đi tạo nên sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam chúng ta.

Lê Quốc Phong

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/de-nong-san-va-trai-cay-viet-co-cho-dung-ngay-trong-long-nguoi-viet-d49243.html