'Ðệ nhất đào thương' của nghệ thuật cải lương

Cuối những năm 40 của thế kỷ trước, ở vùng Chợ Lớn và quanh khu vực chợ Bến Thành, người ta thường thấy một cô bé trạc 10, 11 tuổi cất tiếng ca bài vọng cổ Trọng Thủy - Mỵ Châu thật ngọt ngào, mùi mẫn với sự phụ họa tiếng đờn lục huyền cầm của một bé trai lớn hơn cô vài tuổi. Thế nhưng, lúc bấy giờ chẳng ai ngờ rằng, cô bé ấy về sau đã trở thành 'Ðệ nhất đào thương' của nghệ thuật cải lương: NSƯT Út Bạch Lan.

Tên thật của NSƯT Út Bạch Lan là Ðặng Thị Hai. Bà sinh năm 1935 trong một gia đình nghèo ở xã Lộc Giang, huyện Ðức Hòa, tỉnh Long An. Hồi nhỏ, vì khó nuôi cho nên bà được một gia đình người quen nhận làm con đỡ đầu và do gia đình đông con, họ thường gọi bà là bé Út hoặc Út Lùn vì bà có thân hình nhỏ bé.

Năm 1945, cha mẹ xa nhau, bé Út theo mẹ rời quê hương Lộc Giang xuống Chợ Lớn - Sài Gòn lập nghiệp. Hằng ngày bà mẹ đi làm thuê làm mướn, còn bé Út thì ai sai gì làm nấy để được cho tiền. Cùng "cư ngụ" trong chợ Bình Tây lúc bấy giờ có thêm hai mẹ con của danh cầm Văn Vĩ. Do cùng cảnh ngộ, hai bà mẹ kết nghĩa chị em, bé Út và Văn Vĩ coi nhau như anh em ruột thịt. Vốn biết ca vài bài vọng cổ, còn Văn Vĩ là tay đờn điêu luyện, bé Út nảy ra sáng kiến rủ anh Văn Vĩ đi hát rong kiếm tiền nuôi mẹ. Không ngờ khi giọng của bé Út cất lên cùng với tiếng đàn ghi-ta phím lõm "mùi mẫn" của danh cầm Văn Vĩ, người qua đường dừng lại lắng nghe và cho tiền rất nhiều. Một ngày nọ, một ông già tốt bụng ở gần chợ Bàu Sen - quận 5 cho hai anh em hát rong mượn chỗ dạy đờn ca. Chẳng bao lâu, lớp dạy đờn ca vọng cổ của Văn Vĩ và bé Út thu nhận gần 30 học trò cùng lứa tuổi. Tiếng lành đồn xa, danh ca cổ nhạc của Ðài phát thanh Pháp Á thời bấy giờ là bà Năm Cần Thơ tìm đến và dẫn hai anh em về đài để thu âm bài vọng cổ Trọng Thủy - Mỵ Châu rồi ký luôn hợp đồng làm việc cho đài. Nghệ sĩ Thành Công - danh ca vọng cổ thời đó gợi ý đặt nghệ danh cho bé Út là Bạch Lan, nhưng bé Út xin phép đặt thêm chữ "Út" là tên thường gọi của bà ở nhà thành Út Bạch Lan. Năm ấy bà mới tròn 11 tuổi.

Khi bước vào nghiệp cầm ca, NSƯT Út Bạch Lan nhanh chóng nổi danh nhờ giọng ca truyền cảm, ngọt ngào. Song song với công việc thu âm cho Ðài phát thanh, năm 1952, bà bắt đầu theo gánh hát cải lương Kim Khánh của ông bầu Cang với các nghệ sĩ nổi tiếng như: Kim Nên, Thu Ba, Hồng Vân, Ngọc An. Sau đó, bà chuyển qua gánh Tơ Huệ, rồi về cộng tác với gánh Kim Thanh do bốn ngôi sao cải lương làm bầu là Út Trà Ôn, Thanh Tao, Kim Chưởng và Thúy Nga. Tại đây, bà được soạn giả Viễn Châu viết cho hai câu vọng cổ ca trong hai vở tuồng Ðời cô Nga và Tình vương hoa thắm theo kiểu "đo ni đóng giày", và nhờ hai câu vọng cổ này mà danh tiếng của Út Bạch Lan ngày càng vang xa hơn. Cuối năm 1955, Út Bạch Lan chuyển qua gánh Thanh Minh của bà bầu Thơ, hát đào thương và thành công trong các vở tuồng như: Biên Thùy nổi sóng, Cung đàn trên sông lạnh, Người đẹp Bạch Hoa Thôn, Hoa Mộc Lan, Sơn nữ Phà Ca… Năm 1958, bà về gánh Kim Chưởng hát chính trong các vở: Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản tình ca,… Ðây là giai đoạn mà báo chí kịch trường tôn tặng cho bà nhiều danh hiệu như: "Nữ hoàng vọng cổ", "Ðệ nhất đào thương", "Nữ hoàng sầu mộng", "Sầu nữ Út Bạch Lan", "Vương nữ sương chiều"…

Năm 1961, NSƯT Út Bạch Lan lập gánh Út Bạch Lan - Thành Ðược. Bà tiếp tục được người trong giới và khán giả mến mộ qua các vở: Khi rừng mới sang thu, Khi hoa anh đào nở, Trăng sương cầu chúc... Sau đó, bà về hát chính cho gánh Thanh Minh - Thanh Nga. Riêng giai đoạn này, "sầu nữ" Út Bạch Lan tạo một dấu ấn sâu đậm trong lòng người ái mộ qua bài vọng cổ nói về cuộc đời của bà, đó là bài Hoa Lan trắng, được soạn giả Viễn Châu biên soạn dành tặng riêng cho bà. Những năm 80 và những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, Út Bạch Lan biểu diễn và chỉ đạo nghệ thuật cho một số đoàn Cải lương Sài Gòn 1, Long An 2 và CLB Cải lương thuộc Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh. Sau đó, vì tuổi cao, bà tạm ngừng tham gia đoàn hát và hoạt động nghệ thuật tự do cho đến ngày hôm nay.

Hơn 70 năm gắn bó với cầm ca, giới mộ điệu cải lương nhớ đến Út Bạch Lan không chỉ vì yêu mến những vai diễn dạt dào cảm xúc, mà còn ngưỡng mộ giọng ca ngọt ngào, mang đậm chất bi thương của người nghệ sĩ tài hoa này. Ngoài chất giọng thiên phú, mùi mẫn, nghệ thuật ca vọng cổ của Út Bạch Lan rất nhẹ nhàng, bà ca như nói, trong đó ấn tượng nhất là cách nhấn dấu "sắc" lửng rất hay, vút lên rồi nhẹ nhàng rơi rơi như chiếc lá bay nhè nhẹ. Khi ca vọng cổ, thông thường cách hành văn, sắp nhịp của những nghệ sĩ nữ "hiền" hơn các giọng ca nam, chủ yếu là diễn cảm, ca cho ra cái thần của nhân vật, diễn tả được nội dung bài hát muốn thể hiện, ít có người áp dụng những kỹ thuật luyến láy, sắp nhịp độc đáo. Thế nhưng, "sầu nữ" Út Bạch Lan là một trường hợp ngoại lệ. Bà ca vừa cao, vừa ngọt, vừa mùi nhưng cũng vừa điêu luyện trong cách hành văn, sắp nhịp. Giọng ca của người nghệ sĩ ở quê hương Long An cho tới nay vẫn là một chuẩn mực, thể hiện đẳng cấp cao của nghệ thuật ca vọng cổ chính thống. Thậm chí, cách ca của bà đã tạo lập một trường phái riêng vì có nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm.

Những năm gần đây, ở tuổi ngoài 80, dù mang trong mình căn bệnh nan y, nhưng mỗi khi thấy khỏe trong người, nơi nào mời hát từ thiện bà cũng cố gắng đến. Bà luôn mong muốn được đứng trên sân khấu, dìu dắt thế hệ trẻ làm nhiều suất hát thiện nguyện thật ý nghĩa. Ngày 4-11-2016, NSƯT Út Bạch Lan đã qua đời tại nhà riêng, sau một thời gian chống chọi với bệnh tật. Sân khấu Cải lương Nam Bộ đã vĩnh viễn mất đi một đại thụ, một "nghệ sĩ của nhân dân".

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tphcm/item/31199202-%c3%b0e-nhat-dao-thuong-cua-nghe-thuat-cai-luong.html