Để nhà giáo sống được bằng nghề

(GD&TĐ) - Không phủ nhận rằng người thầy quyết định chất lượng GD-ĐT. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và ngành GD đã có nhiều cố gắng, thực hiện tốt các chính sách, chế độ đãi ngộ để giữ chân nhà giáo với nghề trồng người cao quí. Thế nhưng, chính sách sử dụng và đãi ngộ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn những bất cập, khiến đời sống của đội ngũ nhà giáo còn khó khăn. Đời sống GV, nhất là đội ngũ GV vùng sâu, vùng xa, GV sống ở 62 huyện nghèo nhất cả nước còn chênh lệch quá lớn so với các vùng miền khác. Bởi vậy, đảm bảo và nâng cao hơn nữa đời sống của GV là vấn đề được đặt ra cấp thiết.

Chật hẹp chính sách cho nhà giáo

Nước ta hiện nay đội ngũ CB, GV có hơn một triệu người. Có thể thấy, với đội ngũ CB, GV hiện nay tuy đời sống đã có nhiều cải thiện song những bất cập của nghề khiến không chỉ các nhà quản lý mà ngay cả đội ngũ cũng trăn trở. Nổi lên rất rõ đó là bất cập về lương và thu nhập, sức thu hút ngành nghề còn hạn chế, bất cập về chế độ chính sách đãi ngộ dành cho nhà giáo hiện nay.

GS Hoàng Tụy trong nhiều cuộc họp với lãnh đạo ngành GD-ĐT đã chỉ rõ hiện nay chính sách đối với nhà giáo còn nhiều bất cập. Đặc biệt chính sách về luân chuyển GV, CB quản lý GD từ vùng KT-XH khó khăn về vùng thuận lợi và ngược lại là một minh chứng rõ nét. Chính sách bất cập, tính khả thi không cao. Thêm vào đó, văn bản pháp qui hoặc ban hành chưa đồng bộ chính sách khuyến khích, ưu đãi, tôn vinh nhà giáo và CB quản lý nên khiến một bộ phận nhà giáo chưa an tâm, bám trụ lâu dài với nghề, nhất là GD vùng khó đang cần số lượng lớn GV cắm bản

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang Lương Văn Soòng chia sẻ: Theo điều 9 Nghị định 61/2006/NĐCP của Chính phủ về luân chuyển GV, hiện tại tỉnh còn hàng nghìn GV và CBQL đã hoàn thành thời hạn công tác ở vùng khó khăn, có nguyện vọng luân chuyển nhưng chưa được giải quyết. Đề nghị Nhà nước bổ sung, sửa đổi lại Nghị định này cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời phải có chính sách động viên những đối tượng không thực hiện luân chuyển được.

Nhà ở của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thúy- Nà Khoa- Điện Biên. Ảnh BK

Theo TS. Phạm Văn Thanh, Phó Chủ tịch Công đoàn GDVN: Bất cập về lương và thu nhập cũng là vấn đề nóng của ngành hiện nay. Đối với GD phổ thông, thang, bậc lương của nhà giáo chưa phải hoàn toàn là cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính, sự nghiệp. Chẳng hạn khung lương GV Tiểu học được xếp 12 bậc lương và vượt khung 5%, 7%, 9% và 11% thấp hơn bậc lương của 24 chức danh cùng viên chức loại B.

Tương tự, GV THPT được xếp 9 bậc và vượt khung 5%, 8% trong 53 chức danh cùng được xếp chung, thì không cao hơn bậc lương của chức danh cùng loại nào. Ngạch lương GV trung học cao cấp được xếp 8 bậc lương và vượt khung 55, 8%, 11% có 18 chức danh cùng được xếp chung, thấp hơn bậc lương của 28 chức danh cùng loại công chức, viên chức A2.

Thêm vào đó, GV THPT chỉ có 2 chức danh GV THPT và GV THPT cao cấp nên khi chuyển xếp lương có nhiều người sẽ bị thiệt thòi. Sau khi chuyển đổi lương mới, GV không được tổ chức thi nâng ngạch đều như nhiều ngành khác nên số lượng và tỉ lệ GV THPT được xếp tiền lương ở ngạch GV còn thấp, nhất là năm 2011 mới tổ chức thi nâng ngạch cho họ. Những GV đã học tập có trình độ chuẩn, trên chuẩn là Th.S, TS nhưng không được nâng ngạch nên rất thiệt thòi. Chênh lệch về hệ số lương giữa các bậc lương trong ngạch còn thấp, số năm GV hưởng vượt khung quá dài…vv.

Khảo sát cho thấy, thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp của giáo viên từ 3-3,5 triệu đồng/tháng. GV có thâm niên trong nghề sau 25 năm mới có mức lương 4,1-4,7 triệu đồng/tháng. GV mới ra trường ở cả ba cấp học, cộng cả phụ cấp đứng lớp 30-35% tổng mức lương nhận được khoảng 2,5 triệu/tháng. Có 50% số giáo viên trong diện khảo sát lương thấp hơn mức lương bình quân.

Đâu là giải pháp?

Chính vì thu nhập thấp nên đời sống GV gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời buổi vật giá leo thang. Không ít GV đã bươn chải, bỏ nghề giáo để chuyển sang nghề khác có thu nhập cao hơn. GV phải tổ chức dạy thêm, học thêm nhưng chỉ là những GV dạy môn khoa học tự nhiên, ngoại ngữ mà thôi và cũng chỉ diễn ra ở các thành phố lớn, dân trí cao, thu nhập cao.

Theo GS Hoàng Tụy, dù muộn cũng hơn không, phải cải thiện chế độ lương cho GV. Vì mặc dù hiện nay có một bộ phận GV có thu nhập ổn định, nhưng phần lớn không phải từ lương mà từ việc làm thêm bên ngoài nhà trường. Ở những nơi GV không thể làm thêm đời sống khó khăn, bấp bênh.

Do thu nhập thấp nên sức thu hút thí sinh vào nghề sư phạm trong những năm gần đây có chiều hướng ngày càng giảm. Chất lượng đầu vào giảm, điểm xét tuyển thấp hơn so với các khoa, trường đào tạo kỹ thuật, ngân hàng, tài chính, CNTT. Việc giữ chân sinh viên giỏi vì thế cũng rất khó. Việt Nam đã, đang đứng trước nguy cơ chảy máu chất xám bởi lực lượng không nhỏ học sinh giỏi từng đoạt giải Olympic quốc tế, du học sinh không về nước, đi làm cho các cơ sở nước ngoài để có điều kiện làm việc tốt hơn và thu nhập cao hơn.

PGS. Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, rằng nếu một nền giáo dục mà mọi thứ đều “hoành tráng”, chỉ trừ ông thầy vốn là học sinh phổ thông trung bình, vào nghề một cách bất đắc dĩ, vừa dạy học vừa bươn chải kiếm sống thì có thể nói một cách quả quyết là nền giáo dục đó không có tương lai.

Vì vậy, việc sửa đổi tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, cải thiện điều kiện làm việc, cải cách công tác đào tạo, tuyển dụng và bồi dưỡng... là những điểm quan trọng cần quan tâm để “chấn hưng nghề dạy học”. Vì lao động vất vả, nhiều áp lực, nhưng thu nhập thấp là nguyên nhân chính khiến những năm gần đây không còn nhiều người trẻ muốn vào học sư phạm. Trong đó những người có tâm huyết lại càng ít.

Nhiều thầy cô giáo miền núi đang dạy học trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn CSVC. Ảnh BK

NGƯT Phan Tất Ân, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La khi còn sống ông luôn trăn trở: Muốn nâng cao chất lượng GD, nhất là vùng núi, vùng sâu, vùng xa thì phải quan tâm chăm lo đến đời sống GV. Thầy lý giải: Khi và chỉ khi cuộc sống của GV có no đầy mới đầy đặn lương tâm nghề nghiệp. Nhà nước cho GV cuộc sống no đầy họ mới yên tâm làm GD được. GD là một nghề, như trăm nghề khác. Do đó, người ta phải sống đường hoàng bằng nghề mới tập trung tâm huyết với nghề. Vì mất nghề sẽ mất cuộc sống. Trong cơ chế thị trường hiện nay lương tâm thì có nhưng lương tâm nghề nghiệp chỉ có khi cho họ cuộc sống đầy đủ.

TSKH Vũ Ngọc Hải, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng nhận định: Chính sách sử dụng và đãi ngộ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn có những bất cập, chưa tạo động lực cho đội ngũ này xây dựng và phát triển nền giáo dục chất lượng. Điều kiện làm việc và sinh sống của đội ngũ nhà giáo đang rất đáng lo ngại, nhất là nhà giáo ở các vùng núi, vùng xa và hải đảo. Vì thế, cần chuẩn hóa các chính sách thu nhập, đảm bảo lương cho đội ngũ nhà giáo tương đồng với các ngành nghề khác.

Đề án kiên cố hóa trường học, lớp học và nhà công vụ cho GV giai đoạn 2008 - 2012 với mục tiêu: Giải quyết nhà công vụ cho giáo viên ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, các huyện miền núi ở các tỉnh miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên, các xã có nhiều đồng bào dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương khác cũng đã góp phần không nhỏ nâng cao đời sống cho GV.

Rõ ràng, để nhà giáo sống được bằng nghề thì cần có chính sách đồng bộ, chế độ đãi ngộ hợp lý để thu hút nhân tài cho ngành GD, và cũng là để giữ chân GV vùng khó.

Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho GV giai đoạn 2008 – 2012 đã triển khai xây dựng được 75.932 phòng học và 21.435 phòng công vụ. Trong đó, số phòng công vụ đã hoàn thành đưa vào sử dụng là 17.222 phòng (đạt 71,2%); số đang xây dựng và chưa triển khai là 7.000 phòng.

Hoàng Linh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2741/201212/De-nha-giao-song-duoc-bang-nghe-1965945/