Để người nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng

Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần phải có một lượng vốn lớn; trong đó nguồn vốn tín dụng đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Tìm cách tháo gỡ để người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng

Tại Hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức sáng 30/10, nhiều ý kiến nêu cần phải tìm cách tháo gỡ để người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp thành công.

Khó tiếp cận nguồn vốn tín chấp

Theo ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam, đến 30/9, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đạt trên 925.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và tăng 13,43% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 18% dư nợ cho vay nền kinh tế. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 153.306 tỷ đồng, tăng 7,56% so với 2015. Trong đó, tính đến hết tháng 6.2016, dư nợ cho vay tại tất cả các xã phục vụ xây dựng nông thôn mới đạt 660.667 tỷ đồng, tăng 15,22% so với thời điểm cuối năm 2015.

Tỉ lệ nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn 1,53%, thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu toàn nền kinh tế. Còn riêng với người nông dân vay của ngân hàng Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân thông qua Hội Nông dân Việt Nam nợ quá hạn chỉ có trung bình 0,32%, đây là con số rất lý tưởng. Tuy nhiên, qua triển khai chính sách còn một số vướng mắc.

Bà Trịnh Thị Mý - Quế Võ, Bắc Ninh, nông dân xuất sắc cho biết, xã Phù Lương là xã rất khó khăn, gia đình tôi làm nghề chăn nuôi là chính. Chúng tôi đã tiếp cận nguồn vốn của Agribank cách đây gần 10 năm. Trước đây chỉ vay được 50 triệu, tháng 9 vừa qua mới đầu tư lớn 20 tỷ, tổng diện tích 7 ha và hiện vay dư nợ là 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, để mở rộng quy mô sản xuất, chúng tôi đã phải sử dụng 6 bìa đỏ, diện tích 4.200m2 và có cả nhà kiên cố mới vay được vốn.

Hiện Nghị định 55 đã có cơ chế cho vay tín chấp nhưng chúng tôi chưa tiếp cận được nguồn vốn tín chấp. Vì vậy cần có chính sách cấp bìa đỏ cho trang trại chăn nuôi cách xa trong khu dân cư với thời hạn 50 năm để có thể dùng làm tài sản thế chấp vay vốn. Bên cạnh đó, Hội Nông dân quan tâm đầu ra thực phẩm trong nước; có chế tài xử lý thật nặng việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Cần thành lập ngân hàng đất

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội, nông dân của chúng ta có nông dân trồng lúa, chăn nuôi, trồng trọt cây ăn quả khác. Ở đây mới nói tới mô hình hộ kinh doanh chứ chưa nói tới vấn đề vươn lên doanh nghiệp lớn. Chưa có ý thức tham gia vào chuỗi giá trị của sản phẩm để có thể chia sẻ rủi ro và vấn đề thị trường.

Vừa qua, chúng tôi có đi nghiên cứu ở 23 tỉnh trên cả nước, qua đó cho thấy có 3 vấn đề: Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, trung bình có tới 2,7 hộ trên một mảnh ruộng, trung bình chưa tới 2.000 m2, còn ở miền Tây Nam Bộ tương đương 7 - 8.000 m2. Mỗi khi mất mùa, phải ứng trước sổ đỏ đặt vào ngân hàng. Vấn đề ở đây là phải có sự chia sẻ, đưa tư duy sản xuất công nghiệp vào nông nghiệp. Nếu chỉ đặt vấn đề yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất, tiêu chí, điều kiện cho vay thì thực ra không minh bạch, công bằng lắm.

Cũng theo TS Kiên, ở góc độ nghiên cứu, tại sao trong sản xuất công nghiệp sẵn sàng cổ phần hóa doanh nghiệp và chuyển giao tài sản ấy cho những chủ sở hữu khác. Tức là ai sử dụng tài sản ấy hiệu quả nhất thì phân công. Tại sao ở trong nông nghiệp lại không áp dụng như thế. Miền Bắc thì dồn điền đổi thửa, còn ở An Giang có cánh đồng mẫu lớn.

"Qua nghiên cứu, phần đông ở miền Bắc và miền Tây Nam Bộ chỉ còn người già và trẻ con ở khu nông nghiệp. Nên chăng thành lập ngân hàng đất để ngân hàng đất cho các doanh nghiệp thuê lại để sản xuất lớn", TS Nguyễn Đức Kiên phân tích.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN: Tới đây, NHNN sẽ tập trung vốn tín dụng với cơ chế chính sách có ưu đãi một cách phù hợp, chứ không tràn lan ở các lĩnh vực trọng tâm như xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đặc biệt là cho vay các dự án, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Một chuỗi liên kết có thể có nhiều thành phần tham gia nhưng quan trọng là lợi ích các bên tham gia, khi có lợi ích thì người ta sẽ tham gia. Ngân hàng như sợi dây tạo ra lợi ích cho các bên tham gia chuỗi liên kết này.

P.Linh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/de-nguoi-nong-dan-de-dang-tiep-can-nguon-von-tin-dung-44608.html