Để người dân sống được bằng nghề rừng

Chi trả dịch vụ môi trường rừng còn thấp khiến người dân không sống được với nghề trồng rừng.

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tham gia Hội thảo "Phổ biến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần quản lý rừng bền vững và cải thiện sinh kế đồng bảo dân tộc thiểu số vùng cao" do Hội Khoa Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 27/6.

Ông Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam phát biếu tại hội thảo

Theo thống kê, có 62,5% diện tích rừng được thanh toán trên tổng số hơn 5,2 triệu ha rừng đã được nhận tiền từ Ban quản lý quỹ để thực hiện các hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng với giá 200.000 đồng/ha/năm.

Nếu một hộ gia đình được giao hoặc khoán trung bình khoảng 10 ha rừng để bảo vệ thì thu nhập của họ sẽ là 2 triệu đồng/hộ/năm, khoảng 166.000 đồng/hộ/tháng.

Rõ ràng, mức chi trả này chưa tạo đủ động cơ cho các cá nhân và tổ chức cung cấp dịch vụ môi trường rừng.

Ngoài ra còn tồn tại một số vấn đề liên quan đến tính minh bạch trong việc sử dụng quỹ thu được và tính công bằng trong sự tham gia của người dân trong việc thực thi chính sách.

Ông Triệu Văn Hùng – Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, mục đích quan trọng nhất của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) trong 5 năm qua là thực hiện thanh toán tiền cho người dân trực tiếp bảo vệ rừng.

Các doanh nghiệp đã hạch toán chi phí chi trả dịch vụ môi trường rừng trong giá sản phẩm và mọi công dân trong xã hội sử dụng các sản phẩm này đã thanh toán bằng hóa đơn.

Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã trở thành động lực để bảo vệ rừng, ngăn chặn sự suy giảm diện tích rừng và suy thoái chất lượng rừng tự nhiên còn lại, đối phó với những tác động của biến đổi khí hậu.

Hầu hết các hộ gia đình nhận tiền từ chi trả dịch vụ môi trường rừng đã nhận ra rằng nguồn tiền này là từ các doanh nghiệp sử dụng PFES và nỗ lực bảo vệ rừng để duy trì nguồn nước cho sản xuất của doanh nghiệp. Số tiền mà người dân nhận được từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, họ sử dụng để đầu từ vào nông nghiệp, giáo dục trẻ em, ổn định sinh kế và cải thiện điều kiện sống.

Ông Triệu Văn Hùng – Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam

Từ năm 2004, Việt Nam đã thiết lập cơ sở pháp lý nhằm thực hiện chương trình quốc gia về chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) thông qua Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi (2004).

Mục tiêu của PFES tại Việt Nam là: bảo vệ diện tích rừng hiện có, nâng cao chất lượng rừng, gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp vào nền kinh tế quốc dân, giảm nhẹ gánh nặng lên ngân sách Nhà nước cho việc đầu tư vào bảo vệ và phát triển rừng và đảm bảo an sinh xã hội của người làm nghề rừng.

Các loại dịch vụ môi trường phải chi trả gồm:

1. Phòng hộ đầu nguồn (gồm bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết và duy trì nguồn nước cho hoạt động sản xuất và đời sống xã hội)

2. Bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho du lịch

3. Hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái và giảm diện tích rừng và phát triển rừng bền vững;

4. Dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên và nguồn nước từ rừng cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/lien-hiep-hoi/de-nguoi-dan-song-duoc-bang-nghe-rung-3338156/