Đề nghị quy định cụ thể hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành

Đây là nội dung đáng chú ý được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt ra khi thẩm tra về Dự án Luật Quản lý ngoại thương.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 27-10. Ảnh: T.Bình.

Bảo đảm quyền tự do xuất nhập khẩu

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, sáng nay (27-10), thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trình bày trước Quốc hội về Dự án Luật Quản lý ngoại thương.

Ông Trần Tuấn Anh cho biết: Trong bối cảnh, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, lần đầu tiên, Dự án Luật đã khẳng định quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu (XNK), thương nhân chỉ bị hạn chế nếu thuộc các trường hợp mà Luật này cấm hoặc tạm ngừng.

“Việc quy định quyền tự do kinh doanh XNK tại dự thảo Luật là phù hợp với tinh thần Hiến pháp, phù hợp với tinh thần tiến bộ của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp”- Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Liên quan đến các biện pháp cấm hoặc hạn chế XNK, ông Trần Tuấn Anh cho biết: Việc cấm XNK hàng hóa chỉ áp dụng đối với các trường hợp liên quan đến hàng hóa an ninh, quốc phòng chưa được phép, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, môi trường, sức khỏe cộng đồng...

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định rõ một số trường hợp ngoại lệ cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định việc XNK đối với hàng hóa thuộc danh mục cấm XNK vì mục đích phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh; XNK đối với các khu hải quan riêng.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đảm bảo sự linh hoạt trong điều hành khi có quy định về việc tạm ngừng XNK có thời hạn. Do có tính thời điểm rất cao nên việc áp dụng biện pháp tạm ngừng XNK phải được quyết định theo một quy trình nhanh nhằm kịp thời bảo vệ lợi ích công cộng. Theo dự thảo Luật, thẩm quyền quyết định hàng hóa XNK thuộc diện tạm ngừng có thời hạn được giao cho Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Mục tiêu đưa ra biện pháp trên nhằm đảm bảo sự linh hoạt trong quản lý nhưng trong Tờ trình, Chính phủ cũng thừa nhận biện pháp này tiềm ẩn rủi ro trong việc tùy tiện khi áp dụng.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng “rủi ro này cũng rất nhỏ bởi vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc quy định tại Điều 9 dự thảo Luật và phải tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, chưa nói tới việc phải chịu sự giám sát gắt gao của tất cả các bên tham gia điều ước quốc tế đó”.

Về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, dự thảo Luật quy định hoạt động kiểm tra chuyên ngành, trong đó quy định cụ thể đối tượng kiểm tra, cơ quan tiến hành kiểm tra và trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra để thống nhất về cơ sở pháp lý, đối tượng, nguyên tắc, trách nhiệm của các bộ, ngành trong thực hiện kiểm tra đối với hoạt động kiểm tra chuyên ngành đang được quy định rải rác tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.

Theo đó, dự thảo Luật quy định 3 nhóm hàng hóa XNK là đối tượng kiểm tra bao gồm: Hàng hóa XNK phải áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch quy định tại các Điều 61, 62, 63 và 64 của Luật này; Hàng hóa XNK có tiềm ẩn khả năng gây mất an toàn hoặc hàng hóa có khả năng gây mất an toàn theo thông tin cảnh báo từ các tổ chức quốc tế, khu vực, nước ngoài; Hàng hóa XNK mà cơ quan có thẩm quyền phát hiện không phù hợp và phải tăng cường kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Thẩm tra về quy định liên quan đến hàng hóa XNK phải kiểm tra chuyên ngành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Ủy ban Kinh tế đề nghị cần quy định cụ thể nguyên tắc chọn lựa hàng hóa XNK để cấp giấy phép, nguyên tắc để áp dụng biện pháp quản lý theo điều kiện vào Danh mục hàng hóa XNK theo giấy phép, điều kiện để Chính phủ làm căn cứ quy định chi tiết.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trong dự án Luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp giấy phép.

Duy trì hạn ngạch thuế quan với 4 mặt hàng

Về duy trì hàng hóa XNK theo hạn ngạch thuế quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Đây là biện pháp Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO theo đó có 4 mặt hàng sẽ được Việt Nam duy trì cơ chế hạn ngạch thuế quan bao gồm trứng gia cầm, muối, đường, lá thuốc lá.

Ngoài ra, Việt Nam còn áp dụng trong trường hợp có ưu đãi đặc biệt đối với một số đối tác thương mại đặc biệt như Lào, Campuchia hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Quản lý ngoại thương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Một số ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm chủ trì, phối hợp trong quản lý nhà nước về ngoại thương của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng một biện pháp do một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm đầu mối.

Có ý kiến đề nghị cần phân định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện; đề nghị quy định phân cấp cho các tỉnh, thành phố thực hiện một số trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động ngoại thương.

“Ủy ban Kinh tế nhận thấy các ý kiến này là hợp lý, đề nghị nghiên cứu, tiếp thu quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về ngoại thương, trách nhiệm của Chính phủ trong việc thống nhất quản lý Nhà nước về ngoại thương, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chủ trì, phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về ngoại thương, trách nhiệm của địa phương, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, tránh tình trạng quản lý không thống nhất, chồng chéo, thiếu đầu mối, phối hợp chưa tốt, trách nhiệm không rõ ràng”- ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

“Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị giao Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể hàng hóa tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và công bố công khai hàng hóa”- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết thêm.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/de-nghi-quy-dinh-cu-the-hang-hoa-xuat-nhap-khau-phai-kiem-tra-chuyen-nganh.aspx