Đề nghị đưa ô tô điện ra khỏi các rào cản của điều kiện kinh doanh

Góp ý vào Dự thảo Nghị định về Điều kiện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến dư luận, chuyên gia trước khi trình Chính phủ thông qua, Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị đưa ô tô điện ra khỏi các quy định về thuế, điều kiện kinh doanh để cho loại xe này được phát triển tại Việt Nam. >> Campuchia có ô tô điện 100 triệu đồng: Dân Việt mơ xe gì? >> Buộc ngừng kinh doanh ô tô điện nếu không kiểm định kỹ thuật

Trong Dự thảo lần 3 của Nghị định nói trên, Bộ Công Thương đưa ra nhiều điều kiện về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh ô tô nói chung: bảo lưu yêu cầu các doanh nghiệp (DN) sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh ô tô phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng hoặc thuê lại từ nay đến hết 1/7/2020.

Xét tính đặc thù xe điện để khuyến khích khởi nghiệp

Bộ này quy định, các DN sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe sau ngày 1/7/2020 phải sở hữu 01 cơ sở bảo hành trong thời hạn 5 năm theo quy định; có các thiết bị chuẩn đoán động cơ, phần mềm thiết bị chuẩn đoán động cơ phải tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ của hãng. Ngoài ra, Bộ này còn đưa ra nhiều quy định về kiểm tra thông thường và đột xuất cơ sở sản xuất, lắp ráp xe và cơ sở nhập khẩu, kinh doanh xe hơi trong nước, xe nhập khẩu.

Kiến nghị đưa ô tô điện ra khỏi các quy định, rào cản về điều kiện kinh doanh ô tô

Theo VCCI, những quy định về quản lý của Bộ Công Thương cần xem xét tính đặc thù của xe điện tại Việt Nam để hỗ trợ loại xe này phát triển, mở rộng thị trường và đặc biệt là tạo cơ chế ưu đãi cho loại xe thân thiện với môi trường để thay thế các dòng xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm hiện nay.

Văn bản của VCCI khẳng định: Hiện nay, xe ô tô chạy bằng điện đang là xu hướng phát triển mới của ngành ô tô thế giới và được dự đoán sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Xe ô tô chạy điện có một số đặc điểm sau cần được cân nhắc chính sách kỹ hơn.

"VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo loại ô tô chạy điện ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị định này nhằm không làm cản trở cơ hội phát triển xe chạy bằng điện tại Việt Nam", VCCI kiến nghị.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI lý giải: Xe điện hiện góp phần giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm ô nhiễm không khí do khí thải, góp phần bảo vệ môi trường.

Do đây là loại xe mới, nhiều hãng sản xuất đang trong giai đoạn thử nghiệm, mới một số ít sản xuất hàng loạt. Do đó, nếu phải tuân thủ các quy định quản lý quá cứng nhắc có thể dẫn đến cản trở sáng tạo, cản trở khả năng nghiên cứu, thử nghiệm của các nhà khởi nghiệp Việt Nam.

Tạo thị trường ưu tiên, tránh đưa Việt Nam thành vùng trũng ô tô

Đặc biệt, VCCI cho rằng: Xe điện là lĩnh vực mới nên áp lực cạnh tranh trên thị trường chưa mạnh bằng dòng xe chạy nhiên liệu hóa thạch dưới 9 chỗ. Các hãng sản xuất chưa có nhiều thương hiệu mạnh và cũng chưa có được quy mô sản xuất lớn để tiết giảm chi phí. Vì vậy, đưa ô tô điện khỏi các phạm vi điều chỉnh của Nghị định trên sẽ gợi mở khả năng phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam theo hướng sản xuất xe điện.

Trên thực tế, dù Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Việt Nam ưu tiên đối với các dòng xe chạy điện hoặc xe kết hợp chạy điện và xăng (Hybrid), tuy nhiên ở thị trường Việt Nam xe chạy điện vẫn rất đắt do giá nhập cao, số lượng ít và cơ sở vật chất (trạm nạp nhiên liệu điện, xăng sinh học...) chưa được đầu tư theo chuẩn... Điều này khiến cho xe điện không có hệ sinh thái vận hành và cạnh tranh ở Việt Nam.

Trong khi đó, thế giới đang đi vào phát triển mạnh mẽ các dòng xe xanh, xe thân thiện môi trường trong đó có xe Hybrid, xe lái tự động, ô tô bay... Tương lai của ngành công nghiệp ô tô đang thay đổi nhờ các ứng dụng công nghệ mới, hiện đại vào ô tô.

Nhiều chuyên gia đánh giá, nếu Việt Nam tiếp tục "cào bằng" chính sách, không có cơ chế riêng để hỗ trợ xe điện phát triển hoặc loại bỏ xe điện khỏi các điều kiện kinh doanh ngặt nghèo, Việt Nam sẽ khó có thị trường xe điện và không thể có xe điện giá rẻ với những ưu điểm vượt trội mà thế giới đang thịnh hành, sẽ đi sau, là vùng trũng trong ngành công nghiệp ô tô thế giới.

Tại thị trường Việt Nam, liên doanh ô tô số 1 Việt Nam - Nhật Bản là Toyota Việt Nam cũng vừa đưa vào thử nghiệm phân phối loại xe chạy điện kết hợp xăng, tuy nhiên, mức giá xe này hiện đắt hơn nhiều so với dòng xe cùng phân khúc, chạy động cơ xăng. Chính vì vậy, để dòng xe này có được thị trường tiêu thụ và giá rẻ đi còn rất nhiều vấn đề cởi bỏ và thực hiện triệt để như: ưu đãi thuế quan, giảm giá giá xe, đầu tư cơ sở vật chất…

Nguyễn Tuyền

Nguồn Dân Trí: http://dantri.com.vn/kinh-doanh/de-nghi-dua-o-to-dien-ra-khoi-cac-rao-can-cua-dieu-kien-kinh-doanh-20170613075907573.htm