Đề nghị đổi tên Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi)

Ngày 23/5, Văn phòng Bộ NN&PTNT thông tin, theo Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, sáng 25/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).

Luật Bảo vệ và Phát triển rừng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Khóa XI ngày 3/12/2004, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2005. Qua 12 năm thực hiện, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng theo mục tiêu quản lý chuyển từ nền lâm nghiệp lấy quốc doanh là chủ yếu sang nền lâm nghiệp Nhân dân, đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia.

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn:nhandan.org.vn

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn:nhandan.org.vn

Bên cạnh đó, kinh tế lâm nghiệp từ chủ yếu dựa vào khai thác, lợi dụng rừng tự nhiên sang bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng rừng mới, gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với phát huy vai trò môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh và an sinh xã hội. Nhờ đó, diện tích rừng từ 12,306 triệu hecta với độ che phủ rừng 37% năm 2004 tăng lên đến năm 2016 diện tích rừng là 14,377 triệu hecta với độ che phủ rừng 40,19% năm 2016. Sản lượng gỗ rừng trồng hàng năm đạt khoảng 17 triệu mét khối, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 7,1 tỷ USD.
Mặc dù đạt được một số thành tựu quan trọng, nhưng đến nay Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng còn diễn ra phức tạp. Cùng với đó, sản xuất lâm nghiệp bị chia cắt thành các giai đoạn riêng lẻ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Công nghiệp chế biến lâm sản chủ yếu nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, năng suất, giá trị gia tăng thấp. Bởi vậy, đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế của cả nước rất thấp, thu nhập của người làm nghề rừng chưa cao...
Ngày 3/2/2017, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017 (Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 7/2/2017 của Chính phủ), Chính phủ đã thông qua và thống nhất trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi). Dự kiến, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) có 12 chương, 97 điều. So với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, bổ sung 4 chương mới: Chế biến, thương mại lâm sản; hợp tác quốc tế trong lâm nghiệp; giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; quản lý Nhà nước về lâm nghiệp. Dự thảo Luật kế thừa 8 điều, sửa đổi 60 điều, bổ sung mới 29 điều và bỏ 19 điều.
Trước những thay đổi lớn về nội dung dự thảo Luật, đặc biệt phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật là toàn bộ các hành vi xã hội trong lĩnh vực lâm nghiệp trên nguyên tắc quản lý theo chuỗi, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét lấy tên Luật là “Luật Lâm nghiệp’’ thay cho “Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi)”. Tên Luật Lâm nghiệp ngắn gọn, dễ hiểu, bao quát đủ các nội dung Luật, phù hợp với quản lý ngành theo quy định của pháp luật trong nước và kinh nghiệm xây dựng luật của phần lớn các quốc gia khác.
Liên qua đến vấn đề này, tại Tờ trình số 116/TTr-CP ngày 5/5/2016 của Chính phủ đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội xem xét lấy tên là “Luật Lâm nghiệp”. Tổng hợp các ý kiến tham gia và tại hội thảo quốc gia về Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) tổ chức ngày 16/12/2016 tại Hà Nội, đều thống nhất đề nghị lấy tên luật là “Luật Lâm nghiệp”.

Thiên Tú

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/de-nghi-doi-ten-luat-bao-ve-va-phat-trien-rung-sua-doi-288732.html