Đề nghị cấp điện cho các trạm bơm 24/24h

TP - “Hạn đang lấn từng ngày trong khi thời gian xử lý lại rất ngắn, vì thế không nên chạy theo diện tích tưới, mà ưu tiên nước cho sinh hoạt, cứu lúa, đề nghị cấp điện cho các trạm bơm 24/24 giờ”…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết như vậy chiều 25-6, tại cuộc họp khẩn cấp tìm giải pháp khắc phục hạn hán. Hạn còn kéo dài Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), hiện diện tích gieo cấy lúa vụ hè thu, mùa các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam đạt gần 240.000 ha, đạt trên 85% kế hoạch. Diện tích đang bị thiếu nước trên 71.000 ha, trong đó trên 13.000 ha có khả năng mất trắng hoặc giảm năng suất. Theo nhận định, nếu trời tiếp tục nắng nóng gay gắt, không mưa, diện tích hạn nặng có thể lên 56.000ha. Hiện còn gần 40.000 ha diện tích chưa gieo trồng chủ yếu thuộc vùng có công trình thủy lợi nhỏ, tạm ở miền núi, diện tích đang bị xâm nhập mặn nên khả năng gieo cấy rất khó khăn. Một số địa phương có diện tích bị hạn nặng như Thanh Hóa (hơn 21.000 ha), Nghệ An 18.000 ha, Hà Tĩnh gần 12.000 ha… Ông Bùi Minh Tăng, GĐ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, trong tháng 6, nền nhiệt độ kéo dài và phủ trên diện rộng, cao hơn đỉnh điểm của nhiều năm trước đó 1-2 độ, như: Hòa Bình lên 41,8oC, Hà Nội 40,4oC, Vĩnh Phúc trên 40oC… Nhiều địa phương ở Thanh Hóa, Nghệ An có nơi cao kỷ lục tới 42oC. Lượng mưa từ đầu năm tới nay thấp hơn trung bình nhiều năm, nơi cao nhất chỉ đạt 70-80%, nơi thấp như Bắc Trung bộ chỉ khoảng 50%; các hồ chứa lớn xấp xỉ mực nước chết, nhiều hồ ở Bắc Trung bộ đã cạn. Theo ông Tăng, từ 10-6 tới nay, Bắc Trung bộ gần như không có mưa. Nguyên nhân là do năm nay gió mùa tây nam hoạt động muộn (từ giữa tháng 5) so với trung bình nhiều năm từ 20 ngày đến một tháng. Mặt khác, gió tây nam năm nay hoạt động yếu, vì thế ngay cả vùng Tây Nguyên cũng chưa có mưa. Ông Tăng nhận định, cuối tuần này và đầu tuần sau miền Bắc sẽ có mưa, tuy nhiên lượng mưa nhỏ khoảng 50-70 mm; miền Trung xuất hiện mưa chậm hơn vài ngày, nhưng lượng mưa nhỏ, chỉ 10-20 mm. Trong tháng 7, lượng mưa vẫn thiếu hụt 20-30%; nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 1,5oC; miền Bắc sẽ hứng chịu thêm 2 đợt nắng nóng, miền Trung 3-4 đợt. Chuyên gia ngành khí tượng cũng cho hay, mọi năm thời điểm này đã có bão, nhưng soi từ nay đến ngày 5-7 vẫn chưa xuất hiện hình thế của bão, là hiện tượng lạ trong khoảng 50 năm nay. Mặt khác, hồ Hòa Bình vận hành 25 năm nay, bình thường cuối tháng 5 đã tích đầy nước, sang tháng 6 phải xả, thế nhưng năm nay cuối tháng 6, gần đầu tháng 7 vẫn chưa tích được, thậm chí còn tụt mạnh. Ưu tiên nước cho sinh hoạt Ông Nguyễn Đình Xứng, GĐ Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho hay, tỉnh này phải dùng cát để nâng nền sông Mã lên để bơm lấy nước. Biết là phải chuyển một số diện tích khô hạn sang cây trồng khác, nhưng thực tế, thiếu nước thì cây gì cũng khó sống. Không chỉ diện tích lúa, nạn xâm mặn, thiếu nước sinh hoạt cũng xảy ra ở một số vùng ven biển như Hậu Lộc, Nga Sơn... Tại Nghệ An, nạn xâm nhập mặn trên sông Lam đã vượt qua cầu Bến Thủy hơn chục kilômét. Ông Trần Hữu Lực, Phó GĐ Sở NN&PTNT Nghệ An cho hay, nước ở các hồ đang ở mức thấp khoảng gần 40% dung tích thiết kế. Mức nước các sông, suối giảm nhanh. Riêng mực nước sông Lam tại Nam Đàn có khi xuống thấp dưới 1m so với trung bình nhiều năm, lưu lượng nước yếu nên xâm nhập mặn khó tránh khỏi. Ông Lực cho hay Sở đang đề xuất xây đập ba ra trên sông Lam để ngăn mặn. Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết, 165/345 hồ đập ở tỉnh này đang bị cạn. Lần đầu tiên, nạn xâm mặn trên sông La đã lên tới tận Lĩnh Cảm. Đặc biệt, tại Hà Tĩnh hiện có 82/262 xã chủ yếu các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang… khó khăn về nước sinh hoạt. Tỉnh đang bố trí phương án dùng xe téc để cung cấp nước cho các xã thiếu nước. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị do bề ngang ngắn nên việc tích nước cũng gặp nhiều khó khăn. Quảng Trị đang dùng biện pháp tiết kiệm, kéo dài thời gian tưới luân phiên, từ 3 lên 5-6 ngày, và sử dụng hình thức tưới khô, tức khi nào đất rạn chân chim mới đổ nước tưới để tiết kiệm. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị thành lập khẩn cấp 3 đoàn công tác vào Bắc, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, đánh giá tình hình hạn hán của từng địa phương để báo cáo trung ương; đồng thời, đề nghị các sở NN&PTNT phối hợp với ngành điện địa phương, lên lịch bơm, cấp điện 24/24 giờ cho các trạm bơm.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/504829/de-nghi-cap-dien-cho-cac-tram-bom-2424h.html