Đề nghị Bộ trưởng Công an xử nghiêm vụ "gạt tay trúng má" phóng viên

Nói về vụ xô xát giữa chiến sỹ công an huyện Đông Anh với nhà báo với những phát ngôn sau đó “gây bão dư luận” trên báo Tiền Phong, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND TP Hà Nội vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm minh, công bằng, để người trong và ngoài cuộc "tâm phục khẩu phục".

Cơ quan chức năng cho biết công an Hưng đã có hành vi gạt tay trúng má phóng viên Quang Thế.

Dư luận ồn ào vì phát ngôn "gạt tay trúng má"

Liên quan đến vụ việc phóng viên Trần Quang Thế (báo Tuổi trẻ TP.HCM) bị Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) hành hung trên cầu Nhật Tân, trao đổi với VTC News về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Viện - Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an TP Hà Nội cho biết, về biên bản vụ việc ông không có bình luận gì.

Đại tá Nguyễn Văn Viện cho biết, vụ việc này được công bố thông tin chính thức trong buổi họp báo do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức vào chiều 4/10.

Trước đó, chiều 29/9, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Phó Giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã có thông tin đến báo chí về vụ việc phóng viên Trần Quang Thế bị hành hung trên cầu Nhật Tân.

"Công an Hưng giơ chân đá phóng viên Quang Thế nhưng không trúng".

Theo Đại tá Ngọc, qua điều tra đã có thể kết luận chính xác, khách quan đối với sự việc xảy ra xô xát giữa hai bên là có.

''Khi đó các lực lượng đang bảo vệ hiện trường, có cả cảnh sát công khai, cảnh sát hiện trường, trinh sát, công an xã, cảnh sát hóa trang cùng các đơn vị nghiệp vụ tổ chức các biện pháp theo chỉ đạo của cơ quan cảnh sát điều tra.

Lúc này, có một số các phóng viên tiến tới hiện trường để tác nghiệp. Lúc bấy giờ cũng không xuất trình được thẻ nhà báo, giấy giới thiệu cần thiết theo yêu cầu của những người bảo vệ hiện trường.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, đồng chí Hưng và Thuyên là cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh đã có yêu cầu. Trong quá trình yêu cầu, giữa hai bên đã xảy ra xô xát.

Đồng chí Hưng có dùng tay gạt nhà báo Quang Thế trúng vào má và có hành vi giơ chân đá, mặc dù không trúng. Đồng chí Thuyên đưa tay gạt vào một máy quay'', Đại tá Ngọc nói.

Theo Phó Giám đốc công an TP Hà Nội, lực lượng chức năng đã tổ chức đưa nhà báo Quang Thế đi khám thương tích, quá trình khám khẳng định không có thương tích. Nhà báo Quang Thế cũng từ chối yêu cầu đi trưng cầu giám định sức khỏe.

''Căn cứ vào quy tắc ứng xử của lực lượng CAND, chúng tôi đã giao Ban Chỉ huy Công an huyện Đông Anh và Phòng Tổ chức cán bộ căn cứ vào các quy định cụ thể tổ chức kiểm điểm.

Đến nay đã xử lý kỷ luật hình thức khiển trách đồng chí Hưng, còn đồng chí Thuyên chưa có hành động cụ thể gây ra các tác hại cụ thể chúng tôi đã yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm.'', Đại tá Ngọc nhấn mạnh.

Thông tin từ báo Tuổi trẻ, Công an quận Tây Hồ đã thông báo, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà báo Quang Thế.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu:

Vào khu vực cấm nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép với mức phạt 2.000.000 đồng; Chụp ảnh tại khu vực cấm với mức phạt 2.000.000 đồng; Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ với mức phạt 2.500.000 đồng.

Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân với mức phạt 7.500.000 đồng; Đỗ xe mô tô trên cầu với mức phạt 350.000 đồng; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mức phạt 55.000 đồng.

Tổng mức tiền phạt với các lỗi mà Công an quận Tây Hồ cho rằng nhà báo Quang Thế vi phạm là 14.405.000 đồng.

Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an kiểm tra xử lý nghiêm, công bằng

Trong khi đó, trả lời trên Tuổi trẻ, chủ nhiệm ủy ban tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga nói rằng: Từ clip đưa tin trên báo chí chính thống, người có thẩm quyền của Công an Hà Nội trả lời là “đồng chí Ngô Quang Hưng đã có hành vi dùng tay gạt trúng má của nhà báo Quang Thế, giơ chân đá nhưng không trúng nhà báo Quang Thế. Việc này gây ồn ào trong dư luận, không chỉ ở cộng đồng trên mạng mà cán bộ chúng ta nhiều người cũng rất bức xúc!

Bà Nga đề nghị: “Thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ, để sự việc nhỏ không biến thành việc to, không để gây ra dư luận hiểu nhầm thì chúng ta phải làm công khai và nghiêm minh. Đề nghị với những vụ như thế, “gây bão” dư luận như thế, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ngay Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng - an ninh phải có sự theo dõi, kiểm tra xử lý nghiêm minh, công bằng, thuyết phục, củng cố lòng tin của người dân với Đảng và nhà nước”.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng: “Pháp luật đã có những quy định rõ ràng, không phải anh là công an thì muốn làm gì thì làm”.

Cũng theo ông Cương, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cột mốc di động. Bí mật nhà nước cần phải được cảnh báo bằng biển báo, căng dây, phải có thông tin để người ta tránh, anh bảo “cột mốc di động là di động kiểu gì” mà người dân không nhận biết được. Cột mốc di động cách hiện trường là bao nhiêu mét? Anh nói cột mốc di động, anh chạy từ hiện trường về tới nhà thì người ta phải tránh hết ra hay sao, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương lập luận.

Luật sư Hoàng Cao Sang trả lời trên báo Tuổi trẻ cho rằng Công an quận Tây Hồ xử phạt phóng viên Quang Thế có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức là không có căn cứ vì cơ quan ra quyết định xử phạt không chứng minh hoặc đưa ra được hành vi vi phạm của phóng viên này.

Đối với các hành vi khác như: lợi dụng tư cách nhà báo can thiệp cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính khi cơ quan công an chứng minh được lỗi của người vi phạm.

Xuân Tùng (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/tin-moi-nhat-vu-canh-sat-gat-tay-trung-ma-phong-vien-a164385.html