Đề nghị bỏ kiểm tra sau thông quan

(baodautu.vn) Doanh nghiệp (DN) đề nghị bãi bỏ quy định kiểm tra sau thông quan tại DN và thay vào đó là sáp nhập kiểm tra sau thông quan tại DN và thanh tra thuế.

Ông Nguyễn Thâm, Giám đốc Công ty TNHH Tân Tiên Phong, Phó chủ tịch Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam cho rằng, các DN xuất nhập khẩu đang chịu cảnh “một cổ hai tròng” bởi việc kiểm tra của thanh tra thuế và kiểm tra sau thông quan. Vì vậy, nên bãi bỏ quy định kiểm tra sau thông quan tại DN và thay vào đó là sáp nhập kiểm tra sau thông quan tại DN và thanh tra thuế. Quy định kiểm tra sau thông quan làm DN lo lắng về sự đúng, sai của mình trong hoạt động xuất nhập khẩu, dù hàng đã được hải quan chấp nhận thông quan. Cũng theo ông Thâm, các quy định hiện hành chỉ đề cập việc truy thu thuế sau thông quan, mà không có chế tài xử phạt với cán bộ hải quan. Vì vậy, cần đưa ra chế tài xử phạt với công chức hải quan, cơ quan hải quan nơi để xảy ra thiếu sót trong thông quan, dẫn đến việc kiểm tra sau thông quan phát hiện sai sót, làm liên lụy đến DN. Ông Phạm Ngọc Hữu (Hiệp hội Dệt may Việt Nam) cũng cho rằng, các thủ tục hải quan với kiểm tra sau thông quan hiện nay rất phức tạp, phi thực tế. Với các lô hàng tạm nhập tái xuất, DN chỉ giữ chứng từ chứng minh hàng tạm nhập đã thực xuất với hải quan. Khi đã giải quyết xong thủ tục, hải quan đã kiểm tra, DN không còn giữ chứng từ nữa. Vì vậy, với những chứng từ cách đây đã 4-5 năm, giờ hải quan yêu cầu nộp lại để kiểm tra sau thông quan, DN không thể đáp ứng nổi. Chia sẻ khó khăn với các DN, luật sư Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch HĐTV Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam cho rằng, theo Luật Hải quan hiện hành, hàng hóa trong diện kiểm tra sau thông quan sẽ bị hồi tố 5 năm kể từ ngày hải quan ra quyết định kiểm tra sau thông quan. Thời hạn này là quá dài và tạo ra tâm lý tùy tiện cho cán bộ hải quan khi kiểm tra cho thông quan hàng hóa. Trường hợp kiểm tra sau thông quan phát hiện ra sai sót dẫn đến phải truy thu thuế xuất, nhập khẩu, thuế GTGT lớn có thể làm DN phá sản, bởi các loại thuế phát sinh tại cửa khẩu đều là thuế gián thu, khi hàng hóa nhập về đã bán hết và bị truy thu thuế, thì DN chỉ còn cách lấy vốn để nộp. “Quy định này cũng khiến công chức hải quan có điều kiện thông đồng với DN làm giảm số thuế phải nộp khi làm thủ tục thông quan. Đến khi kiểm tra sau thông quan, phát hiện sai sót thì công chức hải quan đó có thể đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu, khó có thể truy cứu trách nhiệm liên đới. Vì vậy, cần rút ngắn thời hạn kiểm tra sau thông quan xuống còn 2 năm”, ông Tiền đề nghị. Trước bức xúc của các DN, một cán bộ của Tổng cục Hải quan cho rằng, kiểm tra sau thông quan là một trong những hoạt động cần đẩy mạnh của ngành hải quan trong những năm tới, chứ không thể bãi bỏ. Hiện nay, cơ sở dữ liệu của ngành hải quan về doanh nghiệp chưa đầy đủ để đảm bảo thu thuế đúng, đủ với từng loại mặt hàng, từng doanh nghiệp. Vì vậy, để rút ngắn thời gian sau thông quan, tạo thuận lợi cho DN, ngành hải quan cho phép miễn kiểm tra trực tiếp, DN có thể thông quan, hoàn thuế trước, rồi kiểm tra sau. “Với điều kiện trang thiết bị và cơ sở dữ liệu hiện có của ngành hải quan, việc cho phép thông quan nhanh chắc chắn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực tế, không ít DN đã lợi dụng quy định miễn kiểm tra của hải quan để gian lận. Vì vậy, việc kiểm tra sau thông quan là cần thiết để đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế cho ngân sách. Tuy nhiên, thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu sửa đổi một số quy định về kiểm tra sau thông quan cho phù hợp thực tế”, vị cán bộ trên cho biết. Trong khi đó, bà Đặng Thị Bình An, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn quản lý C&A, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, người tham gia rà soát Luật Hải quan hiện hành cho rằng, quy định việc kiểm tra sau thông quan của Luật Hải quan (quy định 5 năm) đang chồng chéo với quy định của Luật Quản lý thuế (không giới hạn thời gian kiểm tra). Việc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan lại không quy định thủ tục, tiêu chí lựa chọn, giới hạn thời gian, nên DN có thể bị cơ quan hải quan mời gọi, yêu cầu giải trình nhiều lần, bất cứ lúc nào. Trước bất cập trên, bà An khuyến nghị, nên bỏ cơ chế kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan hoặc xây dựng cơ chế kiểm tra quyết toán/kiểm toán theo năm tài chính. Đồng thời, quy định chế tài xử phạt nhẹ cho DN đối với trường hợp phát hiện sai sót ở lô hàng đã kiểm tra trước đó, do đây là lỗi không cố ý, khó phát hiện

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietdoanhnghiep/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/doanhnghiep/moitruongkinhdoanh/42bc11407f00000101b768c5e9916bb0