Để Ngày hội Đại đoàn kết đạt hiệu quả thiết thực

Suốt 7 năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân từng bước được tổ chức hoàn thiện hơn với nhiều sáng kiến hấp dẫn nhằm lôi cuốn người dân tự nguyện tham gia. Tuy nhiên, tại một số địa phương, đến nay, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân vẫn chưa thực sự cuốn hút.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân lần đầu tiên được tổ chức trên bình diện cả nước bắt đầu từ năm 2003, từ một ý tưởng đã trở thành nhiệm vụ của MTTQ các cấp, nhất là Mặt trận cơ sở. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân năm 2009 ở Phú Thọ Ảnh: QUỐC ANH Đây là một hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm củng cố khối đoàn kết trong nhân dân, thông qua đó thể hiện vai trò của Mặt trận trong đời sống chính trị, xã hội nước nhà. Công tác chuẩn bị cho Ngày hội được các địa phương chuẩn bị khá chu đáo. Từ đầu tháng 11, một số địa phương đã bắt đầu tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ thực tiễn những năm trước, xin góp một vài ý kiến với mong muốn Ngày hội sẽ ngày càng cuốn hút và đạt được những hiệu quả thiết thực. Suốt 7 năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân từng bước được tổ chức hoàn thiện hơn với nhiều sáng kiến hấp dẫn nhằm lôi cuốn người dân tự nguyện tham gia. Các vị đứng đầu Đảng và Nhà nước năm nào cũng dành thời gian tham dự Ngày hội quan trọng này với nhân dân. Đó là sự ghi nhận sáng kiến của Mặt trận đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới đất nước. Tuy nhiên, tại một số địa phương, đến nay, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân vẫn chưa thực sự cuốn hút. Trao đổi với chúng tôi, một vị Trưởng ban công tác Mặt trận ở quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “ Hội trường khu dân cư chúng tôi chật lắm, chỉ đủ chỗ cho vài chục người ngồi họp thôi. Chính vì thế mà không thể tổ chức vui chơi, hò hát được. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân chỉ tổ chức hội nghị gặp mặt cho thành phần cốt cán đến dự thôi”. Đó là sự thật. Trong địa bàn thành phố thì không phải khu dân cư nào cũng có hội trường, nếu có cũng rất chật hẹp, còn đối với địa bàn nông thôn thì cơ bản có điều kiện về địa điểm như sân đình, nhưng lại không có đủ kinh phí để tổ chức ngày hội. Hiện nay, kinh phí tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân vẫn phụ thuộc vào ngân sách địa phương, căn cứ vào kinh phí mà quyết định mức độ tổ chức ngày hội. Một trong những cách tổ chức phổ biến Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân như hiện nay là làm hội nghị. Thành phần mời dự cơ bản là thành viên Ban công tác Mặt trận trên địa bàn dân cư, khách mời là lãnh đạo xã, phường, huyện và một số người tiêu biểu. Phần trình bày về lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất được đọc rất tỉ mỷ, kế đến là phần báo cáo thành tích của Mặt trận cơ sở trong năm. Sau ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các cấp rồi mới đến trao bằng khen, giấy khen, đọc danh sách gia đình được công nhận danh hiệu văn hóa. “Cần đổi mới cách thức tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, đó là ý kiến của chính những người làm phong trào từ cơ sở. Trước hết và quan trọng hơn cả là ngay từ đầu tháng 11 hàng năm, Mặt trận cần kết hợp với ngành Thông tin tuyên truyền treo khẩu hiệu, thông báo trên đài truyền thanh nhằm giới thiệu về Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân. Một việc làm cần được khuyến khích là vận động mọi người hãy sống chan hòa, hòa giải khúc mắc trong gia đình và hàng xóm láng giềng, trong cơ quan. Chỉ như thế là đã làm được một việc có ý nghĩa vô cùng to lớn trong Ngày hội có ý nghĩa này. Để tổ chức có chất lượng Ngày hội đại đoàn kết toàn dân cần phải có kinh phí và địa điểm. Nếu nơi nào có điều kiện thì thì hãy chú trọng đến phần hội nhiều hơn, tổ chức nhiều trò chơi, cuộc thi cho hấp dẫn. Làm thế nào để người dân nhớ và mong chờ Ngày hội hàng năm. Bên cạnh đó cũng cần hạn chế tối đa việc tổ chức phần lễ rườm rà, đọc diễn văn, phát biểu dài dòng. Trao đổi với chúng tôi, nhiều vị cán bộ phong trào cơ sở có nguyện vọng đề nghị Quốc hội xem xét Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18-11 hàng năm như những ngày lễ trọng khác. Thiết nghĩ đó cũng là ý tưởng hay. Lê Tự

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=19372&menu=1367&style=1