Để Nặm Păm vơi nỗi đau thương

SKĐS - Ðầu tháng 8/2017, một trận lũ lịch sử đã xảy ra tại xã Nặm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La). Lũ đi qua khiến cho xã Nặm Păm giờ đây rơi vào cảnh hoang tàn.

Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ quan Bộ Y tế đã phát động chương trình “Hướng về Nặm Păm” và đoàn vừa có chuyến đi tới địa phương này nhằm chia sẻ khó khăn, mất mát mà người dân đã trải qua và đang đối mặt…

Hành trình gian khó

Chiếc xe ôtô đưa Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ quan Bộ Y tế chúng tôi từ Hà Nội về Nặm Păm vào một ngày cuối tuần, với hành trình hơn 350km. Trải qua hơn 7 giờ đồng hồ, đoàn chúng tôi có mặt ở TP. Sơn La khi đêm đã về khuya. Sớm hôm sau, đoàn tiếp tục di chuyển đến xã Nặm Păm từ TP. Sơn La với quãng đường hơn 40km. Dù phải đi liên tục, băng qua những cung đường ngoằn ngoèo, đèo dốc và có ít thời gian ngơi nghỉ nhưng các thành viên trong đoàn vẫn giữ vững niềm tin. Chúng tôi chỉ mong đến Nặm Păm sớm nhất có thể để trao những bộ quần áo, đôi dép, chiếc đèn pin, thùng mì tôm… đã quyên góp được để người dân nơi đây cảm nhận được hơi ấm tình người, có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn trước mắt.

Một góc Nặm Păm tan hoang sau lũ dữ.

Đoàn chúng tôi đến thị trấn Ít Ong - cửa ngõ vào xã Nặm Păm thì phải dừng lại do cầu Nặm Păm nối thị trấn Ít Ong với Nặm Păm bị hư hỏng nặng do trận lũ gây ra. Chúng tôi vào làm việc với Ban chỉ đạo tiếp nhận hàng hóa cứu trợ xã Nặm Păm đặt tại thị trấn Ít Ong. “Các anh chị nên chuyển hàng hóa cứu trợ vào nơi tập kết ở Ít Ong, sau đó nếu có sức khỏe và không ngại gian khổ, các anh chị đi bộ hoặc ngồi lên thùng xe… tải của người dân vào trong Nặm Păm” - vị cán bộ tại Ban chỉ đạo tiếp nhận hàng cứu trợ chia sẻ. Ngoài ra, nhiều người dân ở Ít Ong cho chúng tôi biết, trận lũ tại Nặm Păm đã làm sạt lở đường, đất đá ngổn ngang khắp nơi nên việc đi lại vô cùng khó khăn, xe gầm cao và máy khỏe mới “bò” vào trong được. Trước tình hình này, đoàn chúng tôi quyết định dỡ một nửa số hàng hóa cứu trợ tại thị trấn Ít Ong bàn giao cho bộ phận tiếp nhận hàng cứu trợ của Ban chỉ đạo, một nửa hàng còn lại chúng tôi nhờ xe tải của người dân đưa vào UBND xã Nặm Păm trao cho bà con.

Từ Ít Ong vào Nặm Păm chỉ 7km nhưng chúng tôi phải đi xe tải kết hợp đi bộ lên tới 3 tiếng đồng hồ. Nặm Păm hiện lên trước mắt mọi người là cảnh đất đá, cây cối, cột nhà, cột điện ngổn ngang… Xót xa là cảm giác chung của bất kể ai khi đến với Nặm Păm những ngày này. Tại Nặm Păm, nhiều ngôi nhà đã bị xóa sổ hoàn toàn. Và có lẽ vì nước lũ đổ về quá nhanh, dòng chảy mạnh nên tài sản của người dân như xe máy, xe đạp và cả xe ôtô cũng bị nước cuốn đi, nay các tài sản này chỉ là bộ khung biến dạng trên bãi đá lởm chởm. Chiếc xe tải vốn có công năng chở đất đá, vật liệu xây dựng nay chở chúng tôi vào Ủy ban xã Nặm Păm liên tục chao đảo, ì ạch và rú ga vượt qua con đường ngổn ngang đá. Thi thoảng xe ôtô lịm đi và chết máy bởi phía trước đường có đoạn hiểm trở…

Nước mắt ở Nặm Păm

Sau khi vượt qua cung đường khó, hiểm trở, đoàn chúng tôi vào đến UBND xã Nặm Păm. Tại đây, chúng tôi đã vào gặp Chủ tịch UBND xã Nặm Păm - ông Lò Văn Cẩn. Tuy nhiên, ông Cẩn lúc này rất bận rộn khi liên tiếp tiếp các đoàn tình nguyện, từ thiện, cứu trợ… ở nhiều nơi đến ủy ban. Qua trao đổi nhanh, ông Lò Văn Cẩn cho biết, trận lũ đầu tháng 8/2017 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Về thiệt hại người, theo ông Cẩn, có 7 người trong xã bị chết và 3 người mất tích, trong đó có trường hợp anh Lò Văn Cu (bản Huồi Hốc) có mẹ vợ và vợ đã bị lũ cuốn trôi. Vì đau buồn, những ngày qua anh Cu đi lang thang quanh Nặm Păm, có lúc bỏ ăn uống. Trong khi đó, tại bản Hốc, khi phát hiện nước lũ lên nhanh, anh Cà Văn Hưởng đã đưa vợ, con nhỏ đến nơi an toàn. Nhưng vì muốn di chuyển một số tài sản trong nhà, anh Hưởng quay lại ngôi nhà thì nước lũ dâng quá nhanh, nước chảy mạnh khiến anh Hưởng không kịp thoát ra ngoài và thiệt mạng ngay sau đó.

Thương xót hơn cả là trường hợp của anh Cà Văn Uẩn. Hiện anh Uẩn ở trong lán tạm vừa được dựng lên, trong đợt lũ vừa rồi, 2 con và vợ của anh đã bỏ mạng khi không kịp chạy dòng nước hung dữ. Lán tạm nơi anh Uẩn ở hiện tại có 3 bát hương để thờ vợ và 2 con. Anh Uẩn dường như đã kiệt sức nên không chia sẻ với ai. Với mất mát quá lớn, anh Uẩn luôn suy nghĩ “chỉ muốn chết” để được gặp lại vợ con. Đôi mắt anh Uẩn luôn ngấn lệ và trông như cái xác không hồn. Tại trụ sở UBND xã Nặm Păm, chúng tôi gặp cháu Lò Văn Hóa (8 tuổi) ở bản Hốc, cháu Hóa cho biết bố là Lò Văn Cứu đã qua đời trong trận lũ vừa qua. Trên đầu cháu Hóa nay vẫn đeo khăn tang, bên cạnh bộ quần áo nhem nhuốc và đôi mắt thơ dại của một đứa trẻ chưa biết đến đau thương tột cùng.

Một sự việc khác cũng khiến chúng tôi ứa nước mắt, đó là cháu Cà Văn Hạo (4 tuổi) may mắn thoát chết trong trận lũ nhưng đã bị đá đè vào người, sau đó bố mẹ kịp thời phát hiện và đưa cháu ra ngoài. Hiện nay, một bên chân của cháu bị gãy với nhiều thương tích trên người. Trong điều kiện rất khó khăn do lũ gây ra, việc cấp cứu cho những nạn nhân khó khăn hơn bao giờ hết bởi tuyến đường duy nhất từ trung tâm huyện Mường La đến xã Nặm Păm đã bị phá hủy hoàn toàn, Trạm y tế xã cũng đã đổ sập vì trận lũ lịch sử. Vì vậy, các nạn nhân như cháu Hạo chỉ còn cách được người thân cõng và dùng cáng đưa đi bộ với quãng đường gần 10km để đến bệnh viện huyện...

Sau trận lũ lịch sử, xã Nặm Păm rơi vào cảnh tan hoang, đường giao thông hư hỏng nặng.

Ðể Nặm Păm vơi nỗi đau thương

Ngay sau khi biết tin cơn lũ lịch sử xảy ra tại xã Nặm Păm gây thiệt hại lớn về người và tài sản, Ban chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ quan Bộ Y tế đã phát động phong trào “Hướng về Nặm Păm” nhằm quyên góp tiền, đồ đạc ủng hộ bà con vùng lũ trong tất cả chi đoàn/liên chi đoàn trực thuộc Bộ Y tế. Lập tức, các chi đoàn/liên chi đoàn thuộc Bộ Y tế tham gia đóng góp tiền, đồ dùng để chuyển tới đồng bào tại xã Nặm Păm. Sau đợt kêu gọi ít ngày, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ quan Bộ Y tế đã nhận được gần 30 triệu tiền mặt ủng hộ từ cá nhân và các tổ chức. Đồng thời, các đơn vị bên ngoài cũng đã góp hàng chục thùng quần áo, nhiều thùng mì tôm, hàng trăm bộ chăn, màn, dép; hàng ngàn cuốn vở... Thời gian gấp rút, Ban chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ quan Bộ Y tế cùng một số đoàn viên đã lên đường đến với Nặm Păm trao số hàng hóa, tiền mặt đã quyên góp được cho các gia đình, người dân bị thiệt hại nặng do lũ gây ra.

Đại diện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ quan Bộ Y tế trao hàng, tiền hỗ trợ cho gia đình người dân có người thiệt mạng, mất tích trong đợt lũ tại Nặm Păm.

Tại xã Nặm Păm, Đoàn TNCS cơ quan Bộ Y tế đã trao số tiền hỗ trợ cho các gia đình có người bị chết, mất tích là 2 triệu đồng, cùng với đó là chăn, màn... Đoàn đã trực tiếp trao tận tay tiền và hàng cứu trợ cho anh Cù Văn Uẩn, anh Lò Văn Cu, cháu Lò Văn Hóa… Bên cạnh đó, chúng tôi đã đến thắp nén hương chia sẻ những đau thương, mất mát với gia đình có người thiệt mạng trong đợt lũ là anh Quàng Văn Năm, Cà Văn Hưởng. Đồng chí Nguyễn Hải Hoàng - Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ quan Bộ Y tế gửi lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình, đồng thời mong những người ở lại sớm vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Tại mỗi gia đình có người thiệt mạng, đoàn cũng trao số tiền hỗ trợ và các đồ dùng gồm đèn pin, chăn, màn… Trong chuyến đi tới Nặm Păm, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ quan Bộ Y tế đã trao tổng số hàng hỗ trợ gồm: 300 chiếc chăn, màn; 180 đèn pin năng lượng mặt trời, 500 đôi dép, 2.000 cuốn vở, 200 khay đựng cơm và một số nhu yếu phẩm thiết yếu khác có tổng trị giá hơn 100 triệu đồng.

Trước lúc chúng tôi trở về Hà Nội, Chủ tịch UBND xã Nặm Păm Lò Văn Cẩn nghẹn ngào: “Cảm ơn Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ quan Bộ Y tế đã đến với Nặm Păm. Việc làm của đoàn sẽ góp phần giúp địa phương có thêm niềm tin, động lực để sớm vượt qua nỗi đau thương, khó khăn, thử thách...”.

Bài và ảnh: Hoa Quỳnh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/de-nam-pam-voi-noi-dau-thuong-n135338.html