Để mỗi người dân là một chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy

Trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), vai trò của lực lượng cơ sở hết sức quan trọng. Nếu phát hiện sớm, chữa cháy đúng thì thiệt hại do cháy, nổ sẽ giảm đáng kể. Vì vậy, “để mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận PCCC” là khẩu hiệu và cũng là mục tiêu mà công tác này cần hướng tới.

Nhận thức rõ mục tiêu của PCCC là làm sao giảm thiểu thiệt hại do cháy gây ra, bên cạnh việc nâng cao năng lực chữa cháy chuyên nghiệp, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội luôn xác định việc tuyên truyền về PCCC trong nhân dân là hết sức quan trọng. Vì vậy, từ năm 2011, sau khi được kiện toàn và đi vào hoạt động, Cảnh sát PC&CC thành phố đã có bước “chuyển hướng chiến lược” đối với công tác tuyên truyền PCCC, với tinh thần đi vào thực chất, vừa bảo đảm diện rộng, vừa có chiều sâu và phù hợp với từng đối tượng.

Diễn tập công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại tòa nhà Keangnam.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cho biết, mỗi năm, hàng nghìn lớp tập huấn về PCCC được Cảnh sát PC&CC thành phố tổ chức. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, Cảnh sát PC&CC thành phố đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, lập 490 phương án chữa cháy, tự diễn tập và phối hợp diễn tập 619 phương án chữa cháy và CNCH. Cảnh sát PC&CC cũng đã mở 1.123 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cơ sở với hơn 40.000 lượt người tham gia. Đối tượng tham gia rất đa dạng, từ cán bộ, phường, xã, thôn xóm, đến chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh có điều kiện về an toàn PCCC cho đến lực lượng chữa cháy cơ sở các cơ quan, đơn vị, trường học… Với mỗi loại đối tượng, nội dung tập huấn lại có sự điều chỉnh cho sát với điều kiện sinh sống, công tác của người được tập huấn.

Không chỉ tập huấn lý thuyết, càng ngày nội dung diễn tập thực binh càng được tổ chức nhiều hơn với phương án sát thực hơn. Cuối tháng 8 vừa qua, Phòng Cảnh sát PC&CC số 6 phối hợp với UBND quận Tây Hồ tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, tìm kiếm CNCH có sự tham gia của nhiều lực lượng với phương án giả định có sự cố nổ, cháy khí gas tại nhà cao tầng thuộc Khu đô thị Nam Thăng Long (phường Phú Thượng) khiến một phần công trình bị sụp đổ, cháy lan. Tương tự, các phòng Cảnh sát PC&CC liên tục tổ chức diễn tập tại các địa bàn trọng yếu, nơi tập trung đông người, trường học, đơn vị có nguy cơ cháy nổ cao…

Ở cấp thành phố, gần đây nhất, ngày 16-9, Tiểu ban Tìm kiếm cứu nạn khi có thảm họa cháy nhà cao tầng, khu công nghiệp, khu dân cư TP Hà Nội tổ chức diễn tập “Phương án chữa cháy và CNCH tại Tổ hợp Keangnam Hà Nội Landmark Tower”. Tại buổi diễn tập quy mô lớn này, bên cạnh sự tham gia của các lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, Ban tổ chức đặc biệt chú trọng đến năng lực xử lý sự cố ban đầu của lực lượng chữa cháy cơ sở, coi đây là khâu quan trọng trong việc xử lý sự cố, thảm họa…

Từ đánh giá số liệu cháy nổ gần đây, Cảnh sát PC&CC nhận định cháy tại khu vực ngoại thành đã và đang có dấu hiệu phức tạp, gia tăng. Trong khi đó năng lực chữa cháy của lực lượng chuyên nghiệp đối với khu vực này còn hạn chế. Vì vậy, công tác tuyên truyền được hướng mạnh về khu vực ngoại thành. Cảnh sát PC&CC đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tập huấn chuyên sâu cho khu vực này, có chú ý đến đặc điểm dân cư, cơ quan, đơn vị. Như trong tháng 8 vừa qua, Cảnh sát PC&CC thành phố đã tập huấn PCCC cho các cơ sở y tế huyện Ứng Hòa, các trường mầm non ở huyện Thường Tín, khối dân phòng và nhà trường huyện Đông Anh, Phú Xuyên…

Hằng năm, lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở đã phối hợp với nhân dân phát hiện và dập tắt hơn 50% tổng số vụ cháy, ngăn chặn cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Song, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - Bộ Công an vẫn cho rằng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kiến thức phổ thông về phòng, chống cháy nổ còn hạn chế, trong khi tình hình cháy nổ tiềm ẩn phức tạp. Thực tế, không nhiều nơi tổ chức và triển khai công tác tuyên truyền về PCCC mạnh mẽ như ở Hà Nội. Song đó mới chỉ là kết quả bước đầu. Để ý thức PCCC của người dân trở nên thường trực, kỹ năng chữa cháy, CNCH thuần thục thì công tác tuyên truyền cần được duy trì, ngày càng bám sát thực tiễn.

Thành Tâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/849760/de-moi-nguoi-dan-la-mot-chien-si-phong-chay-chua-chay