Để mỗi người có văn hóa giao thông

Văn hóa giao thông không đơn thuần chỉ là văn hóa pháp quyền chấp hành và thực thi pháp luật, mà hàm chứa trong nó cả văn hóa ứng xử.

Vậy nên, câu chuyện tắc đường nan giải ở Thủ đô hiện nay, không chỉ “tựa” vào quy hoạch tổng thể, mà còn cần sự chung lòng của người tham gia giao thông.

Hà Nội và 3 câu chuyện về giao thông

Tắc đường diễn ra thường ngày ở Hà Nội. Nhưng rất nhiều chuyên gia cho rằng không nên coi việc tắc đường ấy là kết quả tất yếu của quá trình phát triển nóng của các đô thị. Bởi nhiều Thủ đô trên thế giới như Tokyo (Nhật Bản), Bangkok (Thái Lan)… không có tắc đường. Khi Hà Nội xảy ra tình trạng kẹt xe hàng ngày, như GS.TS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích, người ta nói đến 3 câu chuyện. Thứ nhất, gây tổn hại, thiệt hại về kinh tế. Các nhà kinh tế học nên tính toán, mỗi buổi sáng, một người bị mất bao nhiêu phút vì kẹt xe và năng suất lao động của hàng triệu người cùng chung cảnh thế nào. Từ đó quy ra, mỗi ngày, một năm Hà Nội thiệt hại bao nhiêu tỷ đồng do tắc đường gây ra.

Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên phố Bà Triệu. Ảnh: Thanh Hải

Cũng nên tính, số lượng xe lưu thông trên đường phố Hà Nội mỗi ngày đốt hết bao nhiêu tấn xăng dầu, thải ra môi trường bao nhiêu khí thải là câu chuyện thứ hai. Và với tốc độ này, đến năm nào Hà Nội còn là nơi con người có thể sinh sống được. Tất cả những thông tin thiệt hại về tắc đường cần được đưa lên các phương tiện truyền thông để người dân biết và hiểu khi thật cần thiết mới đi xe máy ra đường; đi làm công chuyện không thật sự gấp gáp thì chọn xe công cộng; đến ngã tư thấy đèn đỏ thì dừng xe tắt máy.

Câu chuyện thứ ba nữa mà người ta nói nhiều là quy hoạch giao thông phải đặt trong quy hoạch tổng thể của Hà Nội và phát triển bền vững. Hiện nay, trên thế giới, tất cả các TP lớn có dân số 2 - 3 triệu người cho đến 5 – 7 triệu người đều có hệ thống giao thông đa phương tiện như đường thủy, bộ, ngầm. Còn Hà Nội chỉ có loại hình đường bộ, chủ yếu xe cá nhân tham gia giao thông. Hệ thống xe buýt công cộng thì xả khí thải gây ô nhiễm môi trường, trên xe có tình trạng móc túi, lái xe còn lạng lách khiến nhiều người còn ngần ngại lựa chọn. “Dứt khoát chúng ta phải phát triển hệ thống giao thông ngầm. Nhưng vấn đề đặt ra không chỉ có kinh phí giải tỏa mà liên quan đến một loạt hệ thống cũng như an toàn của nhiều công trình khác dưới lòng đất” – GS.TS Phạm Hồng Tung đề xuất. Theo ông Tung, chúng ta phải giảm nhanh nhất phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Làm sao để người dân tăng cường đi bộ những đoạn đường không dài, chứ không phải 500m cũng lên xe máy vì vỉa hè bị lấn chiếm; cũng như tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng thuận lợi, rẻ, an toàn và văn minh lịch sự.

Tổ chức giao thông theo hướng bền vững

Thời gian qua, TP Hà Nội luôn coi việc tổ chức giao thông đô thị là cấp bách, quan trọng nên đưa ra nhiều biện pháp tháo gỡ tắc đường: Xây cầu vượt ở các ngã tư, xén vỉa hè để mở rộng đường… Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Tung, cần hướng đến 3 giải pháp bền vững. Trong đó, điểm đột phá là phân luồng tuyến để người tham gia giao thông đi theo làn đường quy định cho từng loại xe. Việc làm này tránh tình trạng vào giờ cao điểm từ trên cao nhìn xuống, những chiếc xe máy nhỏ như các hạt lạc len lỏi, lách vào đường ô tô. Trong khi đó, những người lái xe bốn bánh lại dàn hàng ngang khiến tình trạng ách tắc trở nên kẹt cứng.

TP nên có quy định, không cho xe máy, ô tô tiếp cận vào tận cơ quan, trường học…, mà đỗ ở cách đó 1 - 2km (trừ xe công vụ, cứu thương, cứu hỏa) để người dân dần hình thành thói quen đi bộ. Với xe buýt và tàu điện ngầm cũng vậy. Mà muốn làm được điều này, cần xây những bãi đỗ vài tầng để chứa xe. Nên tăng mức xử phạt vi phạm quy định giao thông ngang các nước phương Tây; khi phạt có ghi biên bản, đến ngân hàng chuyển tiền; nếu đến hạn không nộp sẽ bị tính lãi suất và tòa án cưỡng chế… Cũng nên bỏ quy định giữ phương tiện giao thông vi phạm, trừ khi phương tiện đó không an toàn cho những người xung quanh. Đặc biệt, khi phạt người vi phạm sẽ đồng thời thông báo về cơ quan, cộng đồng dân cư. Và phải trả lương rất cao cho CSGT và đội ngũ những người hỗ trợ.

Thông điệp “lái xe an toàn”

Văn hóa giao thông thực chất là văn hóa pháp quyền chấp hành và thực thi pháp luật. Song đồng thời cũng là văn hóa ứng xử ở nơi công cộng, trong cộng đồng. Ở tầng sâu hơn nữa, văn hóa giao thông là thái độ tôn trọng con người. Những người tham gia giao thông đều hiểu không chấp hành quy định của luật giao thông sẽ nguy hiểm đến tính mạng và ảnh hưởng cho cộng đồng. Nhưng nhiều người vẫn coi thường tính mạng, sẵn sàng vượt đèn đỏ để đi nhanh được một phút. Rất nhiều chuyên gia khẳng định, nguyên nhân sâu xa là sự kém coi trọng con người, trong đó có bản thân. Và khi không yêu quý bản thân thì rất khó coi trọng những thứ khác.

Vì thế, cần tăng cường giáo dục văn hóa ứng xử, mọi người biết tôn trọng mình, người xung quanh và tham gia giao thông đúng luật. Khi lưu thông trên đường không được đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu. Nếu xảy ra va chạm, mọi người nhường nhau, nói lời xin lỗi thay vì gây gổ, chửi bới làm cho giao thông thêm ách tắc. Ở đó, người tham gia giao thông một cách thông minh bằng cách đi đúng làn đường quy định, đèn đỏ thì dừng xe tắt máy.

Hơn nữa, để mọi người tham gia giao thông có văn hóa, các phương tiện truyền thông nên dành thời lượng tương xứng hướng dẫn cách đi đúng pháp luật, lành mạnh. Nên có nhiều bài viết nêu gương những người chấp hành đúng quy định của luật giao thông; các CSGT tận tụy với công việc; tấm gương biết nhường nhịn nhau khi đi trên đường gặp sự cố. Cùng với đó là có nhiều bài phóng sự điều tra, phản ánh những người bị TNGT trở thành tật nguyền, mất sức lao động sẽ tác động rất mạnh vào tâm lý người lưu thông, để điều chỉnh hành động của mình. Cuối cùng, đóng góp về văn hóa giao thông là phải từ từng gia đình. Làm sao mỗi sáng trước khi đi làm, đi học, bố mẹ luôn dặn con, vợ nhắc chồng: "Lái xe an toàn và may mắn”.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội:

Chế tài phải đủ mạnh, xử lý đều và thường xuyên

Thực tế, giao thông Hà Nội, về mặt tuyên truyền, các ngành, cấp chỉ đạo làm tốt. Tuy nhiên, văn hóa giao thông với hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được, ý thức của người tham gia giao thông thấp. Những biển báo, biển cấm cũng không còn phát huy tác dụng khi mà người dân vẫn thản nhiên cố ý không chấp hành. Cảnh đèo ba đèo bốn, xe buýt chở quá tải, người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… vẫn xảy ra hàng ngày hàng giờ trên các con đường của TP. Khi di chuyển trên đường, một số người dường như quên mất khái niệm tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác...

Có thể thấy, văn hóa giao thông đang ở mức báo động. Làm sao để giải quyết thực trạng này? Trước hết, chúng ta phải tuyên truyền để cho người dân thấy được tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được, cần ý thức, trách nhiệm của người dân. Hiện, người dân mới chỉ kêu mà chưa tham gia đóng góp ý thức văn hóa giao thông, phải mạnh dạn tham gia chống lại người chưa ý thức... Ngoài ra, phải có biện pháp, chế tài xử phạt đủ mạnh, thường xuyên nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Thu Anh ghi

Ông Nguyễn Hiệp Thống - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội:

Cần sự vào cuộc của “3 nhà”

Văn hóa giao thông là một vấn đề nóng bỏng đang được bàn luận nhiều trong thời gian gần đây. Ý thức của nhiều người, đặc biệt là học sinh (HS) đi xe đạp điện rất kém. Một trong những nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ người lớn: Ý thức và văn hóa tham gia giao thông kém. Thật lạ là nhiều phụ huynh có thể dừng xe lại ngay khi trời hơi mưa để mua áo mưa cho con, hơi nắng một chút có thể tìm mua mũ ngay vì sợ con ốm, nhưng mũ bảo hiểm thì lại không để tâm trang bị cho con. Chỉ cái hại ngay trước mắt là ướt áo thì lo cảm lạnh, nắng đầu thì lo sốt mà đội mũ bảo hiểm để giữ tính mạng của trẻ thì lại thờ ơ... Đặc biệt, nhiều người lớn chưa làm gương cho con trẻ, họ cũng phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách vượt đèn đỏ, tạo nên những hình ảnh tiêu cực ảnh hưởng xấu đến những suy nghĩ của trẻ.

Theo tôi, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa “3 nhà”: Nhà trường, gia đình và xã hội. Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự phối hợp của cha mẹ HS thì trong mỗi nhà trường cần giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông của HS .

Trung Anh ghi

Phó Giám đốc Công ty TransViet Travel Nguyễn Tiến Đạt:

Nhiều xe máy là “đặc sản” hấp dẫn du khách

Ở Hà Nội, vấn đề giao thông được xem là nhức nhối nhất Việt Nam vì tình trạng quá tải và ý thức người tham gia giao thông kém. Đối với khách du lịch nội địa ở TP Hồ Chí Minh khi đến Hà Nội, họ phản hồi với TransViet rằng, Sài Gòn cũng có hiện tượng tắc đường, nhưng ngay cả khi kẹt xe họ vẫn trật tự, không lấn làn như ở Hà Nội. Còn du khách ở các tỉnh, TP khác, đặc biệt là vùng nông thôn hiếm khi bị tắc đường, họ bày tỏ sự bức bối vì đường nhỏ, quá tải, giao thông lộn xộn. Đặc biệt, họ không quen đường nên rất sợ đi sai luật. Thế nên, dù khách mang xe về Hà Nội thì cũng không dám tự lái.

Khách nội địa đã sợ như vậy, khách nước ngoài còn sợ hơn vì ở các nước phát triển, giao thông của họ khác hẳn. Ở các nước phát triển, khách du lịch đi phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao… sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền và cảm thấy yên tâm. Khi khách sang đường, họ cảm thấy sợ hãi, dù là đi bộ, hay trên phương tiện tự lái.

Tuy vậy, một số du khách lại cho rằng, việc có rất nhiều xe máy lại là “đặc sản”, sự khác biệt của du lịch Hà Nội. Tôi đã đi khá nhiều nước và thấy, Việt Nam , nhất là Thủ đô Hà Nội là nơi có nhiều xe máy nhất thế giới. Du lịch là sự khác biệt, nhiều khi khách thấy lạc hậu, lộn xộn, người bản địa giữ được nét văn hóa cổ hủ lại là “điểm cộng”. Và, đối với những du khách thích mạo hiểm, ưa khám phá thì giao thông Hà Nội lại là một nét độc đáo, hấp dẫn đối với họ.

Hồ Hạ ghi

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/de-moi-nguoi-co-van-hoa-giao-thong-258067.html