Để mở cánh cửa phá sản DNNN

LTS: Theo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có giải pháp: xử lý dứt điểm các DNNN thua lỗ... xem xét, thực hiện phá sản DNNN theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp. Mặc dù chúng ta đã có luật về phá sản doanh nghiệp nhưng cho đến nay “thủ tục phá sản” vẫn hầu như chưa được sử dụng, ngay cả với doanh nghiệp tư nhân chứ chưa nói đến DNNN. Câu thần chú nào để mở cánh cửa phá sản DNNN? TBKTSG trao đổi với các chuyên gia luật, kinh tế. Theo Tiến sĩ Võ Trí Hảo, việc cho phá sản DNNN là giải pháp cần thiết trong cơ chế thị trường.

TBKTSG: Theo ông, tại sao Luật Phá sản 2014 đã thiết kế ra một cơ chế thông thoáng, khá chuyên nghiệp, nhưng “thủ tục phá sản” vẫn hầu như chưa được sử dụng ở Việt Nam?

PGS.TS. Võ Trí Hảo.

- PGS.TS. Võ Trí Hảo: Có lẽ nhiều người vẫn còn suy nghĩ tiêu cực về phá sản, chưa hiểu hết các chức năng của phá sản; cứ nghĩ “mở thủ tục phá sản là sẽ đi đến tuyên bố phá sản một doanh nghiệp”.

Mở thủ tục phá sản có năm chức năng: (i) Buộc con nợ không được phép chây ì trong việc trả nợ nếu không muốn bị tuyên bố phá sản thật; (ii) Tạo cơ chế để loại bỏ những người có trình độ quản trị kém ra khỏi bộ máy của doanh nghiệp thông qua quyền yêu cầu tái cơ cấu của các chủ nợ; (iii) “tước súng” ra khỏi bàn tay của kẻ bắt cóc con tin, khi con nợ tìm cách ăn vạ, đe dọa bán các tài sản liên quan an ninh quốc gia cho nước ngoài - trong trường hợp này, nếu khởi xướng thủ tục phá sản thì con nợ sẽ không còn quyết định hay “bóp cò” nữa, mà quyền quyết định sẽ được chuyển sang tay chủ nợ; (iv) tạo ra cơ chế đối xử bình đẳng giữa các chủ nợ, tránh con nợ tìm cách tẩu tán tài sản, tạo nên một trật tự thanh toán nợ một cách công bằng, trong trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản; (v) phá sản như một cơ chế thanh lọc thị trường để loại bỏ nhanh nhất mô hình quản trị doanh nghiệp lạc hậu, công nghệ lạc hậu, dồn nguồn lực cho công nghệ mới, mô hình mới; điều mà các chủ doanh nghiệp thường lưu luyến, không tự mình từ bỏ được hoặc không muốn từ bỏ.

Nếu nhìn như vậy, thì phá sản là một điều vô cùng cần thiết, hữu ích trong cơ chế thị trường giống như cơ chế đào thải chọn lọc tự nhiên của muôn loài sinh vật.

TBKTSG: Phá sản doanh nghiệp tư nhân còn khó, phá sản DNNN còn khó hơn, thưa ông?

- Phá sản diễn ra hay không phụ thuộc vào việc có ai níu giữ, có ai nâng đỡ không? Cả hai yếu tố này trong DNNN đều có.

Nhìn vào các vụ án tham nhũng gần đây đều thấy các nhóm lợi ích bất chính muốn níu giữ DNNN cho dù làm ăn thua lỗ, bởi nó như là một kênh để rút ruột tài sản quốc gia, để rửa tiền.

Chính sách luân chuyển cán bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước sang nắm giữ chức vụ lãnh đạo trong các DNNN làm cho việc áp dụng thủ tục phá sản DNNN càng khó, bởi việc một DNNN bị áp dụng thủ tục phá sản sẽ bị ảnh hưởng sự nghiệp chính trị của một ai đó từng thăng tiến từ vị trí quản lý DNNN sang vị trí lãnh đạo tại cơ quan chủ quản của DNNN tương ứng. Muốn bảo toàn sự nghiệp chính trị, hoặc chí ít “hạ cánh an toàn” thì phải tìm cách nâng đỡ DNNN hoặc giữ không cho phá sản trong nhiệm kỳ của mình. Vì vậy, một số DNNN làm ăn thua lỗ được tiếp tục cho “ngậm sâm” bằng nhiều cách, trong đó có bảo lãnh vay vốn hoặc chỉ định các ngân hàng thương mại cho vay.

Việc mở thủ tục phá sản đổi với DNNN sẽ liên quan đến hàng loạt nhóm lợi ích. Lãnh đạo các ngân hàng chủ nợ cũng sẽ bị liên đới. Cả ba chủ thể liên quan: DNNN, cơ quan chủ quản, ngân hàng chủ nợ đều muốn trì hoãn, che giấu tình trạng phá sản của DNNN.

TBKTSG: Liệu có giải pháp gì để tình trạng “chết lâm sàng” của DNNN sớm được đưa đi “giải phẫu, tái cấu trúc”?

- Cũng rất khó, bởi vì nếu áp dụng máy móc thì một số DNNN vẫn còn khả năng kinh doanh, nhưng vì dòng tiền chưa về kịp, chưa thanh toán kịp các khoản nợ đến hạn, nếu bị phá sản thì cũng hơi oan; nhưng nếu cứ dựa vào lý do này, thì sẽ gặp tình trạng “lập lờ đánh lận con đen”. Tốt nhất là Chính phủ ban hành nghị quyết yêu cầu tất cả ngân hàng thương mại nhà nước, DNNN mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối có nghĩa vụ gửi đơn lên tòa án yêu cầu mở thủ tục phá sản tất cả các con nợ bị lâm vào tình trạng phá sản.
Thông qua việc mở thủ tục phá sản thì tình trạng thực tế của doanh nghiệp, không riêng gì DNNN sẽ được minh bạch hóa; việc tái cơ cấu sẽ diễn ra nhanh hơn; tránh con nợ đưa ra những mặc cả, đòi hỏi quá đáng hay tỏ ra chây ì.

Rà soát lại tài sản, chấm dứt quan hệ không rõ ràng với các đơn vị nhà nước khác

Trên nguyên tắc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng là doanh nghiệp nên nếu như doanh nghiệp tư nhân có thể bị tuyên bố phá sản khi bị một bên liên quan nào đó (chủ nợ, người lao động, cổ đông...) yêu cầu thì DNNN cũng như vậy. Khi bị tuyên bố phá sản, chủ sở hữu sẽ bị mất hoàn toàn vốn trong khi các chủ nợ có thể thu hồi được một phần vốn thông qua việc thanh lý các tài sản của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, từ trước tới nay, DNNN hầu như không bị yêu cầu tuyên bố phả sản. Một phần lý do là vì cổ đông chính đứng đằng sau DNNN chính là Nhà nước. Nhà nước muốn duy trì sự tồn tại của DNNN không chỉ đơn thuần vì mục đích kinh tế mà còn vì nhiều mục đích khác. Vì lẽ đó, những DNNN thuộc loại này không thể chết dù có kinh doanh bết bát đến đâu. Khi những DNNN này rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán thì Nhà nước sẽ có những giải pháp “tháo gỡ” (như miễn giảm các loại thuế, yêu cầu các chủ nợ giãn nợ, bơm thêm vốn điều lệ, chuyển các bộ phận thua lỗ sang các DNNN khác...) để tài chính của các doanh nghiệp này lành mạnh trở lại.

Một lý do khác là giá trị tài sản của DNNN không được rõ ràng, trong khi DNNN lại có rất nhiều quan hệ với các tổ chức nhà nước và các DNNN khác, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước. Nếu cho tuyên bố phá sản thì rất khó phân chia giữa các chủ nợ, người lao động, và các đơn vị khác thuộc quyền chi phối của Nhà nước. Rất khó để hình dung các bên liên quan sẽ giải quyết các xung đột lợi ích đối với khối tài sản của DNNN bị tuyên bố phá sản như thế nào.

Để hướng tới việc cho phép DNNN phá sản trong vài ba năm tới thì có lẽ cần chuẩn bị ngay từ bây giờ. Thứ nhất cần tách các doanh nghiệp công ích ra khỏi các DNNN theo đuổi lợi nhuận. Nhóm doanh nghiệp đầu có nguồn thu bảo đảm và được kiểm soát chặt chẽ về chi tiêu cũng như công nợ để đảm bảo rằng chúng luôn có tình trạng tài chính lành mạnh. Nhóm doanh nghiệp sau cần được rà soát và đánh giá lại toàn bộ các tài sản đang được Nhà nước giao. Chấm dứt các mối quan hệ không rõ ràng với các đơn vị nhà nước khác, hoặc chuyển sang các hình thức rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm. Với việc chuẩn bị như vậy thì Nhà nước sẽ không còn e sợ phải cho DNNN phá sản nữa.

Đinh Tuấn Minh (chuyên gia kinh tế)

Thay đổi tư duy, chuẩn bị nguồn lực thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Khó khăn lớn nhất trong bài toán cho phá sản doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không nằm ở vấn đề kỹ thuật trong quá trình thực hiện mà là thái độ dám nhìn thẳng vào sự kém hiệu quả, thua lỗ của rất nhiều DNNN trong thời gian qua nói riêng và của mô hình DNNN nói chung để từ đó tiến hành cải cách - mà một giải pháp quan trọng là cho phá sản.

Ở một khía cạnh khác, khi DNNN phá sản thì các khoản nợ của DNNN, đặc biệt là khoản nợ có bảo lãnh của Chính phủ, sẽ xử lý thế nào? Vấn đề ở đây không chỉ đơn giản là Chính phủ trả nợ thay. Nếu Chính phủ để các DNNN phá sản thì phải chăng đó là một sự thừa nhận trách nhiệm yếu kém trong điều hành của mình và do vậy, việc tiếp tục bơm vốn để các DNNN này tiếp tục hoạt động có lẽ dễ dàng hơn nhiều?

Do vậy, thay đổi tư duy (nhận thức) đối với DNNN đang trong tình trạng phá sản và mô hình DNNN là giải pháp có tính then chốt để mở cánh cửa phá sản DNNN.

Chúng ta cần hiểu rằng, để doanh nghiệp không hiệu quả phá sản sẽ giúp giải phóng nguồn lực xã hội đang bị lãng phí vào doanh nghiệp này, từ đó đưa nguồn lực tài sản, nhân lực... vào những nơi hiệu quả hơn và do đó sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn. Việc đẩy nhanh quá trình phá sản doanh nghiệp (dù là DNNN hay tư nhân) là sứ mạng quan trọng của Chính phủ trong việc điều hành nền kinh tế, giúp nguồn lực xã hội dịch chuyển từ nơi kém hiệu quả đến nơi hiệu quả hơn. Sự dịch chuyển các nguồn lực này có thể từ khu vực tư sang khu vực công (nếu đó là lĩnh vực mà tư nhân không thể làm được) hoặc ngược lại, từ khu vực công sang khu vực tư, miễn sao sự dịch chuyển này mang lại hiệu quả chung cho xã hội. Đây mới chính là vai trò quan trọng nhất của Chính phủ trong điều hành kinh tế chứ không phải là việc ưu ái cho DNNN (với tư duy DNNN là của toàn dân) bởi lẽ hiệu quả kinh tế và phân phối hiệu quả kinh tế cho xã hội là hai giai đoạn tách rời nhau và được điều tiết bởi các chính sách khác nhau.

Nếu việc DNNN phá sản làm phát sinh nghĩa vụ nợ của Chính phủ do Chính phủ đã bảo lãnh cho các DNNN này vay vốn thì đây là điều hiển nhiên, cần chuẩn bị nguồn cho việc này. Vì bản chất, Chính phủ có ngân sách riêng của mình và ngay tại thời điểm “phát hành” bảo lãnh cho DNNN, Chính phủ đã phát sinh và phải hạch toán nghĩa vụ nợ tiềm ẩn từ chính bảo lãnh này. Đồng thời, việc phát hành bảo lãnh này của Chính phủ không phải là phát hành miễn phí mà đều có thu phí. Do vậy, khi phát sinh rủi ro, Chính phủ phải gánh chịu là điều cần được chấp nhận. Đây là vấn đề liên quan đến tài chính công của Chính phủ hơn là việc cho DNNN phá sản hay không, bởi vì dù DNNN có phá sản hay không thì Chính phủ cũng phải trả nợ cho các chủ nợ nếu các DNNN này không thể trả khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh.

Hoàng Xuân Huy (chuyên gia tài chính, ngân hàng)

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153935/de-mo-canh-cua-pha-san-dnnn.html/