Để không còn phải sống chung với rác

Đầu tháng 6 vừa qua, lần thứ 3 trong vòng hơn nửa năm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội bị ngập trong rác. Tình hình căng đến mức không có cách nào khắc phục suốt cả tuần. Chính quyền địa phương thì lúng túng khó xử.

Gần đây, người dân các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) bị ruồi tấn công khiến cuộc sống sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người dân cho rằng, nguyên do bởi khu dân cư phát sinh từ Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (còn gọi là bãi rác Nam Sơn, nằm trên địa bàn 3 xã nói trên). Tình hình nghiêm trọng tới mức người dân ở đây đã phải chặn không cho xe chuyên dụng chở rác vào bãi đổ.

Đây không phải lần đầu tiên câu chuyện về xử lý rác thải làm đau đầu các cấp chính quyền. Cách đây cả chục năm, khi rác thải của thành phố Hải Phòng bị dân ở một xã ngoại thành biểu tình không cho đổ. Thành phố khi đó buộc phải cầu cứu tỉnh bạn là Nam Định cho “đổ ké” ít ngày chờ đàm phán với dân...

Những ngày đầu tháng 6 vừa qua một số người dân ở xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội ngăn cản xe vận chuyển rác vào Khu xử lý chất thải Xuân Sơn khiến lượng lớn rác thải sinh hoạt trên địa bàn tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: VOV

Tôi thực sự chia sẻ với bà con bởi một lẽ giản đơn, công nghệ xử lý rác, trong đó cả mùi hôi của các đơn vị được giao tiếp nhận chưa tốt, không đảm bảo cho người dân quanh vùng sinh sống. Nếu đặt địa vị là chính mình lại phải sống ở những vùng ven bãi rác như bà con, tôi chắc chắn một điều, các nhà lãnh đạo chúng ta sẽ nghĩ khác và có cách xử lý rốt ráo hơn.

Bởi vậy khi biết tin giáo sư, tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quốc Sỹ, viện sĩ Viện hàn lâm khoa học điện, Liên bang Nga, giảng viên Đại học năng lượng Quốc gia Moskva hiện đang công tác cùng một đoàn các nhà khoa học Nga tại Hà Nội, tôi đã tìm gặp để hỏi thêm về đề tài xử lý rác theo công nghệ plasma. Ông Sỹ chính là người đeo đuổi nghiên cứu những năm gần đây và đã thành công, trở thành chuyên gia cao cấp của thế giới về chuyên ngành công nghệ plasma.

Để xử lý rác thải sinh hoạt có những phương pháp khác nhau như chôn lấp, xử lý vi sinh, đốt và hóa khí. Việc chôn lấp đòi hỏi diện tích lớn và gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho môi trường. Xử lý vi sinh làm phân bón (compost) thường không khả thi vì cần phải phân loại rác đầu vào rất kỹ lưỡng để đảm bảo các hóa chất độc hại có sẵn trong rác không đi vào cây trồng, vật nuôi. Phương pháp thiêu hủy rác bằng phản ứng đốt (oxy hóa) cũng chỉ có tác dụng nếu rác trước đó được phân loại chặt chẽ, tách các loại nhựa thải, rác điện tử và y tế…Hơn nữa các phương pháp sử dụng lò đốt bình thường ở nhiệt độ dưới 1200 độ C lại thường sinh ra dioxin và furan rất độc hại.

Việt Nam mình, mật độ dân số đông, đất chật, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt rất bức xúc và chúng ta càng cần phải có nhận thức mới trong công việc này. Nên tính đến cách sử dụng công nghệ plasma hiện đại một cách chủ động sẽ rất có lợi. Chí ít, ở phương diện môi trường, nó tránh được độc hại so với phương pháp đốt rác thông thường.

Tại cuộc hội thảo giữa các nhà khoa học Việt Nam và Liên bàng Nga hôm mùng 3 tháng 7 năm 2017 tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ cho biết, kỹ thuật này có thể được xử dụng rộng rãi, đặc biệt là cho các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nơi hàng ngày có từ 5 tới 7 nghìn tấn rác thải sinh hoạt và hơn 16 tấn rác thải y tế. Ông Sỹ thử làm phép tính, với thủ đô Hà Nội chúng ta, mỗi ngày xả rác khoảng 5.000 tấn, chúng ta cần tới 5 nhà máy như vậy, tức là chỉ gần 500 triệu đô la là đã giải quyết được vấn đề môi trường có ý nghĩa sống còn này.

Người dân xã Nam Sơn lập chốt để chặn xe chở rác. Ảnh VietnamNet.

Để tránh xe chở rác phải đi từ đầu thành phố đến cuối thành phố, mất vệ sinh, có lẽ chúng ta nên khuyến khích xây dựng các nhà máy có công suất vừa và nhỏ, đặt ở nhiều khu vực. Ví dụ, cứ vài ba quận, huyện xây dựng một trung tâm xử lý rác thì sẽ rất hiệu quả.

Mặt khác, việc một nước còn nghèo nhưng dám dũng cảm áp dụng công nghệ tiên tiến nhất của thế là điều rất nên suy nghĩ. Chúng ta đã rút ra nhiều bài học từ việc ham rẻ, chỉ dùng những công nghệ lỗi thời đó là nhập nhà máy cũ, công nghệ cũ. Giờ đây khi Chính phủ đang tập trung cho mục tiêu kiến tạo phát triển thì việc ứng dụng công nghệ cao chính là chìa khóa để chúng ta có thể đuổi kịp các nước khác và cũng là giải pháp nâng cao chất lượng sống của người dân.

Khi mà các núi rác thải đã tới hạn chính là lúc nên mạnh dạn dám thay đổi tư duy lạc hậu. Áp dụng công nghệ khí hóa plasma xử lý rác thải sinh hoạt có lẽ là một giải pháp bền vững nên được xem xét nghiêm túc, thấu đáo.

Quốc Phong

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/de-khong-con-phai-song-chung-voi-rac-388483.html