Để học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia

Các trường trung học phổ thông (THPT) ở TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị cho kỳ kiểm tra học kỳ I. Như vậy, chỉ còn một học kỳ nữa là các em học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Thời gian còn lại không nhiều, làm gì để các em kịp thích ứng với hình thức thi mới đang là vấn đề được rất nhiều học sinh cũng như các bậc cha mẹ quan tâm.

Cuối tháng 9-2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia 2017, quy định những môn thi bắt buộc, môn thi tự chọn; hình thức làm bài tự luận hoặc trắc nghiệm; thời gian làm bài cho từng môn; phương thức đăng ký xét tốt nghiệp THPT; đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng... Nhằm giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của học sinh và các thầy giáo, cô giáo, đầu tháng 10- 2016, Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành Bộ đề thi mẫu. Đây là việc làm cần thiết, kịp thời của Bộ GD-ĐT, không chỉ giúp các em học sinh tham khảo, hình dung những đề bài mình phải thực hiện trong kỳ thi sắp tới, mà còn là cơ sở để nhà trường, các thầy giáo, cô giáo căn cứ điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp.

Sau khi nhận được phương án thi, nhất là sau khi có Bộ đề thi mẫu do Bộ GD-ĐT công bố, các trường THPT trên địa bàn thành phố đã có kế hoạch thay đổi phương pháp truyền thụ, coi trọng nâng cao chất lượng giảng dạy; thường xuyên tổ chức sinh hoạt nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm trong các tổ bộ môn; phân công giáo viên giỏi, nhiều kinh nghiệm đứng lớp ở khối 12; yêu cầu giáo viên ra đề, chấm bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm... Ban Giám hiệu của nhiều trường còn chủ động mời chuyên gia, cán bộ giảng dạy nhiều kinh nghiệm trong ngành giáo dục về tập huấn phương pháp giảng dạy, cách thức ra đề thi, đề kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm cho đội ngũ giáo viên toán...

Có thể nói, những nỗ lực nêu trên của các trường THPT, các thầy giáo, cô giáo trong những tháng qua là rất lớn, rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trước những thay đổi khá căn bản về cách học, cách làm bài thi theo hình thức mới cũng làm nhiều học sinh bỡ ngỡ, thậm chí lo lắng. Do vậy, trước mắt, đề nghị Ban Giám hiệu các trường THPT trên địa bàn thành phố tổ chức kiểm tra học kỳ I gần giống như một kỳ thi tốt nghiệp (cả về nội dung và hình thức) nhằm đánh giá chính xác kết quả giảng dạy, học tập nửa năm học, đồng thời cũng là một lần tập dượt để các em làm quen với phương thức thi mới.

Thời gian còn lại của học kỳ II, đề nghị Ban Giám hiệu các trường THPT tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng truyền thụ kiến thức trên lớp; nâng cao kỹ năng làm bài theo phương thức trắc nghiệm, làm bài thi tổ hợp. Các trường cần thường xuyên theo dõi, cập nhật những chỉ đạo, hướng dẫn mới của ngành về tổ chức giảng dạy, kiểm tra chất lượng học tập; Yêu cầu giáo viên bộ môn dạy hết chương trình trong sách giáo khoa, nhất là với những bộ môn phải thi tốt nghiệp. Các nhà trường, các tổ bộ môn và các thầy giáo, cô giáo cần tổ chức thêm những buổi ngoại khóa, hệ thống lại nội dung kiến thức, giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng trong thực tiễn và trong khi làm bài thi.

Thông thường, khi kết thúc học kỳ I, nhà trường thường tổ chức các buổi họp với cha mẹ học sinh. Với khối lớp 12, Ban Giám hiệu các trường nên tận dụng lần họp mặt này đề nghị các bậc cha mẹ học sinh đóng góp ý kiến về phương pháp, kết quả giảng dạy, kết quả học tập của học sinh; vận động gia đình hợp tác tích cực hơn nữa với nhà trường trong giáo dục học sinh; mời gọi phụ huynh tham gia hiến kế nâng cao chất lượng học tập của các em.

Kỳ thi THPT có ý nghĩa hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của các em, rất cần sự chuẩn bị chu đáo của nhà trường, các thầy giáo, cô giáo, của học sinh và cả cha mẹ các em để có kết quả như mong đợi.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tphcm/item/31597802-de-hoc-sinh-dat-ket-qua-cao-trong-ky-thi-trung-hoc-pho-thong-quoc-gia.html