Để hạn chế thiệt hại do mưa lũ, cần quan tâm hơn đến công tác dự báo thời tiết

Công tác dự báo thời tiết đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của con người. Ngoài đưa ra những cảnh báo thời tiết nguy hiểm để có phương án ứng phó kịp thời hạn chế thiệt hại, thì công tác dự báo còn giúp cung cấp thông tin cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, du lịch, sinh hoạt cho người dân.

Tuy nhiên, những ngày qua, tình trạng mưa lũ “kinh khủng” liên tiếp xảy ra tại khu vực Nam Bộ cho thấy những bất cập, khó khăn trong công tác dự báo thời tiết.

Những ngày qua, tại khu vực Nam Bộ “chìm ngập” trong nước bởi những trận mưa lũ lịch sử. Tại TP Hồ Chí Minh, trận mưa chiều 26-9 khiến nhiều tuyến đườngngập nặng, kẹt xe kéo dài.

Tại Đồng Nai rạng sáng 27-9, nước từ thượng nguồn đổ về đã cuốn sập cây cầu Ông Tình bắc qua nhánh suối Linh thuộc phường Tam Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, sáng 27-9, mưa lớn trên diện rộng khiến nước từ thượng nguồn đổ về khiến gần 55 hộ dân thuộc xã Tân Hưng (TP Bà Rịa) bị chìm trong biển nước…

Những trận mưa lũ này gây thiệt hại lớn đến kinh tế, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đe dọa tính mạng của người dân.

Hình lũ lụt ngày 27-9 vừa qua tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Hình lũ lụt ngày 27-9 vừa qua tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Một câu hỏi được đặt ra ở đây đó chính là việc tại sao chúng ta không thể dự báo thời tiết theo giờ? Và để có thể dự báo thời tiết theo giờ thì những đầu tư về nhân lực, trang thiết bị hiện nay trong công tác dự báo thời tiết chúng ta đã đáp ứng được chưa?

Phóng viên Báo CAND đã ghi nhận về tình hình thực tế của công tác dự báo thời tiết tại Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) - một trong những địa phương mà công tác dự báo thời tiết cần phải được đặt lên hàng đầu vì nơi đây là một trong những trung tâm du lịch của cả nước và cũng nơi có đông ngư dân đánh bắt trên biển.

Là đơn vị trực thuộc Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, hiện Đài khí tượng thủy văn tỉnh BR-VT có 1 trạm khí tượng ở Vũng Tàu, 3 trạm khí tượng hải văn ở Cầu Đá, Côn Đảo, DK1-7 nằm ở thềm lục địa phía nam Trường Sa và 8 điểm đo mưa, đo độ mặn tự động, phân bổ ở những khu vực có tiểu vùng thời tiết đặc trưng của tỉnh. Hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác quan trắc đo đạc như máy đo gió, đo mưa, máy đo nhiệt độ, độ ẩm được đầu tư... Các thiết bị này chủ yếu được nhập từ các nước Mỹ, Đức, Phần Lan và một số tại Việt Nam.

Mỗi ngày, để có những thông tin về thời tiết được chính xác, các cán bộ nhân viên của Đài khí tượng thủy văn Vũng Tàu đã phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Cứ 3 tiếng, các quan trắc viên phải thu thập số liệu một lần. Đặc biệt trong những ngày thời tiết xấu thời gian cập nhật là 30 phút một lần.

Ngoài những những yếu tố như cường độ gió, lượng mưa, mức nhiệt, độ ẩm… được đo bằng máy thì có những yếu tố người quan trắc viên phải quan sát trực tiếp bằng mắt thường, ví dụ như cường độ mây. Các số liệu sau khi phân tích sẽ được tổng hợp gửi về Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ và các đơn vị liên quan như Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, đài PT-TH tỉnh…

Là địa phương ven biển, ngoài thế mạnh về khai thác hải sản, tỉnh BR-VT còn có tiềm năng phát triển các ngành du lịch, sản xuất nông nghiệp. Do vậy việc cung cấp các thông tin thời tiết phục vụ cho các hoạt động này cũng vô cùng quan trọng. Nhưng hiện nay công tác này còn gặp một số khó khăn, bất cập như các trạm phân bổ chưa đủ.

Ông Nguyễn Văn Tài, PGĐ Đài khí tượng thủy văn tỉnh BR-VT cho biết, mật độ các trạm khí tượng càng dày thì cho kết quả chính xác càng cao, tối thiểu mỗi trạm cách nhau từ 30-50km.

Tuy nhiên trên thực tế, hiện trên toàn vùng đất liền của BR-VT chỉ có mỗi duy nhất một trạm khí tượng Vũng Tàu, điều này hạn chế đến việc đảm bảo việc dự báo thời tiết chính xác. Trong khi đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp và du lịch của tỉnh BR-VT còn phân bố ở các huyện.

Từ trạm khí tượng Vũng Tàu đến với trạm khí tượng thuộc tỉnh Đồng Nai cách xa hơn 100km, khoảng cách quá xa này khiến cho công tác dự báo thời tiết không chính xác và kịp thời. Điều này lý giải cho trận ngập lụt vừa qua diễn ra tại TP Bà Rịa.

“Để có thể đưa ra thông tin chính xác thì việc dự báo cực ngắn phải thực hiện liên tục cả một hệ thống từ dữ liệu quan trắc đến lúc ra bản tin dự báo và ngày nào cũng làm 24/24 giờ, thậm chí dự báo từng giờ một”, ông Tài cho biết thêm.

Không chỉ riêng tại BR-VT mà đây cũng là thực trạng chung của các địa phương. Hiện nay ngành khí tượng mới cung cấp bản tin dạng cảnh báo dông lốc. Vì thế những trận mưa “lịch sử” cứ thế hoành hành.

Để công tác dự báo thời tiết được đảm bảo cần sự chung tay và quan tâm từ phía các ngành hữu quan, và các địa phương. Quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ ngày 12-1-2016 về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2015, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ quan điểm: mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường phải đảm bảo tính đồng bộ, tiên tiến, hiện đại và toàn diện; đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa công nghệ và thiết bị quan trắc, phân tích, truyền tin và xử lý thông tin theo hướng số hóa, tự động hóa trên cơ sở phát huy công nghệ trong nước và tiếp thu công nghệ tiên tiến của nước ngoài.

Hải Âu

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/de-han-che-thiet-hai-do-mua-lu-can-quan-tam-hon-den-cong-tac-du-bao-thoi-tiet-410801/