Để Hà Nội mãi xanh

(GD&TĐ) - Những ngày này, hoa bằng lăng đã nở tím trên nhiều đường phố Hà Nội. Trên những con đường oi ả và ngột ngạt của đô thị có dân số đông nhất nước này, đang khi mệt mỏi bất chợt hiện ra những tàn hoa tím êm dịu và dễ thương. Thần kinh được xoa dịu, tâm hồn thư thái trở lại và ta bỗng thấy cuộc sống tươi đẹp.

1. Hà Nội có nhiều loại cây, ngay như xung quanh hồ Gươm cũng hội tụ đủ các loại cây, có cây thuần Việt chuyên mọc ở những bờ ao làng nông thôn đồng bằng Bắc bộ, như cây lộc vừng thuộc họ sung; có cây xuất xứ từ Trung Hoa, như cây liễu; lại cũng có nhiều cây mang từ Pháp sang trồng ở đây tuổi đời dễ đã gần hai thế kỉ, mà cây hoa sữa là đại diện tiêu biểu. Hai đầu Nam - Bắc hồ Gươm song song tồn tại hai dạng kiến trúc khác biệt: đầu này là kiến trúc cổ truyền thống của người Việt để đến bây giờ chúng ta còn có một “Hà Nội 36 phố phường”; còn đầu kia là những kiến trúc theo phong cách châu Âu thế kỉ XIX cùng một số kiến trúc mới của ngày hôm nay. Chính vì lẽ đó, người ta đã gọi hồ Gươm là điểm giao thoa văn hóa Đông - Tây nổi bật.

Hồ Gươm một sáng hè

Nếu ai có dịp đi trên đường Trần Phú của Thủ đô, đoạn trước tượng đài Lênin sẽ thấy một hàng cây nhiều năm tuổi, đặc biệt trên mỗi thân cây đều có một tấm bảng nhỏ ghi tên của chúng. Từ lim, muồng, xà cừ, nhãn, sấu, hoa ban, chò chỉ... cho đến một cây bất kì nào đó cũng được định danh. Đó quả là điều thú vị để ta biết cây đó là cây gì, từ đó càng yêu cây cối hơn. Tương tự, trong Vườn Bách thảo, có thể nói đây là một “bảo tàng thiên nhiên về gene” quy tụ rất nhiều loại cây quý hiếm. Ngay cạnh núi Nùng, những cây dâu da soan, cây sưa lặng lẽ vươn những cánh tay gầy guộc, cho đời những hương vị thiên nhiên tinh khiết để rồi nhớ, để rồi yêu.

2. Thiên nhiên, cây cỏ quanh ta thật sự cần cho cuộc sống con người. Không chỉ là “lá phổi xanh” lọc bụi bặm rồi tỏa cho con người lượng ôxi quan trọng, mà các loại cây cỏ còn đem đến sự cân bằng cho tinh thần và tâm hồn mỗi con người.

Cây xanh được ví như lá phổi xanh của thành phố - đặc biệt là các thành phố lớn có mức độ ô nhiễm không khí cao - tuy nhiên tại chính nơi đây lại đang xảy ra thực trạng cây xanh bị xâm hại nghiêm trọng, gây mất cảnh quan đô thị, hủy hoại môi trường và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân...

Sắc tím bằng lăng Hà Nội

Em yêu Hà Nội của em...

Những con đường trải dài trên phố cổ

Hàng cây u hoài, hoa sữa biết làm thơ

Em yêu Hà Nội những ngày mưa

Và yêu cả... những buổi trưa... đầy nắng

Em yêu Hà Nội, yêu những con đường vắng

Dáng bình yên, mùa trắng đón đông về

Người Hà Nội âm thầm yêu đê mê

Góc phố lặng, ly cà phê Hà Nội...

(GÀO)

Đáng tiếc, nhiều năm qua, việc giáo dục cho thiếu niên, nhi đồng sự hiểu biết cũng như “tình cảm” đối với thiên nhiên và cây cỏ rất ít được chú ý. Ở Hà Nội, mùa này khi bằng lăng đã nở rộ, đi trên đường nhiều đứa trẻ nhìn thấy rất thích nhưng không phải em nào cũng biết đó là cây bằng lăng. Tới hồ Gươm, nhìn cây thì thích đấy, nhưng các em cũng không nhận diện được cây nào với cây nào. Khó hơn, khi về nông thôn, hầu hết học sinh thành thị không biết tên các loài cây, có em còn không thể phân biệt được đâu là bèo tây, đâu là bèo tổ ong hay là bèo cám. Nhiều em chỉ biết tên những loài hoa cha mẹ thi thoảng mua về cắm, như hoa hồng, hoa loa kèn..., còn thì không biết, cứ gọi chung tất cả là hoa mà thôi. Kiến thức về các loài cây của nhiều em rất ít ỏi, loanh quanh trong mấy cây cảnh gia đình trồng, còn thì với thiên nhiên bao la rộng lớn của đất nước đa dạng sinh học bậc nhất thế giới như chúng ta, thì các em hiểu rất sơ sài.

Không ai bắt buộc phải biến trẻ em thành những nhà sinh vật học, thực vật học, nhưng sự hiểu biết về cây cỏ quanh ta về sâu thẳm là rất quan trọng với mỗi một con người. Hiểu thì mới yêu. Hiểu thì mới làm tăng thêm sự tinh tế cho tư duy, từ đó có cách ứng xử tốt nhất với thiên nhiên, với cây cỏ. “Vạn sự hữu linh”, các cụ ngày xưa đã dạy rằng mọi sự trên đời (trong đó có cả cây cỏ) đều có linh hồn. Biết yêu cây cỏ thì sẽ biết nâng niu chúng, tạo dựng được ý thức sống hòa thuận với thiên nhiên chứ không phải là tận diệt thiên nhiên do thiếu hiểu biết và thiếu lòng yêu.

Chúng ta chưa thể quên khi lễ hội hoa xuân diễn ra, cuối cùng lại thành lễ hội... cướp hoa. Hay vào đêm Giao thừa, rất nhiều cành cây bị bẻ gãy là do tục hái lộc đầu xuân gây ra. Đáng buồn thay!

... Mùa hoa bằng lăng tím ngát lại tới. Nhìn những chùm hoa tím dịu mát, bỗng dưng trong lòng lại thấy lo lắng.

Thiên nhiên, cây cỏ quanh ta thật sự cần cho cuộc sống con người. Không chỉ là “lá phổi xanh” lọc bụi bặm rồi cung cấp cho con người lượng ôxi quan trọng, các loại cây cỏ còn đem đến sự cân bằng cho tinh thần và tâm hồn mỗi con người...

Gia Linh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2773/201305/De-Ha-Noi-mai-xanh-1969447/