Để giảm số vụ chống người thi hành công vụ: Phải dùng 'thuốc' đặc trị

Thời gian qua, số vụ chống người thi hành công vụ, nhất là đối với lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đang có chiều hướng gia tăng, khiến người dân bức xúc.

Thời gian qua, số vụ chống người thi hành công vụ, nhất là đối với lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đang có chiều hướng gia tăng, khiến người dân bức xúc. Trên địa bàn cả nước, liên tục xảy ra các vụ việc có tính chất nguy hiểm, nghiêm trọng ở cả địa bàn thành phố lẫn nông thôn. Thực trạng này đang đòi hỏi một giải pháp đủ sức răn đe, đảm bảo yêu cầu thượng tôn pháp luật.

Vi phạm giao thông, ngang nhiên đấm vào mặt cảnh sát

Mới đây nhất, vào sáng 19/9, khi đang trên đường làm nhiệm vụ tại khu vực đối diện số nhà 1166 Đường Láng, Trung úy Nguyễn Quang Thảo - Đội CSGT số 3, Phòng CSGT - Công an TP. Hà Nội đã phát hiện nam thanh niên (sau này xác định là Nguyễn Chí Cường, 36 tuổi, trú tại phường Bưởi, quận Tây Hồ) không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe môtô phóng nhanh, lạng lách gây mất trật tự an toàn giao thông. Phát hiện lỗi vi phạm trên, Trung úy Thảo đã yêu cầu Cường dừng phương tiện, kiểm tra hành chính. Không những không chấp hành yêu cầu của cán bộ CSGT đang thực thi nhiệm vụ, Cường đã dùng tay túm áo, đấm vào mặt Trung úy Thảo. Trước hành vi trên, Trung úy Thảo đã cùng người dân khống chế và đưa Cường tới Công an phường Láng Thượng.

Hình ảnh đối tượng Nguyễn Chí Cường chống trả CSGT được cộng đồng mạng chia sẻ và bày tỏ sự bất bình.

Liên quan tới vụ việc này, Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 3 cho biết, đối tượng Nguyễn Chí Cường đã được bàn giao cho Công an phường Láng Thượng, Công an quận Đống Đa xử lý và đồng chí Thảo cũng đã được Đội đưa tới bệnh viện kiểm tra, chống phơi nhiễm HIV. Theo Trung tá Lê Tú, từ đầu năm 2016 đến nay, đã có hơn 20 trường hợp có hành vi chống đối, chống người thi hành công vụ đối với cán bộ chiến sĩ của đơn vị. Đối với những trường hợp này, Đội đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm. Nguyên nhân khiến thời gian qua tình trạng chống đối, chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng, theo Trung tá Lê Tú, nhiều lỗi vi phạm Luật Giao thông đã tăng nặng chế tài xử lý cả về hình phạt chính lẫn hình phạt bổ sung. Đơn cử theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, chế tài xử lý đối với lỗi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn trong máu đã tăng nặng rất nhiều. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản xử lý, nhiều trường hợp đã tỏ ý chống đối, thậm chí còn chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, các trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản xử lý nghiêm.

Xử lý chưa đủ sức răn đe

Theo Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, thời gian qua, tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng. Nguyên nhân có thể nhận định là do tội phạm ngày càng manh động hơn, trong khi các hình thức xử lý chưa thực sự tương xứng. Mặt khác, có lúc, có nơi, cán bộ chiến sĩ công an chưa thực sự chấp hành đúng quy trình, điều lệnh công tác, còn những biểu hiện tiêu cực gây bức xúc, kích động...

Qua một số vụ việc có thể thấy, hành vi chống người thi hành công vụ rõ ràng xuất phát từ thái độ coi thường pháp luật, coi thường lực lượng làm nhiệm vụ. Về mặt pháp lý, theo lực lượng thực thi công vụ, chế tài xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Hầu hết vụ việc xảy ra chỉ bị xử lý hành chính do hậu quả về vật chất không nhiều; sức khỏe, tính mạng của người thi hành công vụ chưa bị ảnh hưởng rõ ràng. Điều này là chưa hợp lý bởi hành vi chống người thi hành công vụ cần phải xử lý nghiêm vì thể hiện sự coi thường pháp luật... Mặt khác, do nhiều yếu tố, chính lực lượng làm nhiệm vụ còn e ngại khi trấn áp đối tượng... Những nguyên nhân trên không mới, nhưng vì sao chưa được khắc phục. Rõ ràng là do mức độ nguy hại của những hành vi chống người thi hành công vụ chưa được đánh giá đúng mức, dẫn đến việc giải quyết các nguyên nhân cơ bản trên chậm được thực hiện.

Bên cạnh đó, Trung tá Lê Tú cho biết, Đội CSGT số 3 cũng đã yêu cầu cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực thi công vụ phải luôn chấp hành Điều lệnh Công an Nhân dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm cố tình chống đối. Bên cạnh công tác tuyên truyền, đối với các trường hợp chống người thi hành công vụ, các cơ quan tố tụng cần đưa ra xử điểm, xét xử lưu động để tăng tính răn đe. Đáng chú ý, thời gian qua, xuất hiện nhiều trường hợp vi phạm Luật Giao thông cố tình không ký vào biên bản xử lý khi bị cán bộ CSGT phát hiện, lập biên bản xử lý, khiến công tác xử lý, răn đe vi phạm gặp nhiều khó khăn. Do vậy, các cơ quan ban hành luật cũng nên nghiên cứu, đưa thêm nội dung “cố tình không ký vào biên bản vi phạm hành chính” là biểu hiện của hành vi chống đối vào các văn bản quy định pháp luật một cách cụ thể.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, đưa ra xét xử lưu động, xử điểm các vụ chống người thi hành công vụ, đối với mỗi cán bộ khi thi hành công vụ cũng cần nâng cao trình độ nghiệp vụ, tác phong, lễ tiết, văn hóa ứng xử của bản thân trong quá trình kiểm tra, xử lý đối với người vi phạm.

Thế Vinh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/de-giam-so-vu-chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu-phai-dung-thuoc-dac-tri-n122814.html